Không làm gì cũng phân chia lợi tức
Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Quảng Nam, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 231 HTX, liên hiệp HTX, trong đó 17 HTX yếu kém ngừng hoạt động. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay HTX hoạt động xuất sắc cũng có nhưng không đáng kể.
Theo ông Lê Trí Thanh, nhiều HTX chuyển đổi sang HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 (có hiệu lực từ tháng 7-2013) nhưng vẫn là bình mới rượu cũ. Ở bên trong còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Ví dụ như bộ máy vẫn là các cán bộ cũ, những người đã lớn tuổi, khó tiếp cận được với thị trường, công nghệ, quản lý, quản trị HTX. Chức danh thay đổi từ chủ nhiệm sang giám đốc nhưng cũng là một người. Những HTX mạnh dạn vươn lên làm tốt như các HTX xã Điện Quang, Ái Nghĩa, Duy Sơn, Bình Đào thì rất ít ỏi. Tính chung trên địa bàn chỉ có khoảng 20 HTX nằm trong nhóm phát triển tốt.
Đối với những HTX mới thành lập sau năm 2012, những người tham gia thường là thanh niên trẻ, có trình độ ĐH. Tuy nhiên, các HTX này thành viên rất ít vì theo luật chỉ cần 7 người đã có thể thành lập HTX. Ông Thanh cho rằng mô hình HTX cần tập hợp nhiều thành viên để nâng cao đời sống của xã viên mới là điều quan trọng chứ không phải là lợi ích đem lại của HTX bao nhiêu, lợi nhuận hạch toán của HTX hằng năm bao nhiêu.
"Một số HTX kiểu cũ chuyển sang kiểu mới, thành viên tham gia trước đây mấy trăm người. Từ đó đến nay, họ đã già yếu, không đóng góp thêm cho HTX nhưng vẫn phải phân chia lợi tức cho họ. Cần phải có quy định tháo gỡ để những xã viên này hưởng chế độ rồi nghỉ. Thay vào đó là các thành viên mới, đóng góp thêm tài chính, có tâm huyết thì mới có thể thay đổi được" - ông Thanh đề nghị.
Cứ trông chờ hỗ trợ, chỉ có chết đói!
Trước năm 1980, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có 1 HTX lớn; đến năm 1981-1993 thì chia làm 3 HTX; năm 1994 chia làm 10 HTX và sau đó dần dần tan rã, không phát huy được hiệu quả. Đến năm 2008, HTX Thăng Long tập hợp lại các HTX và phát triển trì trệ, có thời điểm gần như không còn tồn tại.
Ông Nguyễn Viết Liêm (bìa phải), Giám đốc HTX Thăng Long ở tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Tuấn Minh
Ông Nguyễn Viết Liêm, Giám đốc HTX Thăng Long, đã gắn bó từ những ngày đầu khi HTX này tái thành lập. Ông Liêm kể thời trước, HTX là của tập thể nên "cha chung không ai khóc". Giờ đây, theo cơ chế thị trường, anh không làm mà chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ kênh mương, thủy lợi nội đồng của nhà nước thì chỉ có chết đói. Cơ chế hoạt động của HTX giờ cũng khác xưa, nếu muốn tham gia vào HTX, người dân phải xin gia nhập chứ không như ngày trước, chỉ cần là người dân thì đều là thành viên của HTX. Ngoài giúp bà con thành viên về giống, kỹ thuật…, HTX cũng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi trồng cho mọi người dân. Còn các thành viên khi đã tham gia HTX, HTX phải có trách nhiệm từ khâu nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm.
"Thời buổi bây giờ mình cần dân hơn là dân cần mình. Họ có giàu, khấm khá trên đồng đất của mình thì anh em thành viên mới có ăn. Khi chúng tôi đứng ra bao tiêu sản phẩm, các thành viên chỉ việc nuôi trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật để các sản phẩm đạt yêu cầu. Còn tất cả giao dịch, mua bán, chúng tôi sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm chi trả cho dân nên rủi ro không ai mua sẽ không xảy ra" - ông Liêm chia sẻ. HTX đang bao tiêu sản phẩm cho hơn 100 ha các loại cây trồng như ớt, khoai tây, dưa bao tử… cho các thành viên với số tiền giao dịch mỗi năm khoảng 7 tỉ đồng.
Còn tại tỉnh Nghệ An, HTX Hưng Hòa 2 (thành lập năm 1974 ở xã Hưng Hòa, TP Vinh) hiện là nơi hoạt động của 1.648 thành viên. Trước đây, HTX Hưng Hòa 2 nổi tiếng với sản phẩm chiếu cói Hưng Hòa được nhiều người dân miền Trung biết tới. Sau này, nghề làm chiếu cói đi xuống, Ban Chủ nhiệm HTX Hưng Hòa 2 đã có định hướng phát triển thêm nghề nuôi tôm.
Ông Đinh Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hưng Hòa 2 - khẳng định: "Nói là cán bộ nhưng thực chất mình cũng là nông dân thôi. Hằng ngày, mình phải xuống đồng với bà con, cùng sinh hoạt, làm việc. Ngoài ra, ở đâu có mô hình sản xuất hay, mình đi tham quan về rồi cùng bàn bạc với các xã viên, khi anh em hiểu nhau rồi triển khai hay làm việc gì cũng không khó cả".
Tính đến ngày 31-3, cả nước có 20.024 HTX, 59 liên hiệp HTX hoạt động. Riêng quý I/2018, cả nước thành lập mới 158 HTX, giải thể 46 HTX. Tổng vốn điều lệ HTX trong cả nước khoảng 30.200 tỉ đồng. Doanh thu bình quân quý I/2018 khoảng 565 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân người lao động trong HTX là 2,95 triệu đồng/người.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, đến nay đã có 2.366 HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa được giải thể, sáp nhập và chuyển sang hình thức sản xuất, kinh doanh mới. Để đẩy nhanh tiến độ giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp kém hiệu quả, đã ngừng hoạt động, bộ yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng về công nợ, tài sản, tổ chức bộ máy… để xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong trường hợp không còn tiền để thanh toán các khoản nợ của HTX, bộ khuyến nghị xử lý theo hướng các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước thì đề nghị nhà nước xóa nợ.
Cần đột phá về nhân sự
Để HTX phát triển trong thời gian tới, ông Lê Trí Thanh đưa ra nhiều giải pháp. Thứ nhất, đào tạo lại lực lượng trực tiếp tham gia điều hành HTX đã được chuyển đổi sang HTX kiểu mới để làm sao "bình và rượu đều mới". Thứ hai, đưa những người trẻ có trình độ về làm việc tại HTX với một cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn, môi trường làm việc thuận lợi, thậm chí phải nghĩ đến phương án thuê những giám đốc, kế toán trưởng về trực tiếp quản lý theo hình thức khoán. Thứ ba, cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn vốn. Thứ tư, phải tạo điều kiện cho các HTX cùng doanh nghiệp xây dựng những chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là ở khu vực nông thôn.