Đẩy mạnh truyền thông phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị, đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi, phát huy tối đa tiềm năng kinh tế hợp tác
Ngày 12/9, tại trụ sở Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bảo đã tiếp và làm việc với nhóm chuyên gia đến từ Australia do Giáo sư (Gs.) Nguyễn Hữu Tài làm trưởng đoàn, về phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), HTX gắn với chuỗi giá trị tại Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã giới thiệu sơ bộ một số thông tin về tình hình phát triển mô hình KTHT, HTX hiện nay tại Việt Nam, cả về các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước lẫn thực tế phát triển mô hình HTX tại các địa phương.
Mô hình HTX tại Australia
Gs.Nguyễn Hữu Tài (Trường Đại học Canberra, Australia), cho biết hiện nay, Việt Nam và Australia đang tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, cũng như đa phương và đây là cơ hội tốt để tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, trong vấn đề nông nghiệp, nhất là việc xây dựng và phát triển các mô hình HTX tại Việt Nam và Australia đang có nhiều bài toán cần xử lý. Một trong số đó là xây dựng chuỗi giá trị từ các HTX của Việt Nam sang thị trường Australia.
Hiện nay, theo số liệu thống kê về xuất khẩu của Việt Nam, hầu hết các mặt hàng có doanh số cao nhất đều có yếu tố nước ngoài. Thậm chí như mặt hàng điện thoại, phụ kiện thì phần lớn là của Samsung. Chỉ có xuất khẩu nông nghiệp mới chính là của Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị các chuyên gia giúp đỡ trong việc xây dựng chuỗi giá trị
Phân tích rõ hơn, Gs.Nguyễn Quốc Vọng (Trường Khoa học ứng dụng - Đại học RMIT, Australia), cho biết nếu xây dựng được chuỗi giá trị liên kết, có thể đưa trực tiếp sản phẩm của người nông dân Việt Nam sang đến tận thị trường tiêu thụ là Australia sẽ giúp giảm được rất nhiều chi phí.
Gs. Nguyễn Quốc Vọng lấy ví dụ, tại Việt Nam, khi mua tại vườn của nông dân, 1 kg vải thiều Lục Ngạn chỉ có giá 22.000 đồng. Tuy nhiên, sang đến thị trường Australia, giá trị 1 kg vải thiều là 192.000 đồng. Ở mức giá này, rất khó có thể tiêu thụ. Nhưng với mô hình liên kết chuỗi, Gs.Vọng cho biết sẽ có thể giảm được ít nhất 57% giá trị của các khâu trung gian, giúp sản phẩm tiếp cận được người tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn.
Gs.Vọng cũng cho biết tại Australia, mô hình HTX gắn với chuỗi liên kết được xây dựng một cách bài bản và phân khúc rõ ràng. Ví dụ, tại Australia hiện nay chỉ có khoảng 2.200 thành viên của HTX canh tác trên khoảng 100.000 ha trồng lúa. Tuy nhiên, tất cả các thành viên này đều tập trung tại một thành phố và xây dựng một HTX trồng lúa Australia Rice Grower Association (ARGA). ARGA bao gồm nhiều bộ phận riêng, nhưng đặc biệt là sẽ xây dựng phòng nghiên cứu, tập hợp các chuyên gia về nghiên cứu trồng các loại lúa có trên thế giới.
Tuy nhiên, việc trồng loại lúa nào và phân phối như thế nào thì ARGA lại lập công ty Rice Sun với những chuyên gia nghiên cứu, điều tra thị trường về nhu cầu sản phẩm lúa gạo rồi mới sản xuất. Khi đó, công việc của người nông dân trong HTX chỉ là tập trung trồng và chăm sóc cây lúa. Với việc phân chia quản trị một cách hiệu quả, trong năm 2017, doanh thu của Sun Rice đạt trên 1 tỷ USD và đứng trong top 5 công ty sản xuất gạo lớn nhất thế giới.
Toàn cảnh buổi làm việc
Liên kết phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhận định phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị là cứu cánh cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong năm qua, Liên minh HTX đã đẩy mạnh triển khai quyết liệt xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
"Trong thời gian tới, cụ thể là đến năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam sẽ cố gắng bằng nguồn lực của mình xây dựng tại mỗi tỉnh 3 - 4 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Trong quá trình này, Liên minh HTX Việt Nam sẽ cố gắng liên kết với các doanh nghiệp (DN) chế biến cũng như tiêu thụ để tạo đầu ra ổn định cho các HTX. "Chúng tôi cũng đã và đang cố gắng cùng các DN này đưa các sản phẩm của HTX tiêu thụ ở thị trường nước ngoài", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng nhận định muốn phát triển HTX thì chỉ có thể gắn chuỗi giá trị mới có thể thành công và bền vững. Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng từng quốc gia mà chuỗi giá trị này được đánh giá, phân cấp khác nhau. Tại Việt Nam, vì nhu cầu, thói quen, tập tính của người dân, đầu ra sản phẩm của nhiều HTX mới chỉ là các chợ đầu mối, chỉ khoảng 30% được đưa vào các siêu thị hay xuất khẩu.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho biết sắp tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ đề xuất xây dựng các đề tài sản xuất các chuỗi giá trị và mang tính thị trường xuất khẩu. Chủ tịch mong các giáo sư tại Australia có thể tham vấn, hỗ trợ cho Liên minh HTX Việt Nam xây dựng hoàn thiện đề án các chuỗi này. Chủ tịch đề nghị, sau khi xây dựng các đề án này, trong quá trình triển khai, Liên minh HTX Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm về tài chính cũng như cơ chế chính sách để triển khai. Còn các giáo sư sẽ đào tạo, quản lý nhân lực phục vụ chuỗi giá trị.
Chủ tịch cũng đề nghị các giáo sư có thể tham gia đào tạo cho cán bộ của Liên minh HTX Việt Nam về tầm nhìn, kiến thức chuyên ngành về xây dựng và phát triển HTX. Chủ tịch cho biết hiện đang có khoảng 100.000 cán bộ chủ chốt của HTX các tỉnh cũng như khoảng 700 cán bộ tại hệ thống Liên minh HTX có nhu cầu được đào tạo.