Có thể nói, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19 vừa qua. Cần chủ động đa dạng hình thức tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực nguồn nhân lực; thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX)… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của KTTT, HTX; cải thiện đời sống thành viên và người lao động.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND, ngày 24 tháng 01 năm 2022 yêu cầu ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh cần xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu từ đó xây dựng Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2022 theo hướng trách nhiệm, tích cực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững. Cân đối các nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, HTX đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm. Các tổ chức KTTT, HTX, người dân và tổ chức, cá nhân có liên quan cần nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong quản lý, hoạt động sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật trong việc tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện các nguồn lực hỗ trợ.
Năm 2022 sẽ phát triển KTTT, HTX theo hướng trách nhiệm, tích cực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ phát triển KTTT, HTX cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ thành viên, thông qua nâng cao nhận thức của toàn dân về KTTT, HTX. Đồng thời tăng cường năng lực của các tổ chức KTTT, HTX nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác.
Đến cuối năm 2022, quyết tâm đưa KTTT, HTX của tỉnh tăng trưởng mức độ khá; đủ năng lực nội tại để vừa phục vụ tốt cho thành viên, vừa tham gia và đứng vững trên thị trường. Trên cơ sở đó, theo Kế hoạch số 21/KH-UBND, ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phấn đấu thành lập mới 15 HTX (trong đó 14 HTX nông nghiệp) và 50 THT gắn với xây dựng cánh đồng lớn; phấn đấu 86% HTX có lãi, trong đó trên 51% HTX khá giỏi, trên 36% HTX trung bình, hạn chế thấp nhất HTX yếu kém; tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 6.383 người; tổng số lao động trong THT là 13.473 người.
Phấn đấu thành lập mới 15 HTX (trong đó 14 HTX nông nghiệp) và 50 THT gắn với xây dựng cánh đồng lớn
100% số HTX tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX hiện hành; trên 5,2% cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực; xây dựng 20 mô hình tổ chức KTTT ứng dựng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; trên 42% trong tổng số tổ chức KTTT, HTX có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức KTTT khác.
Xây dựng 20 mô hình tổ chức KTTT ứng dựng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững
Bên cạnh đó, cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX (480 triệu đồng); nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT (6.718 triệu đồng); xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (7.960 triệu đồng); hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm (15.080 triệu đồng).
Để thực hiện có hiệu quả nội dung trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Liên minh HTX tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012, các văn bản dưới luật và các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển KTTT của Nhà nước đến toàn thể cán bộ đảng viên, cán bộ quản lý nhà nước về KTTT, cán bộ, thành viên HTX, THT và nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm, thực hiện, nhanh chóng phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Tổ chức các khóa đào tạo và tập huấn về năng lực quản lý, quản trị, nghiệp vụ kế toán, kỹ năng xây dựng kế hoạch, quản lý sản xuất, kinh doanh… cho cán bộ, thành viên HTX, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các chương trình hỗ trợ phát triển HTX hằng năm.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký và đầu tư của HTX để đề xuất loại bỏ những thủ tục không cần thiết, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập và hoạt động kinh doanh của HTX.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đáp ứng được nhu cầu của HTX trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Lựa chọn các HTX có xu hướng phát triển để tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng thành các HTX điển hình tiên tiến để nhân rộng; đồng thời triển khai xây dựng, củng cố HTX, THT ở các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tham mưu giúp việc theo dõi, quản lý, giám sát và báo cáo hoạt động của thành phần KTTT trong lĩnh đơn vị được phân công quản lý, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT, đặc biệt ở khâu đăng ký HTX. Theo dõi, giám sát việc thi hành Luật HTX năm 2012 và hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với khu vực KTTT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về KTTT.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh trên cơ sở củng cố, đổi mới tổ chức hoạt động, bảo đảm thực hiện tốt chức năng là tổ chức đại diện của HTX. Đồng thời, huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của cá nhân, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy phát triển KTTT.