Hiện nay, nhu cầu về vốn đối với các hợp tác xã (HTX) càng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc tiếp cận được vẫn còn quá ít, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, khó đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng để tiếp cận được vốn vay. Mặc dù, chính sách tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tuy đã được ban hành nhưng vẫn chưa đi vào thực tiễn.
Nhu cầu về vốn đối với các HTX càng ngày càng nhiều, tuy nhiên việc tiếp cận được vẫn còn quá ít
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại các HTX trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chỉ dừng lại ở việc lập hồ sơ, dự án gửi cho các tổ chức tín dụng, nhưng chưa có HTX nào được giải ngân nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình. Nguyên nhân gây khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng là do vốn điều lệ HTX đa số thấp, có nhiều HTX vốn điều lệ chỉ vài chục triệu đồng; việc huy động vốn nội bộ của HTX gặp nhiều khó khăn do các thành viên chưa tìm thấy lợi ích thiết thực của mình trong đó; không có tài sản chung để thế chấp; hạn chế thông tin về các nguồn tài chính; không hiểu rõ quy trình, thủ tục; không biết cách xây dựng dự án ... Ngoài ra, các HTX chưa tạo được uy tín đối với các tổ chức tín dụng nên việc vay vốn thường gặp nhiều trở ngại hơn so với các doanh nghiệp.
Nguyên nhân gây khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng là do không có tài sản thế chấp
Ví dụ điển hình như đầu năm 2022, thực hiện theo Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 29/4/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 337/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay đối với HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với mức vay lên đến 02 tỷ đồng/HTX/dự án. Cụ thể, đã hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho 04 HTX tại các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành và Gò Quao về các thủ tục. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy thông tin chấp thuận giải ngân từ phía ngân hàng.
Một số điểm nghẽn gây khó khăn nữa là trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế; chưa đáp ứng được so với cơ chế quản lý mới, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm; chỉ được tập huấn ngắn hạn, không được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật những kiến thức mới. Đa phần, HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện tính minh bạch mọi hoạt động của HTX. Việc dựng phương án vay vốn chưa khả thi, chưa khai thác hết thông tin thị trường để đánh giá hiệu quả dự án, nên khi các ngân hàng tiến hành thẩm định chi tiết khó thuyết phục để chấp nhận phương án vay vốn để đầu tư.
Ngoài ra, các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản, nhưng vẫn mang tên cá nhân của người chủ sở hữu chưa chuyển tên cho HTX, gây khó khăn cho HTX trong việc sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn. Từ đó, không đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng nên khó đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX để thẩm định và quyết định việc cho vay.
Để tiếp cận được vốn của tổ chức tín dụng, các HTX phải nỗ lực vươn lên, củng cố bộ máy điều hành, chuẩn bị tốt nhân sự, đảm bảo quản lý điều hành các hoạt động của đơn vị đúng quy định, nhất là công tác tài chính kế toán. Xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, có tính khả thi cao, bảo đảm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, các HTX cũng phải có tài sản thế chấp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản khác, đảm bảo niềm tin cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Để tiếp cận được vốn của tổ chức tín dụng, HTX cần xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, có tính khả thi cao
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cũng phải tăng cường chủ động tiếp cận các dự án, phương án sản xuất kinh doanh của HTX, nếu có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ thì tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho vay. Đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay đối với HTX. Nếu có thể, nên tạo điều kiện để các HTX được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp của HTX. Có nghĩa là cho HTX vay vốn theo phương thức tín chấp, thông qua HTX được chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương xác nhận hoạt động đúng bản chất HTX, làm ăn có lãi, và góp phần phát triển cộng đồng.