Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Thị trường

Xem với cỡ chữAA

MÔ HÌNH KINH TẾ HỢP TÁC XÃ CỦA MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á

(16:25 | 10/10/2018)

Tại Ấn Độ 

Ở Ấn Độ, tổ chức hợp tác xã (HTX) được ra đời từ lâu và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của nước này, trong đó, Liên minh HTX Quốc gia Ấn Độ (NCUI) là tổ chức cao nhất, đại diện cho toàn bộ HTX ở Ấn Độ. NCUI có 212 thành viên, gồm 17 liên đoàn HTX chuyên ngành cấp quốc gia, 171 liên đoàn HTX thuộc các bang và 24 liên hiệp HTX đa chức năng cấp quốc gia. Mục tiêu chính của NCUI là hỗ trợ và phát triển phong trào HTX ở Ấn Độ, giáo dục và hướng dẫn nông dân cùng nhau xây dựng và phát triển HTX. Nhiệm vụ quan trọng của NCUI là công tác đào tạo với hệ thống đào tạo 3 cấp: Viện Đào tạo quốc gia có nhiệm vụ đào tạo và cấp bằng cao đẳng về quản lý kinh doanh HTX; Viện Đào tạo cấp bằng đào tạo và bằng trung cấp về quản lý, kinh doanh HTX; Trung tâm đào tạo cấp quận, huyện đào tạo cán bộ HTX cơ sở, đào tạo nghề. Do có các chính sách và phân cấp đào tạo hợp lý nên Ấn Độ đã có một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, thúc đẩy khu vực kinh tế HTX phát triển, và mô hình HTX trở thành lực lượng vững mạnh, tham gia vào hầu hết các hoạt động kinh tế của đất nước.

 

Ảnh: internet

 

Là một nước nông nghiệp, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển nông nghiệp. Người nông dân coi HTX là phương tiện để tiếp nhận tín dụng, đầu vào và các nhu cầu cần thiết về dịch vụ. Khu vực HTX có cơ sở hạ tầng rộng lớn, hoạt động trong các lĩnh vực tín dụng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ và xây dựng nhà ở với tổng số vốn hoạt động khoảng 18,33 tỷ USD. Những lĩnh vực hoạt động quan trọng của khu vực kinh tế HTX ở Ấn Độ đang nổi lên là HTX tín dụng nông nghiệp, có tỷ trọng chiếm tới 43% tổng số tín dụng trong cả nước, các HTX sản xuất đường chiếm tới 62,4% tổng sản lượng đường của cả nước, HTX sản xuất phân bón chiếm 34% tổng số phân bón của cả nước. Nổi bật là Liên hiệp HTX sản xuất sữa Amul, bang Gujaza, được thành lập từ năm 1953. Đây là một liên hiệp sản xuất sữa lớn nhất của Ấn Độ, và là một trong những liên hiệp HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Sau gần 50 năm hoạt động, Liên hiệp này có gần 2 triệu cổ phần. Mỗi ngày, Liên hiệp sản xuất 1 triệu lít sữa. Sản lượng sữa do Liên hiệp sản xuất chiếm 42,6% thị phần trong cả nước.

 

Nhận rõ vai trò của các HTX chiếm vị trí trọng yếu trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập công ty quốc gia phát triển HTX, thực hiện nhiều dự án khác nhau trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng, lâm sản và các mặt hàng khác, đồng thời thực hiện các dự án về phát triển những vùng nông thôn còn lạc hậu. Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện chiến lược phát triển cho khu vực HTX như: Xúc tiến xuất khẩu; Sửa đổi Luật HTX, tạo điều kiện cho các HTX tự chủ và năng động hơn; Chấn chỉnh hệ thống tín dụng HTX; Thiết lập mạng lưới thông tin hai chiều giữa những người nghèo nông thôn với các tổ chức HTX; Bảo đảm trách nhiệm của các liên đoàn HTX đối với các HTX thành viên.

 

Tại Nhật Bản

 

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tổ chức HTX Nhật Bản là nhân tố tích cực, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

 

Các loại hình tổ chức HTX Nhật Bản bao gồm: HTX nông nghiệp, HTX tiêu dùng. HTX tiêu dùng Nhật Bản phát triển mạnh từ những năm 1960-1970. Liên hiệp HTX tiêu dùng (JCCU) là tổ chức cấp cao của khu vực HTX ở Nhật Bản. Hiện nay, JCCU có 617 HTX thành viên. Các HTX thành viên đã sản xuất trên 10.000 sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu “Co-op”, bao gồm lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng. JCCU có các chức năng và nhiệm vụ như: tăng cường hướng dẫn quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các HTX thành viên; Lập kế hoạch; Phát triển và cung cấp sản phẩm, các chương trình bảo hiểm và mạng lưới thông tin, đáp ứng nhu cầu của các xã viên; Tổ chức các khóa học và hội thảo về công tác quản lý và giáo dục cho các HTX thành viên; Xuất-nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng…

 

HTX Nông nghiệp Nhật Bản được đặc trưng bởi hệ thống 3 cấp: các HTX nông nghiệp cơ sở, các liên hiệp và các liên đoàn quốc gia. Các tổ chức HTX cơ sở được tổ chức ở cấp làng, thị trấn và thành phố trực thuộc tỉnh, gồm những thành viên thường xuyên là nông dân và các thành viên liên kết khác. HTX nông nghiệp cơ sở có 2 loại: HTX nông nghiệp đa chức năng và HTX nông nghiệp đơn chức năng. HTX nông nghiệp đa chức năng có nhiệm vụ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu sản xuất và các vật dụng thiết yếu hàng ngày; Cho vay và đầu tư vốn, cung cấp bảo hiểm… HTX nông nghiệp đơn chức năng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất cụ thể như chế biến sữa, nuôi gia cầm và các nghề truyền thống khác. Ngoài ra, còn có chức năng tiếp thị sản phẩm của các xã viên thành viên và cung cấp nguyên liệu sản xuất…

 

Các tổ chức HTX cấp tỉnh: Các HTX nông nghiệp được điều hành, quản lý thông qua các liên đoàn, các hiệp hội HTX nông nghiệp tỉnh và các liên minh HTX nông nghiệp tỉnh. Các liên đoàn HTX cấp tỉnh điều phối các hoạt động của các HTX trong phạm vi, quyền hạn của mình, đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, tiếp thị cho các HTX thành viên. Các liên hiệp HTX tỉnh chỉ đạo các vấn đề về tổ chức, quản lý, giáo dục, nghiên cứu cũng như đưa các kiến nghị lên các cơ quan của Chính phủ. Các liên minh HTX nông nghiệp tỉnh có nhiệm vụ giám sát và quản lý toàn bộ hoạt động của các HTX nông nghiệp liên kết.

 

Để giúp các tổ chức HTX hoạt động, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ xã hội hóa nông nghiệp, coi HTX nông nghiệp là một trong những hình thức phục vụ xã hội hóa tốt nhất và yêu cầu các cấp, các ngành phải giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tổ chức này. Đồng thời, Chính phủ còn yêu cầu các ngành tài chính, thương nghiệp giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, tư liệu sản xuất v.v…, tuy nhiên, không làm ảnh hưởng đến tính tự chủ và độc lập của các HTX này.

 

Tại Thái Lan

 

Ở Thái Lan, HTX tín dụng nông thôn được thành lập từ lâu. Do hoạt động của HTX này có hiệu quả, nên hàng loạt HTX tín dụng được thành lập khắp cả nước. Cùng với sự phát triển của các HTX tiêu dùng, các loại hình HTX nông nghiệp, công nghiệp cũng được phát triển mạnh, và trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước cũng như giữ vững ổn định xã hội

 

Năm 2001, Thái Lan có 5.611 HTX các loại với hơn 8 triệu xã viên, trong đó có 3.370 HTX nông nghiệp với hơn 4 triệu xã viên; 100 HTX đất đai với hơn 147 nghìn xã viên; 76 HTX thủy sản với hơn 13 nghìn xã viên; 1.296 HTX tín dụng với hơn 2 triệu xã viên; 400 HTX dịch vụ với hơn 146 nghìn xã viên.

 

Liên đoàn HTX Thái Lan (CLT) được thành lập, là tổ chức HTX cấp cao quốc gia, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ, giáo dục và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các HTX và xã viên theo luật định.

 

Hiện nay, Thái Lan có một số mô hình HTX tiêu biểu: HTX nông nghiệp và HTX tín dụng. HTX Nông nghiệp được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên trong các lĩnh vực: Vay vốn, gửi tiền tiết kiệm và tiền ký quỹ, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ khác. Thông qua sự trợ giúp của Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và HTX Nông nghiệp, xã viên được vay vốn với lãi suất thấp với thời hạn ưu đãi thích hợp cho việc kinh doanh hoặc sản xuất của họ. Hiện nay, số HTX tham gia hoạt động kinh doanh này chiếm khoảng 39%.

 

Hoạt động của HTX tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên về các lĩnh vực: Khuyến khích gửi tiền tiết kiệm của các xã viên; Góp cổ phần; Cung cấp các dịch vụ vốn vay cho xã viên… 

 

Để tạo điều kiện cho khu vực HTX phát triển và khuyến khích xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan đã ban hành nhiều chính sách thiết thực như chính sách giá, tín dụng nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất. Mục tiêu của chính sách giá cả là: Đảm bảo chi phí đầu vào hợp lý để có giá bán ổn định cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần làm ổn định giá nông sản tại thị trường trong nước, giữ giá trong nước thấp hơn giá thị trường thế giới, khuyến khích xuất khẩu. Với chính sách tín dụng, các xã viên có thể vay tín dụng từ các HTX Nông nghiệp, các cơ quan chính phủ, các ngân hàng thương mại để đầu tư vào sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nông nghiệp. Trong giai đoạn 2002-2004, Chính phủ đã dành 134 tỷ Bạt để cải thiện và phát triển HTX, bao gồm phát triển sản phẩm mới, giống công nghệ sinh học, mở rộng tưới tiêu…Ngân hàng các HTX Nông nghiệp và nông thôn Thái Lan đã dành 2 tỷ Bạt để khuyến khích xã viên các HTX sản xuất-kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập Bộ Nông nghiệp và HTX, trong đó có 2 vụ chuyên trách về HTX là Vụ phát triển HTX và Vụ kiểm toán HTX. Vụ phát triển HTX đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các HTX thực hiện các hoạt động kinh doanh, nhằm đạt được các mục tiêu do các HTX đề ra; Vụ kiểm toán HTX thực hiện chức năng kiểm toán HTX và hướng dẫn nghiệp vụ kế toán trong công tác quản lý tài chính, kế toán HTX. Hàng năm, Liên đoàn HTX Thái Lan tổ chức hội nghị toàn thể với sự tham gia của các đại diện từ các loại hình HTX trong cả nước và đại diện các cơ quan của Chính phủ liên quan đến tổ chức HTX. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ Thái Lan thực sự có hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách đối với phát triển khu vực HTX.

 

Tại Malaixia

 

Ở Malaixia, các tổ chức HTX được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ XX. Hiện nay, tổ chức HTX đang là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Tổ chức HTX Malaixia (ANGKASA) là tổ chức cấp cao của các HTX Malaixia. ANGKASA có nhiệm vụ hỗ trợ các HTX thành viên về phương thức điều hành và quản lý các hoạt động của HTX bằng cách tư vấn, giáo dục hoặc tổ chức những dịch vụ cần thiết. Hiện nay, ANGKASA có 4.049 HTX các loại với 4,33 triệu xã viên, trong đó, HTX tín dụng và ngân hàng có 442 HTX với 1,32 triệu xã viên; HTX nông nghiệp có 205 HTX với 0,19 triệu xã viên; HTX xây dựng nhà ở có 103 HTX với 0,07 triệu xã viên; HTX công nghiệp có 51 HTX với 0,01 triệu xã viên; HTX tiêu dùng có 2.359 HTX với 2 triệu xã viên; HTX dịch vụ có 362 HTX với 0,14 triệu xã viên v.v… Sự phát triển vững chắc của các khu vực kinh tế HTX đã thúc đẩy nền kinh tế Malaixia có bước phát triển mới.

 

Các nguyên tắc của HTX được ANGKASA nêu cụ thể như sau: Quản lý dân chủ; Thành viên tự nguyện; Thu nhập bình đẳng; Phân phối lợi nhuận kinh doanh theo mức độ sử dụng các dịch vụ của các xã viên và mức đóng góp cổ phần của xã viên; Hoàn trả vốn theo mức đầu tư; Xúc tiến công tác đào tạo phổ cập kiến thức quản lý và KHKT nông nghiệp cho các xã viên.

 

Năm 1922, Pháp lệnh đầu tiên về HTX của Nhà nước Malaixia ra đời. Sau đó, năm 1993, Luật HTX ra đời, là khung khổ pháp lý để các HTX hoạt động, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo cán bộ quản lý HTX, củng cố quyền của xã viên cũng như công tác đào tạo xã viên. Luật cũng quy định việc kiểm toán nội bộ và xây dựng báo cáo toàn diện của Ban chủ nhiệm HTX trong Đại hội xã viên thường kỳ hàng năm. Đặc biệt, Chính phủ Malaixia đã thành lập Cục Phát triển HTX với một số hoạt động chính như: Quản lý và giám sát các hoạt động của HTX; Giúp đỡ tài chính và cơ sở hạ tầng để HTX có thể tồn tại hoạt động; Xây dựng kế hoạch phát triển HTX, kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý…

 

Thành Trăm (Theo LMHTX TP Hồ Chí Minh)