Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Kinh tế - Hợp tác

Xem với cỡ chữAA

Châu Thành: Phát triển hợp tác xã là một tất yếu

(10:18 | 27/05/2022)

Trong thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hết sức nặng nề, nhưng khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) huyện Châu Thành vẫn hoạt động khá ổn định. Bên cạnh đó, phong trào phát triển KTTT, HTX có nhiều tín hiệu mới và đáng khích lệ. Có thể nói, mô hình HTX đang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ và cá thể thông qua các dịch vụ hoặc tạo việc làm cho thành viên như giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, thành viên.

 

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hết sức nặng nề, nhưng khu vực KTTT huyện vẫn hoạt động khá ổn định

 

 

Toàn huyện có 21 HTX nông nghiệp với diện tích 4.619.04 ha, 1.967 thành viên, tổng vốn điều lệ trên 2 tỷ 715 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 8.600 lao động thường xuyên và theo thời vụ. Hầu hết các HTX nông nghiệp đều quản lý được 02 khâu cơ bản là bơm tát tập thể gắn với quản lý lịch thời vụ và liên kết bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa. Điển hình như HTX Tân Hưng – Giục Tượng được chọn là HTX nông nghiệp điển hình về tổ chức đấu thầu cung cấp các dịch vụ đầu vào (bơm tát, làm đất, thu hoạch lúa) và tiêu thụ lúa cho thành viên. HTX Thạnh Hòa - Mong Thọ A đã triển khai thực hiện được 05 loại dịch vụ như: bơm tát, lúa giống, thu hoạch, lò sấy, vận chuyển… Đa số HTX đều xây dựng được kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, hàng vụ, chia lãi công khai và thông qua hội nghị thành viên; có ý thức chăm lo cho thành viên trong việc tổ chức dịch vụ bơm tát; cá nhân từng thành viên trong Hội đồng quản trị có tinh thần trách nhiệm cao…đã góp phần động viên, thúc đẩy phong trào kinh tế hợp tác huyện nhà phát triển.

 

HTX Tân Hưng – Giục Tượng được chọn là HTX nông nghiệp điển hình về tổ chức đấu thầu cung cấp các dịch vụ

 

Để các HTX phát triển bền vững, huyện đã hỗ trợ cho các HTX thông qua việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, lồng ghép các chương trình mục tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (như đầu tư lưới điện phục vụ bơm tưới trong nông nghiệp, đầu tư thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng cánh đồng mẫu lớn...). Từ đó mang lại kết quả tích cực đối với việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.

 

Riêng năm 2021, phòng Nông nghiệp - PTNT kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 380 ha cho 4 HTX (HTX Tân Thành Công 130 ha; HTX Lộc Hoà 80 ha; HTX Tân Tiến 70 ha; HTX An Bình 100 ha).

 

Bên cạnh đó, Luật HTX năm 2012 đã tạo nhiều tiền đề thúc đẩy việc phát triển KTTT, đổi mới hoạt động và tổ chức lại HTX, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho các thành viên trong HTX. Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến hình thức kinh tế hợp tác, kịp thời khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX hoạt động. Có định hướng chỉ đạo tích cực đối với việc củng cố và phát triển HTX kiểu mới gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Một số HTX có ý chí tự lực vươn lên, tự khẳng định mình, chủ động hơn trong cách nghĩ, cách làm để phát triển đa dạng các hoạt động dịch vụ, liên kết kinh tế, nâng cao hiệu quả, tự chủ hoạt động, lựa chọn ngành nghề kinh doanh, lựa chọn hình thức hoạt động, đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước từ các chính sách khuyến khích, ưu đãi; phát huy quyền tự quyết và quản lý HTX phát triển. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn ngày càng chặt chẽ hơn. Việc hỗ trợ cho các HTX được thực hiện tốt hơn qua việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, lồng ghép các chương trình mục tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ …

 

Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến hình thức kinh tế hợp tác

 

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nhận thức chưa đầy đủ của một số cơ quan về chủ trương của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của HTX, nhất là sự khác nhau giữa HTX kiểu cũ và HTX kiểu mới; chưa khắc phục được tư tưởng bao cấp, trông chờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Trình độ quản lý điều hành sản xuất của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX còn nhiều hạn chế, chỉ đạo các hoạt động sản xuất kinh doanh HTX theo kinh nghiệm còn nhiều, chưa bám sát Nghị quyết đại hội, hội nghị thành viên và phương thức sản xuất kinh doanh trong nhiệm kỳ.

 

Phần lớn các HTX thực hiện được ít khâu dịch vụ so với định hướng ban đầu, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, công tác thu chi tài chính chưa thật công khai, rõ ràng dẫn đến mất niềm tin của thành viên; Nợ đọng dịch vụ bơm tát, cày xới trong dân một số nơi còn kéo dài chưa thu hồi được.

 

Nhiều HTX lấy khâu bơm tát làm khâu kinh doanh chính nhưng diện tích nhỏ nên hiệu quả sản xuất kinh doanh mang lại không cao, hoặc không có lãi; thành viên HTX sản xuất nhiều loại giống khác nhau, sản phẩm làm ra không đồng đều, không đủ lớn để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

 

Nguyên nhân, do việc cụ thể hóa và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách về KTTT còn chậm, ảnh hưởng đến công tác vận động, tuyên truyền thành lập mới HTX. Phần lớn diện tích sản xuất ở các xã phía Nam Quốc lộ 61 ít ảnh hưởng lũ, có điều kiện tưới tiêu tự chảy do nằm cặp sông Cái Bé, nhu cầu bơm tát tập thể không cao nên HTX những nơi này ít phát triển. Việc triển khai bơm tát bằng điện trong năm qua tuy có nhiều tiến bộ nhưng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hệ thống điện 3 pha và điện áp ở nhiều khu vực chỉ đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

 

Trong phối hợp thực hiện phát triển KTTT giữa các ngành và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, vẫn còn tình trạng trông chờ lẫn nhau. Một số ngành có loại hình KTTT đang hoạt động nhưng thiếu sự quan tâm, kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn, chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức KTTT thuộc ngành quản lý. Đối với các HTX, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hỗ trợ của ngành chuyên môn chưa thật chặt chẽ, sâu sát, từ khâu vận động, xây dựng, theo dõi, uốn nắn và củng cố chấn chỉnh hoạt động. Đặc biệt là việc hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nợ dịch vụ...

 

Mục tiêu năm 2022, huyện sẽ thành lập mới từ 01 đến 02 HTX nông nghiệp trở lên; mở rộng quy mô đối với các HTX có điều kiện thích hợp từ 500ha trở lên; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt dự án Vn-SAT, Đề án Thí điểm nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Có ít nhất 12 HTX đạt loại tốt, 07 HTX đạt loại khá, không có HTX yếu kém; doanh thu bình quân của HTX đạt từ 100 triệu đến 01 tỷ 100 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX từ 60 triệu đồng/người/năm.

 

Tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn Luật HTX năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc HTX; chuyên môn, kỹ thuật cho thành viên HTX.

 

Tiếp tục quán triệt, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong phát triển KTTT. Tăng cường vai trò trách nhiệm của Mặt Trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong phát triển HTX. Quan tâm phát triển đảng viên, thành lập chi bộ ở những HTX có đủ điều kiện.

 

Thường xuyên rà soát tình hình hoạt động của các HTX, hướng dẫn tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012; thu hút, kết nạp thêm thành viên; tăng vốn góp của thành viên vào HTX; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX. Phát triển các HTX mới phải gắn với phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (cánh đồng lớn) với quy mô hợp lý và quy trình sản xuất bền vững (GAP, hữu cơ …).

T.T