Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Thị trường

Xem với cỡ chữAA

Phát triển hợp tác xã ở Kiên Giang: Cần sự đổi mới và tăng cường liên kết

(13:19 | 18/02/2019)

Mặc dù số lượng hợp tác xã (HTX) được thành lập mới hiện nay ở tỉnh Kiên Giang vẫn không ngừng gia tăng song chỉ có khoảng 40% trong số này hoạt động hiệu quả. Để mô hình HTX phát triển, góp phần đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn tới, trong các hội nghị về kinh tế tập thể của tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các HTX phải có sự đổi mới và tăng cường liên kết để có đầu ra cho sản phẩm.

 

Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện có 407 HTX đang hoạt động. Đặc biệt, sau 7 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, tình hình phát triển HTX nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, số HTX nông nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng. Cùng với việc nhiều HTX được thành lập mới thì cũng có không ít HTX giải thể hoặc làm ăn chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính được xác định là do các HTX gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, vấn đề quản trị và nguồn vốn còn hạn chế, đây có thể coi là ba điều kiện quyết định sự thành bại của HTX.

 

 

Sản phẩm của HTX rất đa dạng nhưng chưa ký được hợp đồng liên kết xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ trong nội địa

                                                                                        

Là HTX có thâm niên cao tại địa bàn xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, ông Đoàn Văn Bấu – Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Hòa – nhận định, HTX Thạnh Hòa trước đây được thành lập với mục đích chính chỉ là làm đại diện pháp lý cho các thành viên, mong muốn giúp họ đứng ra tìm được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, thới điểm đó dù HTX có diện tích tương đối lớn nhưng chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, thường bị ép giá. Muốn đầu ra ổn định, HTX cần phải đi xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm song kinh phí không đảm bảo.

 

 

       Ông Đoàn Văn Bấu – Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Hòa      

 

Hiện tại, vẫn còn nhiều HTX số thành viên vẫn còn ít, bên cạnh đó nguồn vốn đầu tư sản xuất có hạn, sản phẩm chủ yếu bán qua các thương lái mà chưa ký được hợp đồng tiêu thụ ổn định. Liên minh HTX tỉnh cũng đã phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành có liên hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phương pháp sản xuất an toàn cũng như có hướng bao tiêu cho sản phẩm để thành viên yên tâm canh tác thay vì phải tự tìm đầu ra bằng cách bán lẻ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.

 

Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành ký kết bao tiêu cho sản phẩm, không để thành viên phải tự tìm đầu ra

 

 

Bên cạnh các HTX hoạt động còn chưa hiệu quả do thiếu vốn hoặc đầu ra thiếu ổn định thì vẫn còn nhiều HTX nguyên nhân chính lại do người lãnh đạo thiếu tâm và thiếu tầm. Có một số ít HTX được đầu tư các chương trình, dự án tiền tỷ nhưng lại hoạt động hiệu quả rất kém, thậm chí lãnh đạo không làm gì, để các công trình được đầu tư bị “đóng băng”. Thực chất, về điều kiện sản xuất và liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng đầu ra cũng khá ổn định nhưng vì cái tầm của người lãnh đạo không đủ, chiến lược hoạt động không bài bản nên dẫn tới việc làm ăn không hiệu quả.

 

Là HTX nông nghiệp bài bản trong các khâu sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Minh Hải – Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng, Châu Thành cho rằng, trước diễn biến cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thị trường, muốn tồn tại, các HTX cần phải đổi mới và có chiến lược phù hợp. Chẳng hạn muốn ổn định lợi nhuận trong sản xuất thì phải ký hợp đồng đầu vụ đối với các dịch vụ, bà con sẽ không lo về giá cả lên xuống, thu nhập sẽ tốt hơn.

 

Kiên Giang chưa có sản phẩm dành cho thị trường xuất khẩu, bởi vì để xuất khẩu được HTX cần phải hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó 2 bên sẽ cùng phối hợp nhằm đáp ứng các vấn đề kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP, mẫu mã cũng phải đẹp để cạnh tranh được với hàng cùng loại của các nước khác.

 

Việc tăng cường liên kết giữa các HTX, nhất là các HTX lớn, chuyên nghiệp với các HTX nhỏ là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, để phát triển HTX cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn về thuế, nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn trong quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa, bởi hiện nay các thủ tục kiểm soát chất lượng hàng hóa còn phức tạp, chồng chéo; cơ chế quản lý xuất xứ hàng hóa cần minh bạch, rõ ràng hơn...không để những hàng hóa chưa đạt tiêu chuẩn xen lẫn hàng hóa có thương hiệu làm mất uy tín với đối tác và người tiêu dùng.

 

Tăng cường liên kết giữa các HTX, nhất là các HTX lớn, chuyên nghiệp với các HTX nhỏ là một yếu tố rất quan trọng

 

Thêm vào đó, một vấn đề khó khăn hiện nay mà các HTX gặp phải đó là vốn. Do các HTX mô hình hoạt động thường nhỏ, thiếu tài sản thế chấp, năng lực quản trị kém thì việc tiếp cận vốn là rất khó khăn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cơ chế hỗ trợ vốn cho các HTX còn quá bó hẹp, nhiều thủ tục quy định khó khăn, HTX không thể tiếp cận. Muốn HTX phát triển mạnh, nên bổ sung tới việc cho vay các thành viên của HTX bởi phát triển thành viên cũng là yếu tố quan trọng để phát triển HTX.

 

Muốn HTX hoạt động hiệu quả, phải quy định tiêu chuẩn riêng, cụ thể và có tổ chức chặt chẽ; phải có sự chuẩn bị tốt về công tác nhân sự, trước tiên phải tìm được người đứng đầu có trình độ và lòng nhiệt huyết. Do đó, trước khi thành lập HTX, chính quyền địa phương phải lực chọn kỹ con người, có thể đưa đi đào tạo để nâng cao trình độ trước, sau đó về địa phương tham gia ban lãnh đạo HTX

 

Thành Trăm