Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Việc chuyển nhượng sở hữu vốn góp giữa các thành viên là việc không nên làm, sẽ làm thay đổi bản chất của hợp tác xã (st)

(13:53 | 12/04/2023)

  Nhìn chung, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến. Về độ dài của Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được rút ngắn còn 68 trang, về nội dung, bố cục đã được thiết kế thành 12 chương, 113 điều (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật). Tuy nhiên, tác giả cho rằng vấn đề cốt lõi của Luật Hợp tác xã vẫn là vấn đề quy định về thành viên và một số quy định có liên quan đến thành viên (tại Chương III), theo đó, tác giả không thống nhất với vấn đề này và cho rằng quy định có vấn đề bất cập, hạn chế, tạo ra rào cản phát triển của hợp tác xã, từ đó, tác giả chỉ ra một vài vấn đề quy định cụ thể cần được xem xét, giải quyết.

Ảnh minh họa: Chủ tịch Phạm Công Chính phát biểu thảo luận tại Tọa đàm góp ý kiến về dự thảo Luật hợp tác xã sửa đổi do Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp tổ chức năm 2022.

          1. Theo như Dự thảo Luật quy định thì có 03 hình thức thành viên, đó là thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn (tại khoản 21, 22, 23, Điều 4). Theo đó, thành viên chính thức là thành viên góp vốn và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã) hoặc góp sức lao động vào hợp tác xã; thành viên liên kết góp vốn là thành viên chỉ góp vốn, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động. Theo tác giả, 02 quy định này là không khả thi do có những vấn đề bất cập, hạn chế sau:

          - Thứ nhất, là vấn đề thực hiện quy định về chấm dứt tư cách thành viên chính thức trong trường hợp “Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ” (tại điểm e, khoản 1 Điều 32) và “Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ” (tại điểm g, khoản 1 Điều 32), quy định như vậy thì việc chấm dứt tư cách thành viên có trả lại vốn góp cho họ không? Vì trên thực tế có nhiều hợp tác xã có rất nhiều thành viên chính thức góp vốn nhưng lâu nay họ không còn có nhu cầu “sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã” và cũng không có nhu cầu “góp sức lao động” trong thời gian dài liên tục, vượt quá thời gian theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 rất nhiều, nhưng họ vẫn có nhu cầu tham gia hợp tác xã, không muốn xin ra khỏi hợp tác xã, tuy nhiên, việc chấm dứt tư cách thành viên họ thì hợp tác xã vẫn không thực hiện được. Trong khi (tại điểm m, khoản 1, Điều 30) thì thành viên chính thức “được trả lại phần vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã”, nhưng việc ra khỏi hợp tác xã này là trường hợp thành viên tự nguyện làm đơn xin ra và được hợp tác xã chấp thuận cho ra (theo quy định của Điều lệ) hay trong trường hợp thành viên bị hợp tác xã chấm dứt tư cách thành viên? Vấn đề này cần được quy định cụ thể, rõ ràng, nếu không sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp, cản trở đến phát triển của hợp tác xã.

          - Thứ hai, là quy định về thành viên liên kết góp vốn. Theo đó, thành viên liên kết góp vốn có các quyền theo quy định tại điểm b, c, g, i, k, l, m, n, o, p, khoản 1, Điều 30, nhưng lại không được hưởng các quyền theo quy định tại điểm d, đ, e, h, khoản 1, Điều 30, cụ thể: d) Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên hợp tác xã; đ) Được biểu quyết nội dung thuộc thẩm quyền của đại hội thành viên; e) Được ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu; h) Được yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội bất thường. Về cơ bản, các quy định này là thuộc quyền tham gia quản lý hợp tác xã nhưng thành viên liên kết góp vốn thì lại không được hưởng, ngược lại còn phải chịu trách nhiệm quá nhiều về các nghĩa vụ theo quy định tại điểm a, c, d, đ, e, khoản 1, điều 31, cụ thể: a) Góp đủ, đúng thời hạn phần vốn góp đã cam kết theo quy định của Điều lệ; c) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi phần vốn góp vào hợp tác xã; d) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ; đ) Tuân thủ Điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết đại hội thành viên và quyết định của hội đồng quản trị hoặc giám đốc (đối với mô hình quản trị rút gọn); e) Nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ. Theo đó, vấn đề đáng chú ý nhất ở đây là thành viên liên kết góp vốn nhưng không được hưởng quyền tham gia quản lý mà còn phải “Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi phần vốn góp vào hợp tác xã”, quy định như vậy thử hỏi có đúng bản chất của vấn đề về đối tượng thành viên không? Hợp tác xã là một trong các hình thức tổ chức kinh tế, bản chất của kinh tế là nói đến quyền sở hữu, quyền lợi ích và tư cách tham gia quản lý của chủ thể khi tham gia tổ chức kinh tế. Đối với hợp tác xã, khi thành viên đã góp vốn theo cam kết và theo quy định của pháp luật và điều lệ (về mức vốn góp tối thiểu và tối đa) được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận góp vốn thì họ đã xác lập được quyền sở hữu, quyền lợi ích và tư cách thành viên tham gia quản lý của họ trong hợp tác xã (trừ trường hợp cho vay và đi vay), do đó, trong thực tế sẽ không bao giờ xảy ra hình thức thành viên liên kết góp vốn như Dự thảo Luật quy định.

          2. Vấn đề quy định về vốn góp điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (tại Điều 73), trong đó, tại khoản 2 quy định: “Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã”, quy định này là có vấn đề chưa ổn vì thành viên liên kết góp vốn họ không được quyền tham gia quản lý hợp tác xã nên phần “vốn góp” của họ thực chất là họ cho hợp tác xã vay mượn không tính lãi suất, ngược lại họ phải chịu trách nhiệm nghĩa vụ quá nhiều đối với hợp tác xã (tại điểm a, c, d, đ, e, khoản 1, điều 31), trong khi thu nhập được hưởng từ việc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của họ thì Dự thảo Luật quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, từ đó, việc ghi “vốn góp” này vào vốn điều lệ hợp tác xã là chưa đúng bản chất của vấn đề, cần được xem xét, giải quyết; đồng thời, việc khống chế số vốn góp tối đa đối với thành viên liên kết góp vốn là không có ý nghĩa, vì Dự thảo Luật quy định thành viên này không được tham gia quản lý hợp tác xã nên không cần thiết phải quy định khống chế số vốn góp tối đa của họ để phòng ngừa việc thâu tóm chi phối hoạt động của hợp tác xã.

          3. Một số vấn đề chưa được đề cập làm rõ trong Dự thảo Luật lần này, thứ nhất là vấn đề người lao động trong hợp tác xã, thứ hai là vấn đề thành viên tham gia góp sức lao động và vấn đề người lao động trong hợp tác xã có gì khác nhau, bản chất của hai vấn đề này là gì? thứ ba là vấn đề sử dụng lao động và thuê giám đốc của hợp tác xã cũng chưa được đề cập.

          4. Từ những vấn đề 1, 2, 3 nêu ở trên, tác giả đề xuất cơ quan soạn thảo luật chỉ nên quy định 02 hình thức thành viên, đó là thành viên chính thức và thành viên liên kết, đồng thời bổ sung đối tượng người lao động trong hợp tác xã. Theo đó, thành viên chính thức là thành viên góp vốn, giữ vai trò người chủ của hợp tác xã; thành viên liên kết là thành viên chỉ thực hiện việc ký kết hợp đồng dịch vụ với hợp tác xã, giữ vai trò là khách hàng của hợp tác xã; người lao động là người làm việc thường xuyên trong tổ chức bộ máy quản lý, điều hành và hoạt động của hợp tác xã (đối tượng thực hiện theo pháp luật về lao động). Một thành viên tham gia hợp tác xã có thể trở thành vừa là người chủ, vừa là khách hàng và vừa là người lao động, hoặc chỉ trở thành một hoặc hai trong ba hình thức đối tượng đó nhưng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành viên và phải theo nguyên tắc tự nguyện của thành viên, không bị ràng buộc bất cứ quy định nào khác. Như vậy, các hình thức đối tượng thành viên, người lao động đều là đối tượng tiềm năng để trở thành hai hoặc cả ba hình thức đối tượng thành viên, người lao động trong hợp tác xã; ví dụ: Thành viên liên kết là đối tượng tiềm năng để trở thành thành viên chính thức và người lao động trong hợp tác xã. Người lao động làm thuê là đối tượng tiềm năng để trở thành thành viên liên kết và thành viên chính thức. Thành viên chính thức cũng là đối tượng tiềm năng để trở thành thành viên liên kết và người lao động trong hợp tác xã.

          5. Vấn đề quy định về tư cách thành viên. Tư cách thành viên chính thức được xác lập khi thành viên đã góp vốn theo cam kết và theo quy định của pháp luật và điều lệ (về mức vốn góp tối thiểu và tối đa) được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận góp vốn (lúc này, tư cách thành viên chính thức đã được xác lập quyền sở hữu, quyền lợi ích và quyền tham gia quản lý hợp tác xã); trong quá trình hoạt động, nếu thừa vốn thì được hợp tác xã trả lại phần vốn thừa so với quy định về mức vốn góp tối đa, nếu thiếu vốn thì được quyền góp vốn bổ sung, nếu không góp vốn bổ sung để đạt mức vốn góp tối thiểu theo quy định của điều lệ thì thành viên bị hạn chế một số quyền tham gia quản lý hợp tác xã; thành viên chính thức được quyền tham gia quản lý hợp tác xã (theo quy định tại điểm d, đ, e, h, khoản 1, Điều 30) thì phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi phần vốn góp của mình vào hợp tác xã. Tư cách thành viên liên kết được xác lập khi thành viên đã ký kết hợp đồng dịch vụ với hợp tác xã. Tư cách người lao động được xác lập khi người lao động đã ký kết hợp đồng lao động với hợp tác xã. Các hình thức đối tượng thành viên, người lao động trong hợp tác xã khi được xác lập tư cách thành viên là phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành viên và theo nguyên tắc tự nguyện của thành viên.

          6. Vấn đề quy định về chấm dứt tư cách thành viên. Tư cách thành viên chính thức được chấm dứt khi thành viên tự nguyện làm đơn xin rút vốn và được hợp tác xã chấp thuận cho rút vốn theo quy định của điều lệ. Tư cách thành viên liên kết chấm dứt khi thành viên không thực hiện hợp đồng dich vụ đã được ký kết với hợp tác xã trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ. Việc chấm dứt tư cách người lao động trong hợp tác xã thì thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, cơ chế chấm dứt tư cách thành viên, người lao động trong hợp tác xã cũng phải theo nguyên tắc tự nguyện.

          7. Vấn đề quy định về nghĩa vụ và quyền lợi. Đối với thành viên chính thức phải có nghĩa vụ góp vốn theo cam kết và theo quy định của pháp luật và điều lệ, theo đó, thành viên chính thức được quyền tham gia quản lý hợp tác xã (theo quy định tại điểm d, đ, e, h, khoản 1, Điều 30), được phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của mình (lợi nhuận = doanh thu – chi phí) và được hưởng mức thù lao theo quy định của điều lệ về trách nhiệm được giao tham gia quản lý hợp tác xã. Đối với thành viên liên kết phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dịch vụ đã ký kết với hợp tác xã và được hưởng lợi ích thu nhập từ việc mua chung, bán chung với hợp tác xã (về cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra giữa thành viên và hợp tác xã). Đối với người lao động phải có nghĩa vụ làm việc theo hợp đồng lao động đã ký kết với hợp tác xã và được nhận lương, phụ cấp hàng tháng do hợp tác xã chi trả theo quy định của pháp luật về lao động.

          8. Tính ưu việt của hợp tác xã là có sự kế thừa về sở hữu vốn góp và tư cách thành viên từ đời cha, mẹ sang đời con, rồi đến đời cháu, chắt…, do đó, mô hình tổ chức kinh tế hợp tác xã là mô hình phát triển bền vững và lâu dài, có sức lan tỏa thu hút cộng đồng tham gia phát triển kinh tế theo lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của hợp tác xã. Nhờ có vấn đề quy định về mức vốn góp tối đa trong hợp tác xã, kết hợp với hình thức tổ chức quản lý dân chủ và bình đẳng, có nghĩa là mỗi thành viên chính thức được quyền biểu quyết một phiếu, phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít và không phụ thuộc vào chức vụ trong hợp tác xã nên mô hình hợp tác xã không cho phép cá nhân thành viên chính thức nào thâu tóm chi phối toàn bộ hoạt động của hợp tác xã. Việc chuyển nhượng sở hữu vốn góp giữa các thành viên trong hợp tác xã là việc không nên làm do nó sẽ làm thay đổi bản chất của hợp tác xã. Bản chất của tổ chức kinh tế hợp tác xã là vừa có tính đối nhân, vừa có tính đối vốn. Tính đối nhân được thể hiện qua việc tổ chức quản lý dân chủ và bình đẳng, đây là biểu hiện bản chất của tổ chức kinh tế tập thể theo quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tính đối vốn được thể hiện qua việc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của thành viên. Từ đó, mô hình tổ chức kinh tế hợp tác xã cho phép các đối tượng thành viên, người lao động phát huy mọi khả năng, nguồn lực sẵn có của mình để tham gia tổ chức kinh tế hợp tác xã.

          9. Quy định về mô hình quản trị đầy đủ được áp dụng đối với hợp tác xã có từ 10 thành viên trở lên nhưng chưa nói rõ về hình thức đối tượng thành viên (vấn đề này chỉ quy định về thành viên chính thức hay có cả thành viên liên kết), từ đó, dễ dẫn đến việc thực hiện tùy tiện gây rối loạn cho công tác quản lý hợp tác xã. Đồng thời, quy định về mô hình quản trị đầy đủ có thể áp dụng thực hiện trong trường hợp “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc)”; quy định này là không nên vì số lượng thành viên càng lớn thì nguyên tắc quản lý và điều hành cần phải được tách bạch chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, nhằm để tránh tình trạng lạm dụng quyền lực trong quản lý và điều hành hợp tác xã.

          10. Quy định về quản lý, sử dụng tài sản trong trường hợp “Tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ được quy định là tài sản chung không chia”. Nghiên cứu thực tiễn cho thấy: Quy định này đã nảy sinh những vấn đề bật cập, hạn chế, không phát huy hiệu quả nguồn lực, thậm chí dẫn đến sự lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; do đó, quy định này cần nghiên cứu, xem xét, xử lý như thế nào để tạo ra được động lực cho phát triển. Theo tác giả, việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ cho hợp tác xã thì nên thực hiện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ một phần và khuyến khích hợp tác xã có vốn đối ứng một phần, dựa trên cơ sở vốn đối ứng đó là từ vốn góp của thành viên, nhằm khuyến khích, thúc đẩy thành viên góp vốn vào hợp tác xã để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, để tạo động lực phát triển, Nhà nước cần có quy định về thời hạn sử dụng tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần có vốn đối ứng của hợp tác xã để thực hiện việc chuyển đổi hình thức sở hữu từ “tài sản chung không chia” trở thành “tài sản chung được chia” cho hợp tác xã. Việc chuyển đổi hình thức sở hữu này có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép hợp tác xã ghi tăng vốn điều lệ hợp tác xã và ghi tăng vốn góp điều lệ của thành viên theo tỷ lệ vốn góp đối ứng trước đó của thành viên, làm cơ sở cho hợp tác xã phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của thành viên và cho phép hợp tác xã được quyền sử dụng tài sản đó để thế chấp vay vốn, tái tạo ra nguồn vốn mới để đầu tư phát triển. Đây là giải pháp quan trọng để tạo động lực phát triển cho hợp tác xã và nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả về nguồn lực tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần có vốn đối ứng của hợp tác xã, tránh tình trạng quản lý, sử dụng thiếu trách nhiệm, gây lãng phí nguồn lực tài sản hỗ trợ của Nhà nước cho hợp tác xã như hiện nay.

          11. Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW, khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể, Đảng ta có đề cập về mô hình hợp tác xã kiểu mới. Theo đó, mô hình hợp tác xã kiểu mới là dựa vào sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể về tư liệu sản xuất. Còn mô hình hợp tác xã kiểu cũ là chủ yếu dựa vào sở hữu chung của tập thể về tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay tác giả cho rằng cả 02 mô hình hợp tác xã kiểu cũ và kiểu mới đều có giá trị. Đối với những địa phương còn có nhiều khó khăn như miền núi, địa phương có đa số đồng bào dân tộc vùng cao, nhiều hộ nghèo thì mô hình hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đối với địa phương có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cao thì mô hình hợp tác xã kiểu cũ đã lỗi thời, thay vào đó là mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đối với địa phương có điều kiện kinh tế xã hội phát triển nhưng còn có mặt hạn chế, khó khăn thì cần có sự kết hợp đan xen nhau giữa mô hình hợp tác xã kiểu cũ và mô hình hợp tác xã kiểu mới để áp dụng thực hiện. Từ đó, tác giả cho rằng Luật Hợp tác xã không nên cầu toàn, quy định quá chi tiết sẽ tạo ra rào cản phát triển hợp tác xã. Vì vậy, Luật Hợp tác xã chỉ nên quy định chung tạo khung khổ pháp lý, làm cơ sở cho hợp tác xã xây dựng điều lệ, điều lệ hợp tác xã chính là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để hợp tác xã phát triển. Theo đó, tác giả cho rằng: Để mô hình tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển thì trước hết phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành viên, người lao động trong hợp tác xã, quy định của Luật Hợp tác xã phải đặt nguyên tắc tự nguyện lên trên hết và không bị ràng buộc bất cứ quy định nào khác; thứ hai, là quy định về việc xác lập tư cách, chấm dứt tư cách, quyền và nghĩa vụ của thành viên, người lao động trong hợp tác xã phải đúng bản chất của từng đối tượng thành viên, người lao động trong hợp tác xã; thứ ba, là phải có sự kết hợp tốt về vấn đề sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể về tư liệu sản xuất trong hợp tác xã, mục tiêu là nhằm để tạo ra động lực thực sự, thúc đẩy phát triển, thu hút thành viên, người lao động tham gia góp vốn vào hợp tác xã để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển thực chất.

          12. Quy định về Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (Điều 109), tác giả hoàn toàn thống nhất với nội dung Báo cáo đề xuất của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành kèm theo Công văn số 933/LMHTXVN-CSPL ngày 19/12/2022 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và tác giả đề xuất hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật liên quan.

https://vca.org.vn/viec-chuyen-nhuong-so-huu-von-gop-giua-cac-thanh-vien-la-viec-khong-nen-lam-se-lam-thay-doi-ban-chat-cua-hop-tac-xa-a29197.html

Thùy Trang (theo vca.org.vn)