Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường

(10:52 | 26/09/2018)

Chiều 18-9, đồng chí Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc về công tác phối hợp, phát triển sản xuất giữa Hội Nông dân tỉnh với UBND các cấp, các sở, ngành của tỉnh. Đồng chí đã nhấn mạnh: “Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, phải chuyển đổi sản xuất nông sang làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, không thể chỉ bám cây lúa trồng hoài. Chính quyền địa phương phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, nói nôm na là phải bán cái thị trường cần chứ không phải cái chúng ta có. Phải chấp nhận quy luật kinh tế thị trường để tránh được mùa, mất giá, sản xuất hiệu quả hơn”.

 

Nông dân trong HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ - huyện Giồng Riềng được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật

Nông dân trong HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ - huyện Giồng Riềng được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật

     Theo đồng chí Phạm Vũ Hồng, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh thành công hay không là do nông dân, bởi nông dân là chủ thể thực hiện đề án này. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, còn tình trạng được mùa, mất giá, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi sản xuất. Đồng chí Phạm Vũ Hồng đề nghị các sở, ngành, địa phương cùng nhau phối hợp tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách kịp thời thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mục tiêu cuối cùng là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng nông thôn mới; Liên minh HTX tỉnh phối hợp Hội nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền kinh tế nông nghiệp tập trung.

 

Học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại HTX nông nghiệp Tân Thuận Phát huyện Giồng Riềng

Học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại HTX NN Tân Thuận Phát huyện Giồng Riềng

     Đồng chí Phạm Vũ Hồng đề nghị ngành nông nghiệp phải sử dụng chiến lược chi phí thấp, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất để giúp nông dân tăng thu nhập; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trước hết ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư 1-2 mô hình điểm sau đó nhân rộng; Liên minh HTX tỉnh phát huy hiệu quả từ mô hình HTX kiểu mới có sự tham gia của doanh nghiệp để tận dụng trình độ quản trị, giúp nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

 

HTX nông nghiệp VINACAM Hòn Đất thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2018

HTX NN VINACAM Hòn Đất thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2018

     Để hạn chế tình trạng được mùa, mất giá, tư thương o ép, Liên minh HTX đã chủ động, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, địa phương giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu gạo xuống hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho 211 HTX nông nghiệp trồng lúa, tổng diện tích 36.573 ha với các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung An, Công ty Cổ phần nông sản VINACAM, Công ty Nông Việt Pháp, Công ty Vinh Phát và Công ty Vạn Trường Phát. Giới thiệu các HTX với Công ty Cổ phần hóa chất và Phân bón Phú Mỹ để mua vật tư nông nghiệp theo giá đại lý cấp 1 và giá hỗ trợ đối với dự án cánh đồng mẫu lớn vừa giảm bớt chi phí đầu vào sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng.

 

Thành viên HTX nông nghiệp dịch vụ thanh niên Phú Hòa đang cân lúa cho công ty bao tiêu

     Trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang cũng đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc cụ thể hóa triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho kinh tế tập thể, hỗ trợ người nông dân yếu thế; tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 1557/CT-UBND về việc đẩy mạnh triển khai liên kết sản xuất, phát triển HTX kiểu mới, theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Chuẩn bị các bước thành lập HTX chợ đầu mối nông sản, đây sẽ là nơi giao thương hàng hóa, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường và các kênh tiêu thụ; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kênh thông tin dành riêng cho các HTX quảng bá thông tin, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác tiêu thụ hàng hóa chủ lực.

     Với tổng số 332 HTX nông nghiệp bao gồm lúa, thủy sản, cây ăn trái, hồ tiêu, khóm, gừng,.. chiếm 87% HTX trên toàn tỉnh, nhưng chỉ đóng góp chưa đến 1,4% GDP, điều này chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực kinh tế tập thể nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng. Nhằm chuẩn bị các bước để giúp các HTX có thể mở rộng thị trường đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa, phát huy giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã giới thiệu 14 HTX với Liên minh HTX Việt Nam để được hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận VietGap; Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của HTX, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bổ sung danh mục sản phẩm đặc thù thế mạnh của 17 HTX và tổ hợp tác; tổ chức cho 45 HTX tham gia Hội thảo khoa học phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và trong nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang do UBND tỉnh tổ chức; Phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức cho 05 HTX tham dự Hội chợ xúc tiến thương mại các Hợp tác xã năm 2018 tại Hà Nội, đây là dịp để các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của địa phương tại Hội chợ và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đến với người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước; kích cầu tiêu dùng phù hợp với chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, qua các buổi hội chợ, triễn lãm, festifal nông nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các HTX giao thương, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, tạo điều kiện cho các HTX ký kết các hợp đồng xúc tiến thương mại..

 

Gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX tại Festival Nông nghiệp - Ngư nghiệp lần thứ I tỉnh Kiên Giang năm 2017

Gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX tại Festival Nông nghiệp - Ngư nghiệp lần thứ I tỉnh Kiên Giang năm 2017 (Ảnh Đặng Linh)

     Qua thực tiễn cho thấy, để đưa nền sản xuất nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh với nền sản xuất nông nghiệp thế giới thì cần phải thay đổi tư duy sản xuất, khi chúng ta muốn bước ra sân chơi lớn thì chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu khắc khe của đối tác, nội lực phải đủ mạnh và có thị trường tiêu thụ ổn định. Chúng ta phải chuyển từ sản xuất cái ta có sang sản xuất cái thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế theo từng vùng, từng huyện từ đó xây dựng lợi thế tỉnh. Như đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản như: Khóm Tắc Cậu, mật ong U Minh Thượng, sầu riêng Hòa Thuận, khoai lang Bông Súng... công nhận nghề truyền thống đan đát tại xã Tân Thành (Tân Hiệp), nghề truyền thống làm mắm ruốc, đường thốt nốt xã Bình An (Kiên Lương). Nhưng khâu tiêu thụ và thị trường đầu ra chưa nhiều, sản phẩm thô bảo quản không được lâu. Như vậy, trong mô hình sản xuất cũng cần phải liên kết tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, liên kết các doanh nghiệp gắn sản xuất tiêu thụ với chế biến. Đồng thời, cần đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản phẩm nông nghiệp.

 

HTX NN dịch vụ thanh niên Phú Hòa tham gia dự án cánh đồng lớn thâm canh và cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở phía Nam

     Thiết nghĩ, cần thay đổi quan niệm phát triển nông nghiệp từ lượng sang chất, chuyển sang nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao phù hợp. Đồng thời, khẳng định vai trò trụ cột dẫn dắt trong nông nghiệp, tổ chức kinh doanh nông nghiệp hiện đại lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nông dân làm nền tảng, HTX là tổ chức liên kết nông dân và kết nối nông dân với doanh nghiệp tạo thành chuỗi kinh doanh hiện đại.

Yến Ngọc