Chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang
(28/9/1994-28/9/2004)
Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX). Cùng với đó, những năm qua, KTTT, HTX của tỉnh có những đổi mới quan trọng, không chỉ mới trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho thành viên, người lao động, nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn và người dân mà còn mang tính chính trị, xã hội, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Bên cạnh đó, KTTT, HTX còn đồng hành trong công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển của kinh tế nông thôn.
HTX NN Tân Hưng (Châu Thành) một trong những HTX lĩnh vực nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang về đấu giá các dịch vụ
Gần 4 năm cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, KTTT, HTX không ngừng phát triển. Điểm nổi bật là hạn chế phát triển về số lượng, tập trung cho việc phát triển chất lượng, nếu như cuối năm 2020 là 493 thì đến thời điểm hiện tại chỉ tăng lên 523 HTX, với tổng vốn điều lệ là 497.054.351.962 đồng, có tổng diện tích 65.879,71 ha canh tác, 50.590 thành viên, tạo việc làm cho 4.665 lao động. Trong đó, có 464 HTX nông nghiệp, 40 HTX phi nông nghiệp và 19 Quỹ tín dụng nhân dân. Không ít HTX do người dân tự thành lập khi thấy được lợi ích thiết thực của mô hình HTX kiểu mới hiện nay mang lại. Đối với tổ hợp tác (THT), hiện tại tỉnh có 2.272 tổ (gồm 1.610 THT nông nghiệp, 662 THT phi nông nghiệp), chỉ tăng 112 tổ so với cuối năm 2020. Nguyên nhân không tăng nhiều là do tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, nhiều tổ đã hợp nhất thành THT lớn và nâng qui mô thành HTX. Tổng số vốn góp 18 tỷ 087 triệu đồng và 65.010 ha canh tác; với tổng số 44.272 tổ viên; tạo việc làm cho 7.253 lao động theo thời vụ. Các THT đã phần nào hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho tổ viên, hỗ trợ về thủy lợi, cây, con giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật làm giảm chi phí trong sản xuất. Thành lập được 03 Liên hiệp HTX, với tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng, diện tích đất sản xuất 31.720 ha, với 35 HTX thành viên, có 19 lao động.
Thành lập mới được 03 Liên hiệp HTX tại hai huyện An Biên và Giang Thành
Các HTX đã thực hiện nhiều dịch vụ hỗ trợ cho thành viên như: Thủy lợi, làm đất, thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp, con giống, và liên kết đầu ra với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Riêng các HTX dịch vụ thương mại hỗ trợ việc làm, cung ứng các dịch vụ về xây dựng, các mô hình kinh doanh ăn uống, dịch vụ phục vụ du lịch...Trong những năm tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, với mục tiêu thích ứng trong tình hình mới, các HTX đã phát huy vai trò và đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội. Việc thành lập HTX đã đáp ứng được nhu cầu hợp tác của thành viên trong việc phát triển kinh tế hộ. Qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội, người dân thấy được lợi ích khi tham gia HTX, thể hiện thông qua việc số HTX thành lập từng năm đạt và vượt so với Nghị quyết của Liên minh HTX Việt Nam và kế hoạch của tỉnh.
Nội dung, phương thức hoạt động của các HTX có bước đổi mới, tổ chức thực hiện theo đúng Luật HTX hiện hành, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Một số HTX làm ăn có hiệu quả điển hình như: HTX nông nghiệp Tân Hưng (Châu Thành), HTX Ngã Bát (An Minh), HTX Đường Gỗ Lộ (Giồng Riềng), HTX nông nghiệp Hiểu Phát (Vĩnh Thuận)...Hiệu quả hoạt động của HTX hằng năm đều tăng, doanh thu bình quân đạt hơn 3 tỷ đồng/HTX, tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2020; thu nhập bình quân của thành viên đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,5 lần và cao hơn thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; thu nhập bình quân của lao động đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Một số HTX làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên
Đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 88,71% trên tổng số HTX cả tỉnh. Việc xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị phát triển sản phẩm bền vững đã giúp HTX hoạt động đúng bản chất của HTX kiểu mới, giúp tăng cường năng lực, hoạt động hỗ trợ có hiệu quả các dịch vụ đầu vào, đầu ra làm cho thành viên có nhiều lợi ích hơn. Nếu như cuối năm 2020, rất nhiều HTX chỉ thực hiện được khâu bơm tưới, thì nay có gần 300 HTX thực hiện được chuỗi giá trị, có khả năng sản xuất sản lượng đủ lớn, đồng nhất, chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều HTX định hướng phát triển cho thành viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đảm nhiệm tốt các khâu dịch vụ cung ứng đầu vào: lúa giống, thủy lợi, làm đất, vật tư nông nghiệp, thu hoạch và đầu ra hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đã giúp thành viên giảm chi phí tăng thu nhập từ 900.000 đồng đến 2.000.000 đồng/ha/vụ.
Từ đó, đã củng cố lòng tin của người dân khi tham gia HTX và bước đầu xác lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến, xuất khẩu. Một số HTX đã có sáng tạo trong thực hiện chuỗi giá trị như thuê chung – mua chung – bán chung thông qua hình thức đấu thầu để thành viên có nhiều lợi ích hơn, mô hình này Liên minh HTX tỉnh đang nhân rộng trong toàn tỉnh. Đáng chú ý có hàng chục doanh nghiệp tham gia thành viên, lãnh đạo HTX, mô hình này đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp.
Có thể thấy, hiện nay KTTT, HTX luôn được Đảng và Nhà nước nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng, có sự quan tâm sâu sắc và khuyến khích phát triển. Trong đó, đặc biệt là HTX, coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành các chính sách phù hợp phát triển KTTT, HTX của tỉnh. Đặc biệt là ban hành nhiều chương trình kế hoạch củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cụ thể là hỗ trợ chính sách về điện phục vụ nông nghiệp, chính sách về đất đai, chính sách về thuế, chính sách về cơ sở vật chất…Bên cạnh đó, công tác triển khai cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND về phát triển KTTT, HTX thời gian qua tương đối đồng bộ; nhận thức của các ngành, các cấp về KTTT, HTX được nâng lên. Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX đã tích cực chủ động, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các giải pháp phát triển KTTT, HTX; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ cho HTX. Các huyện, thành phố quan tâm đến công tác phát triển KTTT, HTX; tích cực thực hiện cụ thể hóa chính sách bằng sự quan tâm ưu tiên lồng ghép các chương trình, mục tiêu để khuyến khích người dân tham gia vào HTX.
Thời gian qua, đạt được kết quả khả quan là nhờ vào sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh
Tuy đạt được những kết quả tích cực trên, nhưng KTTT tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX được ban hành nhưng thiếu đồng bộ; quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc về các thủ tục, quy định; mặt khác các chính sách đã có nhưng tính khả thi không cao hoặc việc ban hành chính sách hỗ trợ chưa kịp thời.... Một số địa phương chưa coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX; chưa thấy rõ vai trò và sự đóng góp của KTTT, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội, nên mức độ quan tâm, hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở chủ trương. Một số HTX hoạt động còn đơn điệu, năng lực nội tại còn yếu và thiếu chiến lược trong sản xuất, kinh doanh; mối liên kết giữa HTX với nhau và giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế; quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu vốn nghiêm trọng, các dịch vụ hỗ trợ chưa đa dạng, phong phú; chất lượng sản phẩm, dịch vụ kém sức cạnh tranh; cán bộ quản lý, nhất là lĩnh vực nông nghiệp hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Để phát triển KTTT, HTX một cách hiệu quả hơn, cần thực hiện một số giải pháp thiết thực như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vai trò và các mô hình KTTT, HTX hoạt động có hiệu quả, nhất là chuyển đổi theo Luật HTX 2023. Chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho các tầng lớn nhân dân, thành viên hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, nguyên tắc và pháp luật về HTX, cơ chế quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của HTX.
Hai là, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quán triệt để thống nhất nhận thức về bản chất, nguyên tắc, pháp luật, vị trí, vai trò KTTT, HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo KTTT từ tỉnh đến huyện, thành phố và cơ sở. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX; tăng cường giám sát thực thi pháp luật về HTX. Tăng cường trách nhiệm và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tăng cường và phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh trong việc phát triển KTTT, HTX.
Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển HTX; rà soát chính sách đang thực hiện thiếu tính khả thi để sửa đổi, bổ sung, đồng bộ hóa để HTX dễ dàng tiếp cận.
Bốn là, Liên minh HTX tỉnh cùng với các sở, ngành liên quan chủ động triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết 20 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; các chương trình, kế hoạch, quyết định, chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh.
Năm là, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của HTX; thực hiện tốt công tác tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ HTX./.