Thành lập năm 2013, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát, ấp Hòa Kháng, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, với tổng diện tích là 206 ha, có 93 hộ tham gia thành viên. Bước đầu hợp tác xã gặp khó khăn trong việc xây dựng lòng tin của thành viên và triển khai các kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, sau khi được Nhà nước hỗ trợ trạm bơm điện và hệ thống kênh thủy lợi nội đồng, cùng sự tâm huyết của ban quản lý hợp tác xã đã bắt tay góp vốn mua mô tơ phục vụ bơm tưới tập thể. Trước đây bơm tưới riêng lẻ, bà con phải tự khiêng máy, canh con nước để bơm, chi phí lại cao. Hiện nay bơm tập thể bằng mô tơ điện, giá thành rẻ, gieo sạ đồng loạt, bơm tưới theo đợt nên rất thuận tiện. Ban quản lý hợp tác xã thông tin thêm, bơm tưới tập thể đã giúp thành viên tiết kiệm từ 500.000-600.000 đồng/ha và bà con có thêm thời gian nhàn rỗi để chăn nuôi, trồng rau màu tăng thu nhập vì mọi việc đã có đội dịch vụ lo, vốn hoạt động của hợp tác xã cũng đã tăng gấp đôi.
HTX nông nghiệp Tân Thuận Phát họp sơ kết sau vụ mùa năm 2018
Ngoài những dịch vụ đã đăng ký trong giấy phép, hợp tác xã có mô hình trồng tiêu sạch trên nền đất hữu cơ không sử dụng phân bón của 10 hộ diện tích khoảng 3,5 ha; lợi nhuận khoảng 65 triệu đồng/năm. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian qua cũng được nhiều đơn vị đến học tập kinh nghiệm đó là động lực để hợp tác xã thực hiện nhân rộng mô hình này, để cải thiện thu nhập của thành viên. Hợp tác xã còn có 05 hộ triển khai mô hình trồng hoa màu cung cấp cho thành viên hợp tác xã và bà con lân cận, diện tích khoảng 2,5 ha, lợi nhuận mang lại khoảng 45 triệu đồng/năm.
Trồng màu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên
Hợp tác xã được Trung tâm Khuyến nông tập huấn thực hiện mô hình điểm cánh đồng mẫu lớn, đáp ứng vùng nguyên liệu ứng phó với biến đổi khí hậu, diện tích 100 ha có 92 hộ tham gia. Thành viên được tập huấn các kiến thức áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm năm 2017 tổ chức được 3 cuộc. Diện tích lúa của hợp tác xã được chăm sóc theo quy trình quản lý cộng đồng, cùng nhau phòng trừ dịch bệnh nên rất hiệu quả, ít tốn kém. Năm 2017 hợp tác xã thực hiện gieo sạ cùng một loại giống Đài thơm 8 năng suất tăng từ 8 tấn/ha lên 8,5 tấn/ha. Với giá bán bình quân 5.800 đồng/kg mang về lãi trên 30 triệu đồng/ha.
HTX có 100 ha sản xuất lúa tham gia cánh đồng mẫu lớn
Hội đồng quản trị và Ban giám đốc hợp tác xã đã năng động, dám nghĩ, dám làm tích cực tìm các nguồn thu nhập khác cho thành viên ngoài dịch vụ bơm tát tập thể như: hợp đồng máy gặt đập liên hợp và máy cày, máy xới; được các đối tác trích lại từ 10.000 đồng/công để nhập quỹ của hợp tác xã. Do không đủ điều kiện để hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp, thành viên hợp tác xã cũng đã thống nhất, góp vốn chung để ký hợp đồng mua phân bón, vật tư nông nghiệp số lượng nhiều giá rẻ hơn mua bên ngoài từ 10-20%, được các công ty uy tín cung cấp nên chất lượng đảm bảo không sợ hàng giả, hàng nhái, giảm chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho bà con. Hằng năm, nguồn thu từ hoạt động này cũng khoảng 30 triệu đồng, sau khi hợp tác xã trích lập các loại quỹ đúng quy định, trả công cho người trực tiếp quản lý thì chia lại cho thành viên.
Giám đốc HTX, Phạm Minh Thành kiểm tra kho chứa vật tư nông nghiệp của HTX (ảnh: Báo Mới)
Trước đây tới mùa thu hoạch nhà nông lại phải chạy đôn chạy đáo kiếm thợ gặt, tìm máy suốt, rồi lo phơi sấy, tìm thương lái thu mua để bán… bây giờ mọi thứ đã có hợp đồng sẵn từ trước, chỉ việc báo ngày thu hoạch là đội dịch vụ đến làm hết, mang lúa về tận nhà. Ghe của công ty chờ sẵn ở bờ sông để cân. Những năm qua, do hợp tác xã đã ký hợp đồng lâu dài với Doanh nghiệp tư nhân Phước Hưng (Thành phố Cần Thơ) bao tiêu toàn bộ diện tích lúa cao sản cho nông dân nên người dân không còn tâm trạng lo bị “cò lúa” ăn chặn, bị thương lái ép giá khi vào vụ thu hoạch như trước nữa.
Ghe thu mua lúa của HTX
Không những chăm lo kinh tế giúp bà con thoát nghèo mà hợp tác xã còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, công trình phúc lợi tại địa phương. Trong năm 2017, hợp tác xã đã vận động thành viên ủng hộ 20 triệu đồng xây dựng lộ giao thông nông thôn, xây dựng cầu, các công trình phúc lợi. Hàng năm, đều trích 3% lợi nhuận lập quỹ phúc lợi nhằm hỗ trợ, giúp đỡ thành viên có hoàn cảnh khó khăn.
Nội bộ hợp tác xã đoàn kết thống nhất cao trong mọi hoạt động, tỷ lệ thành viên tham dự các cuộc họp đạt từ 85% trở lên, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt việc công khai tài chính sau mỗi vụ lúa, chia lãi cho thành viên đúng theo quy định, giúp cho thành viên nâng cao thu nhập từ đó nhiều người tự nguyện tham gia hợp tác xã. Ban giám đốc tiếp thu các ý kiến đóng góp chân thành, uốn nắn kịp thời những sai sót trong quá trình điều hành hoạt động của hợp tác xã.
Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát tuyên truyền cho thành viên chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Hội đồng quản trị và Ban giám đốc bám sát tình hình thực tế của địa phương, cũng như cơ quan chức năng cấp trên chỉ đạo. Đến nay Hợp tác xã hoạt động đúng theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và điều lệ của hợp tác xã. Nhờ mạnh dạn kinh doanh, quản lý các khâu chặt chẽ, liên tục có lãi, 02 năm 2016 - 2017 Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát được suy tôn đơn vị dẫn đầu khối 4 khối thi đua các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
HTX nhận cờ thi đua khối thi đua HTX nông nghiệp
Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận Phát là một trong 14 hợp tác xã của tỉnh Kiên Giang tham gia đề án theo Quyết định 445/QĐ-TTg về thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới giai đoạn 2016-2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đơn vị là điển hình hợp tác xã làm ăn hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên của huyện Giồng Riềng.