Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Chi bộ

Xem với cỡ chữAA

Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

(23:20 | 13/06/2022)

Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan-doanh nghiệp tỉnh ban hành Công văn số 54-CV/BTGĐUK về Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022). Ban Biên tập cổng thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung đề cương tuyên truyền. 

I. Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.

Năm 1927, Đồng chí tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 1928, tham gia vào các phong trào vận động quần chúng đứng lên đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai. Vì những hoạt động này, Đồng chí bị đuổi học giữa khóa.

Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (lúc này lấy tên là Phùng) ra mỏ Vàng Danh làm phu cuốc than để vừa rèn luyện, vừa thâm nhập trong phong trào công nhân, giác ngộ công nhân. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), Đồng chí được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng mỏ phát triển mạnh mẽ; trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công nhân toàn vùng mỏ đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm được cắm trên đỉnh núi Bài Thơ (Hòn Gai), thị trấn Cẩm Phả và nhiều nơi khác.

Tháng 02/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò; bị kết án tù khổ sai và bị đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, trước áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội, tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng, lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1937, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; tháng 7/1939, Đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích” để đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đồng chí đã chỉ đạo đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chỉ đạo cách mạng. Tháng 11/1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tại Bà Điểm (Gia Định), quyết định việc thay đổi chiến lược cách mạng và thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương.

Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào thời kỳ mới, ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, thành phố Sài Gòn.

Ngày 23/11/1940, sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình Đồng chí. Ngày 28/8/1941, Đồng chí anh dũng hy sinh tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn.

Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

II. Những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

1. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với sự thay đổi chiến lược, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam

Khi nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề thay đổi chiến lược của Đảng. Đồng chí đã viết một số bài đăng trên báo Dân chúng như: “Chung quanh vấn đề Nhật chiếm Hải Nam”; “Cùng ông Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Tự do”… Trong các bài báo đó, Đồng chí đã phân tích tình hình, vạch rõ nguy cơ chiến tranh phát xít ở châu Á và Đông Dương, đồng thời kêu gọi nhân dân đẩy mạnh đấu tranh hơn nữa để chống chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít. Đầu tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút một số cán bộ vào hoạt động bí mật, phân công một số cán bộ Xứ ủy và thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở các địa bàn chiến lược, chuẩn bị cơ sở cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.

Ngày 6/11/1939, hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định), đã phân tích sâu sắc tính chất chiến tranh thế giới thứ hai, những chính sách của đế quốc Pháp, thái độ các giai cấp, tầng lớp xã hội và vạch ra đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam trước tình hình mới. Hội nghị nhận định: chiến tranh sẽ gieo đau thương cho nhân loại, nhưng cuối cùng sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít; lúc này ở Việt Nam và Đông Dương, sự thống trị của đế quốc Pháp đã trở thành một chế độ phát xít thuộc địa, thỏa hiệp đầu hàng phát xít Nhật. Do đó, giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc, dù là Pháp hay Nhật, trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Việt Nam.

Trên cơ sở thống nhất những nhận định và xác định nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa. Khẩu hiệu ruộng đất về tay dân cày lúc này tạm gác lại, chính sách đề ra là chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và những địa chủ phản bội quyền lợi của dân tộc. Khẩu hiệu thành lập chính quyền Xô viết công nông binh được thay thế bằng thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa. Để phù hợp với tính chất cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.

Quyết định thay đổi chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6 là rất đúng đắn, sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tính kịp thời và đúng đắn về chủ trương thay đổi chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) đã được Trung ương Đảng khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11/1940) và bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Nhờ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người có khả năng lý luận sâu sắc và uyên bác. Dưới sự lãnh đạo của Đồng chí, các vấn đề lý luận và thực tiễn được giải quyết một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp với quy luật vận động khách quan.

Sáng kiến thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương đã cho thấy Đồng chí là người nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Từ sự phân tích khoa học, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Đảng ta quyết định không áp dụng mô hình Mặt trận bình dân (kiểu Pháp), cũng không rập khuôn mô hình Mặt trận dân tộc phản đế (của Trung Quốc) mà thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất. Chỉ có như vậy mới vừa đoàn kết được giai cấp công nhân, nông dân; vừa thu hút được trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ khác.

Để làm rõ và thống nhất trong toàn Đảng về quan điểm nêu trên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”. Trong tác phẩm này, Đồng chí đã đưa ra và giải thích những khái niệm và phạm trù mang tính lý luận như: “Thế nào gọi là tự do dân chủ”, “Tự do dân chủ với dân tộc”, “Tự do dân chủ với giai cấp tư sản”, “Tự do dân chủ với  giai cấp vô sản”… Từ việc trả lời những câu hỏi đó, Đồng chí kết luận: “Xứ Đông Dương hàng thế kỷ ở dưới chế độ phong kiến, rồi kế đến chế độ thuộc địa áp bức. Chánh sách thuộc địa câu kết với tàn tích phong kiến để thống trị xứ Đông Dương, nên chi dân xứ này chưa được hưởng cái mùi tự do dân chủ của hiện đại… Vậy nhân dân Đông Dương muốn có hưởng các quyền tự do ấy, lẽ tất nhiên phải trải qua tranh đấu”[1]. Đồng chí cũng chỉ ra hình thức đấu tranh: “Căn cứ theo những tình hình cụ thể đó, chúng ta có thể dùng phương pháp đấu tranh có tính chất hòa bình - là chính sách lập mặt trận dân chủ thống nhứt Đông Dương để thực hiện những yêu cầu ấy”[2]. Tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương” đã luận giải được những vấn đề lý luận cơ bản, trên cơ sở đó Đảng ta đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong phong trào cách mạng dân chủ.

Năm 1939, trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh thế giới thứ hai đang đến gần, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương lăm le trở mặt đàn áp phong trào cách mạng, những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra sức chống phá Đảng; trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tiến hành một cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận lý luận. Bên cạnh việc vạch rõ chân tướng của bọn tờrốtkít với giọng điệu cách mạng đầu lưỡi của chúng, Đồng chí đã chỉ ra nguyên tắc liên hiệp giữa Đảng Cộng sản với các đảng khác phái: “Sự liên hệ phải có nguyên tắc, chứ không phải liên hiệp với cả bọn phản động, bọn khiêu khích tờrốtkít, tay chân phát xít”[3]; và đối với bọn này: “không thể có thỏa hiệp nào, nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”[4].

Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, tháng 6/1939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in cuốn “Tự chỉ trích”, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một Tổng Bí thư của Đảng đã viết: “Những người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh họ”[5]. Đồng chí nhấn mạnh, dù có sai lầm, có thất bại cũng “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”. Phê phán những khuynh hướng thiên tả hoặc thiên hữu của một số cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ yêu cầu Đảng phải “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình mà tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”[6].

Tác phẩm “Tự chỉ trích” thể hiện tính minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ trẻ tuổi có chiều sâu trong tư duy; phản ánh sự sáng suốt của một tài năng lỗi lạc, dấu ấn đặc biệt của một người cộng sản dù mới chỉ được học tập lý luận chủ yếu trong lao tù đế quốc, nhưng bằng những hoạt động thực tiễn của mình đã khái quát được những vấn đề lý luận cách mạng hết sức sâu sắc, mang tính thời đại và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đây cũng là sự đóng góp vô cùng to lớn của Đảng ta trong việc làm giàu hơn kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin từ sự đúc kết thực tế của phong trào cách mạng Việt Nam.

3. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và Nhân dân ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.

Trước hết, phẩm chất cao quý ấy thể hiện ở tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng. Từ lúc bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến khi bị thực dân Pháp xử bắn, dù chưa được học ở trường lớp lý luận nào nhưng bằng niềm tin và nghị lực, Đồng chí đã trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị và trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng.

Không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thông qua thực tiễn đấu tranh để rèn luyện, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế phong phú với lý luận khoa học, giải quyết đúng đắn những yêu cầu của cách mạng đề ra, nhất là trong những hoàn cảnh khẩn trương, phức tạp. Trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939, Đảng ta gặp nhiều trở lực, khó khăn: kẻ thù luôn tìm cách đàn áp, bọn tờrốtkít khiêu khích, phá hoại, một số cán bộ, đảng viên của Đảng bộc lộ những khuynh hướng sai lầm “tả” khuynh, hữu khuynh trong chiến lược, sách lược, lệch lạc trong nhận thức… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đoàn kết, tạo nên một cao trào cách mạng sôi nổi với hàng triệu quần chúng tham gia; đặt tiền đề cho cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới - cao trào vận động giải phóng dân tộc. Thành công đó có cống hiến to lớn về trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí còn là hình ảnh tiêu biểu của người cán bộ cách mạng liên hệ, gắn bó máu thịt với quần chúng. Bất kỳ ở đâu, sống giữa những người phu mỏ, hay bà con nông dân vùng miệt vườn Nam Bộ, khi đi “vô sản hóa”, khi mới là đảng viên, hay lúc đã giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn gương mẫu trong cuộc sống; gần gũi, tin tưởng ở quần chúng; có khả năng tập hợp, đoàn kết, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong của Đảng, làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động.

Trước kẻ thù và những phần tử phản động, Đồng chí luôn kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng. Bị giặc bắt, qua nhiều trận đòn roi, tra tấn dã man của kẻ thù; mặc dù thể trạng không được khỏe, bệnh sốt rét biến chứng ngày càng nặng, nhưng Đồng chí vẫn tỏ rõ khí tiết, nêu cao tinh thần kiên trung. Hình ảnh Đồng chí hiên ngang, lẫm liệt bước ra pháp trường cùng với nhiều cán bộ lãnh đạo khác của Đảng đã trở thành tấm gương lớn về thái độ bất khuất trước kẻ thù và khí phách can trường của người cộng sản.

Khi được hỏi vì sao Trung ương bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư khi Đồng chí chỉ vừa 26 tuổi, ít tuổi hơn nhiều so với các đồng chí khác, đồng chí Lê Duẩn trả lời: Bởi đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em, là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục[7].

Tuy tuổi đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và dân tộc ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; về lòng tin mãnh liệt ở lý tưởng cách mạng cao đẹp, tình thương yêu, quý mến giai cấp công nhân và Nhân dân lao động; sống giản dị, chan hòa cùng với Nhân dân, vì Nhân dân.

III. Học tập quan điểm tự phê bình và phê bình của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích”

Trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện; đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bối cảnh toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.

Thành kính và tri ân công lao, đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình nêu trong tác phẩm “Tự chỉ trích” góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ. Đó là:

“Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính chúng ta gây ra, chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

“…Không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”.

“Phải cần làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm…”.

“Thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động”.

 BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

 

 

[1] Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.669.

[2] Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 670.

[3] Báo dân chúng số 42, ngày 7/1/1939.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 507, 508

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.644

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.624

[7] Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Nguyễn Văn Cừ - một Tổng Bí thư tài năng của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.13.

 

Yến Ngọc