Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Gò Quao: Chất lượng sản phẩm OCOP không ngừng nâng lên (st)

(14:01 | 13/04/2023)

Ngày 12/4, UBND huyện Gò Quao tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả sản phẩm OCOP năm 2022 và triển khai công tác năm 2023. Theo đó, trong năm huyện được công nhận thêm 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Quang cảnh Hội thảo.

 

Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền huyện Gò Quao tăng cường chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhằm góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trong đó, huyện quan tâm thực hiện tốt Chương trình OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm trên địa bàn.

 

Song theo đó, công tác vận động, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về OCOP được quan tâm thực hiện thường xuyên. Tổ chức 32 cuộc tư vấn, hỗ trợ xây dựng quy trình, thủ tục hỗ trợ sản phẩm OCOP, lắp đặt 5 bảng tuyên truyền và xây dựng hàng chục các bài viết, phóng sự, xây dựng chuyên đề “Câu chuyện sản phẩm”, tăng cường truyền thông chương trình OCOP qua mạng xã hội với hàng trăm lượt tương tác...

 

Các hoạt động hỗ trợ phát triển OCOP cũng được thường xuyên quan tâm. Tổ chức tư vấn cho hàng chục cơ sở sản xuất, doanh nghiệp về các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì, mã vạch, mã QR; tăng cường phối hợp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm,... Hỗ trợ chi phí thiết lập 07 mã vạch, 13 mã QR và thiết kế 13 mẫu mã, bao bì sản phẩm tham gia dự thi chương trình OCOP; chứng nhận VietGAP cho 30ha hồ tiêu ở xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc, 100ha khóm, 30ha lúa bệ ở xã Vĩnh Phước A...

 

Kết quả trong năm 2022, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện đã tổ chức đánh giá và được tỉnh công nhận 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

 

Sau 03 năm, kể từ khi UBND huyện Gò Quao ban hành Kế hoạch (số 85/KH-UBND ngày 09/12/2020) triển khai thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, đến nay lũy kế toàn huyện có 27 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao. Từ kết quả đó cho thấy, các sản phẩm sau khi tham gia và được công nhận OCOP chất lượng không ngừng được nâng lên để đáp nhu cầu tiêu dùng, và sản lượng tiêu thụ tăng trung bình khoảng 2,5-3,0 lần so với trước khi được công nhận. Từ đó, tác động ngược trở lại là tiếp tục kích thích nâng cao hiệu quả sản xuất, khâu tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn khi đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng chấp nhận, lựa chọn, trong đó có một số thương hiệu phát triển thị trường khá tốt, như: HTX Thiện Trung, HTX Rượu Đường Xuồng, cơ sở Hai Mèo, gạo lúa bệ,....

 

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của huyện, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Năm 2023 với mục tiêu phát triển từ 5-10 sản phẩm trở lên; 11 xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP đạt 3 sao; từ 30% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (như cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,…). Để thực hiện đạt mục tiêu, huyện Gò Quao triển khai Chương trình OCOP theo hướng: Tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; xây dựng 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm; tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông thôn. Chú trọng triển khai chu trình OCOP và nâng cấp các sản phẩm OCOP có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu…

 

Chương trình OCOP tại địa bàn huyện Gò Quao mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là nhận thức của xã hội về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn được nâng lên. OCOP đã thực sự giúp địa phương giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập nông thôn, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Quao, ông Trang Hồng Nghĩa cho biết: “Thông qua chương trình OCOP không chỉ giúp tăng thêm lợi nhuận, mà còn tác động trực tiếp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cho nên, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình này”./.

https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/18/33795/Go-Quao--Chat-luong-san-pham-OCOP-khong-ngung-nang-len.html

Thùy Trang