Giá cao, dễ phá kèo
Theo đánh giá tổng kết của Chương trình Hỗ trợ DN vì mục đích phát triển (EFD) do Tổ chức Oxfam và Quỹ GSRD Foundation tài trợ cho giai đoạn 3 năm từ 2015 - 2018 được công bố ngày 20/9/2018, đã có 33 DN được chọn hỗ trợ đồng hành. Những DN này đang tạo ra 1.421 việc làm thường xuyên và 1.906 việc làm thời vụ.
Đặc biệt, các DN cũng góp phần tạo sinh kế ổn định, thu nhập bền vững cho các nông hộ tham gia trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của DN, thông qua ký hợp đồng bao tiêu, thu mua thường xuyên sản phẩm của 18.355 hộ nông dân và thu mua theo mùa vụ của 5.698 nông hộ khác. Song, qua thực tiễn triển khai chương trình này, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thiết lập chuỗi liên kết với nông dân.
Bà Phạm Thủy - Phó Giám đốc công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (DACE), cho rằng DN sẵn sàng hợp tác cùng nông dân nhưng thực tế tính cam kết của người nông dân còn kém, vì họ không hiểu hết được khó khăn vất vả của DN để đồng hành cùng nông dân. Thậm chí họ sẵn sàng bán nông sản cho thương lái Trung Quốc khi giá chỉ cao hơn 500 - 1.000 đồng.
Ông Võ Văn Đại - Giám đốc công ty CP Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, chia sẻ nông dân rất dễ bị chèo kéo dù giá chỉ cao hơn so với hợp đồng một chút. Tư duy của họ là có lời nhiều hơn thì bán.
Nguyên nhân là nông dân Việt rất yếu, tự ti, lạc hậu nên có nguồn thu nhập thấp và dễ bị lay động bởi giá. Do vậy, nếu muốn DN hợp tác với nông dân bền vững thì phải cho trước, nhận sau. Khi người dân được lợi thì mình mới có lợi.
Ông Hoàng Sơn Công - Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cũng cho rằng hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều DN bỏ ra số tiền không hề nhỏ, nhưng cuối cùng nông dân thấy được giá lại bán sản phẩm cho thương lái. Điều này tạo ra áp lực rất lớn với DN. Đặc biệt với các DN bán lẻ, một mặt họ phải làm truyền thông, thương mại, lưu kho, logistics, quảng cáo, bán hàng. Mặt khác lại phải góp tiền để cùng nông dân sản xuất.
"Tôi chứng kiến có DN phải bỏ ra 75% số vốn để kết hợp với nông dân mới tạo ra được sản phẩm. Tuy nhiên, cuối cùng nông dân lại bán sản phẩm cho người khác", ông Sơn nói.
Hợp tác với nông dân, doanh nghiệp vẫn lo nhất là bị phá kèo
Có HTX sẽ khác
Khi chia sẻ về khó khăn liên kết sản xuất với tiêu dùng, đại diện một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cho biết thời gian qua, trung tâm này làm ra nhiều mô hình sinh kế gắn sản xuất của nông dân ở vùng sâu, vùng xa với các kênh tiêu thụ, hay nói cách khác là tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất.
Tuy nhiên, kết quả các mô hình này đều bị đổ vỡ. Nguyên nhân là do hợp tác giữa nông dân với người phân phối còn lỏng lẻo. Khi giá cao hơn trong hợp đồng, nông dân bán đêm, bán ngày, bán ở đâu đó cho người khác. Khi giá thấp hơn, nông dân yêu cầu DN mua bằng được.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng muốn xây dựng thành công chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, các HTX phải được hình thành trên cơ sở là loại hình kinh tế tự nguyện. HTX sẽ đóng vai trò trung gian trong mối liên kết giữa các DN với nông dân với mục tiêu cùng có lợi, cung cấp các dịch vụ đầu vào hợp lý cũng như có đầu ra thuận lợi với giá cả cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho rằng việc kêu gọi các DN Việt tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn do chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. DN vẫn phải tự tìm hiểu để rồi tự liên kết với nông dân.
Điều này cho thấy thời gian tới, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ DN bằng cách tuyên truyền để nông dân tuân thủ hợp đồng ký kết với DN.