Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị

(13:29 | 05/10/2018)

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, Kiên Giang đã tiến hành tái cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thực hiện điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị.

 

Cánh đồng lớn chất lượng cao tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp

 

Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Kiên Giang cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi ha đạt doanh thu 122 triệu đồng, trong đó giá trị sản lượng bình quân trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha. Đến năm 2030, giá trị bình quân đạt 170-200 triệu đồng/ha đất nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt từ 140-150 triệu đồng/ha. Đến năm 2020, tỉnh sẽ tăng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 45% (53/118 xã) và xây dựng thêm 3 huyện nông thôn mới là Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận, các xã còn lại phải đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

 

Xã nông thôn mới Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh kiên Giang (Ảnh Tạp chí tổ chức Nhà nước)

Tỉnh sẽ tổ chức sản xuất theo hướng phù hợp mà trọng tâm là doanh nghiệp, nông nghiệp, hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị kết nối với hệ thống toàn cầu; đổi mới hợp tác xã nông nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến tiêu thụ.

Theo thống kê về tình hình kinh tế xã hội trong 9 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Kiên Giang, tốc độ tăng theo giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 6,28%, kế hoạch năm 2018 là 1,78%; tổng diện tích gieo trồng lúa là 653.197 ha, tăng 4,51% so với kế hoạch, tăng 0,62% so với cùng kỳ; diện tích thu hoạch 550.020 ha, đạt 88% so với kế hoạch; năng suất bình quân 5,92 tấn/ha, sản lượng 3.864.240 tấn, tăng 1,1% kế hoạch, tăng 7,22% so với cùng kỳ. Thực hiện nâng cao giá trị sản phẩm vụ Đông Xuân 2017-2018 toàn tỉnh thực hiện 169 cánh đồng lớn, quy mô diện tích trên 58.463 ha; với các hình thức liên kết với nông dân, hỗ trợ kỹ thuật giúp giảm chi phí phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm (có 54.800 ha được ký kết),… tăng hiệu quả kinh tế; vụ Hè Thu 2018, toàn tỉnh đã thực hiện khoảng 41 cánh đồng lớn, quy mô diện tích trên 15.756 ha, với khoảng 14.700 ha được ký hợp đồng. Khoảng 40 % diện tích gieo sạ sử dụng giống cấp xác nhận, đã có trên 75% diện tích canh tác đã gieo sạ giống lúa chất lượng cao.

 

Trong 9 tháng đầu năm sản lượng lúa của kiên Giang đạt 3,864 triệu tấn (Ảnh Báo điện tử Cộng sản)

 

Tốc độ gia tăng ngành thủy sản của tỉnh là 9,8%, đạt 124% kế hoạch năm 2018, sản lượng khai thác và nuôi trồng trong 9 tháng đầu năm ước 612.168 tấn, đạt 78,08% so kế hoạch và tăng 6,48% so cùng kỳ. Trong đó sản lượng khai thác là 438.649 tấn, đạt 79,18% kế hoạch và tăng 7,09% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản là 173.519 tấn, đạt 75,44% kế hoạch, tăng 4,97% so cùng kỳ. Diện tích tôm nước lợ là 123.224 ha, đạt 100,18% so kế hoạch và tăng 5,59% so với cùng kỳ (tôm công nghiệp-bán công nghiệp 2.484 ha, đạt 99,36% kế hoạch và tăng 31,84% so cùng kỳ). Đến nay, sản lượng tôm thu hoạch được 62.886 tấn, đạt 91,14% kế hoạch và tăng 19,92% so cùng kỳ. Thực hiện Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính Phủ về một số chính sách phát triển thủy sản Kiên Giang đã hạ thủy 47/48 tàu, tập trung khai thác hải sản theo hướng giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển đội tàu công suất lớn xa bờ góp phần bảo vệ an ninh vùng biển quốc gia. Tỉnh phát triển nhanh hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp; nuôi cá lồng bè trên biển.

 

Nuôi cá lồng bè trên biển tại Kiên Giang (Ảnh VOV)

Về thực hiện xây dựng nông thôn mới: từ đầu năm đến nay đã công nhận 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đã thực hiện 9/11 xã, đạt 81,8% kế hoạch năm 2018), xây dựng và ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng dần chất lượng các tiêu chí.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính đạt 44.226,18 tỷ đồng, đạt 71,44% kế hoạch năm, tăng 7,74% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,24%. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn phần ngành kinh tế thì nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,75% toàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực ngành nông nghiệp và thủy sản của tỉnh vẫn còn đó những hạn chế cần được khắc phục như: Sản xuất chưa gắn kết được với khâu chế biến và tiêu thụ; các hình thức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và chưa thật sự bền vững; nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; tình trạng lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên quá mức cho phép… đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Số lượng các tiêu chí đạt đã được nâng lên; tuy nhiên mức độ còn yếu, chưa bền vững (môi trường, thu nhập, nhà ở, văn hóa,…). Tình trạng tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra.

Từ tình hình trên, Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên toàn tỉnh để sơ kết 2,5 năm thực hiện 'Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; rà soát lại các quy hoạch, điều chỉnh phù hợp với tình hình sản xuất; phổ biến, áp dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chú trọng phát triển kinh tế hợp tác. “Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp cũng là góp phần xây dựng nông thôn mới và ngược lại – hai lĩnh vực có mối quan hệ tương tác với nhau”.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất vào nông nghiệp; xây dựng nhiều mô hình và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ mới có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả, chăn nuôi theo hướng an toàn. Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vào hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng của các loại hình kinh tế tập thể, nhất là xây dựng điểm và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các mô hình có hiệu quả, thân thiện với mô trường như mô hình tôm – lúa, lúa – cá; phát triển các hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, công nghiệp, nuôi cá lồng bé trên biển; quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo khai thác hải sản bất hợp pháp.

 

Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam

Mục tiêu của tỉnh Kiên Giang là chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi, rau màu trong nội ngành nông nghiệp, giá trị thủy sản trong tổng giá trị nông, lâm, thủy sản. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 800 ngàn ha, sản lượng trên 5 triệu tấn.

Yến Ngọc