EMC Đã kết nối EMC

Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Kinh tế - Hợp tác

Xem với cỡ chữAA

Công nghệ cao trong nông nghiệp ở ĐBSCL phải gắn với thị trường

(10:38 | 24/07/2018)

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp với Cơ quan hợp tác Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Nhu cầu và giải pháp các ứng dụng công nghệ cao (CNC) cho nông nghiệp ĐBSCL”.

 

Việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp và các lĩnh vực khác trong đời sống đã được xác định là hướng đi đúng và cần thiết. Qua thực tiễn ở ĐBSCL nông dân hay HTX và doanh nghiệp (DN) mới khởi sự làm theo mô hình ban đầu hoặc mới ứng dụng CNC với qui mô sản xuất nhỏ lẻ…  

 

Nông dân làm được, thị trường ở đâu?

 

Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau nói: Đặt ra vấn đề ứng dụng CNC trong nông nghiệp là hoàn toàn đúng. Thế nhưng, trở ngại và là khó khăn của nông dân hiện thời là thị trường tiêu thụ ở đâu? Thực tiễn ứng dụng cho thấy nông dân có thể làm theo quy trình công nghệ được các nhà khoa học khuyến cáo và cho ra sản phẩm chất lượng tốt, năng suất tăng. Vậy làm sao để tiêu thụ được sản phẩm đó và để đem lại lợi ích cho người nông dân như thế nào?

 

Ứng dụng CNC trong canh tác nông nghiệp đô thị (Ảnh: H.Đ)

 


Ưu thế và lợi ích đã chứng minh CNC ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và giảm giá thành, công lao động và tác động tiêu cực đến môi trường. Hưởng ứng theo xu thế mới, HTX rau an toàn Long Tuyền, TP Cần Thơ có nhiều thành viên nông dân sớm tiếp cận, áp dụng. Nhưng sau khi đưa vào sản xuất, ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX Long Tuyền, rút kinh nghiệm: Việc lựa chọn sản phẩm để ứng dụng CNC nên bắt nguồn từ tín hiệu và nhu cầu của thị trường. Bởi vì qua thực tế HTX Long Tuyền làm ra sản phẩm sạch bán giá cao thì không ai mua. Hễ rau của HTX bán cao hơn 30-40% giá ở chợ là người ta không mua. Do vậy một số thành viên của HTX còn ngại thay đổi. Bên ngoài, người nông dân cũng không mấy ai biết về công nghệ nên thuyết phục ứng dụng càng khó hơn.“Để đi đến thành công của việc ứng dụng CNC phải bắt đầu từ thị trường, chứ không phải đi từ sản xuất. Hơn nữa, thực tế một nông dân hay chủ một cơ sở nhỏ, quy mô hộ gia đình, còn sử dụng điện thoại di động rẻ tiền và gần như chưa biết Internet là gì... Bây giờ, nếu kêu họ xài điện thoại thông minh quẹt quẹt, rồi  quét mã vạch… quả vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể câu chuyện đầu ra phía sau”,  ông Sơ dẫn chứng.

 

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác của Trường quản lý cán bộ nông nghiệp II, cho rằng: Mô hình ứng dụng CNC của các nước trên thế giới hiện nay (những nước áp dụng CNC trước Việt Nam), đó là họ đi từ thị trường. Hiện nay, có nhiều DN Nhật sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, nhưng không bán vào thị trường Nhật. Thậm chí có DN đầu tư vùng sản xuất quy mô 300 ha ở tỉnh Long An để bán sang châu Âu. Họ có tiêu chuẩn, có quy trình sản xuất đưa ra triển khai…  

 

Tự tin đi tới

 

Thật ra ở ĐBSCL, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty Rynan Smart Fertilizers tự tin chứng minh được kết quả ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp được ứng dụng cho sản xuất lúa gạo ở Trà Vinh và Đồng Tháp. Đây là mô hình sử dụng phân bón thông minh kết hợp các thiết bị hiện tại từ Viện Yanmar. Chiếc máy cấy cùng lúc thực hiện các chức năng cấy lúa, bón phân, phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc… Đồng ruộng được áp dụng hệ thống cảm ứng mực nước thông minh. Nông dân theo dõi, điểu khiển mực nước trên đồng qua smartphone khi lúa cần bơm nước vào hoặc rút nước ra. Việc tích hợp các giải pháp trong quá trình canh tác tiết kiệm chi phí sản xuất. Sau khi hoàn thiện quy trình từ đất, nước, cây giống tới ra được hạt gạo. Hiện nay Rynan, có thêm hệ thống chế biến ra thành bữa ăn. Có máy mua hàng, người đi mua chỉ cần bỏ tiền, bấm nút là sẽ có ngay một phần ăn vừa ngon, tươi.

 

Ứng dụng CNC Smartphone và sử dụng phân bón thông minh trong SX nông nghiệp (Ảnh: L.N)


Đặc biệt để gỡ “nút thắt” đầu ra thị trường ứng dụng CNC trong nông nghiệp, TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Nông nghiệp - Viện chính sách và chiến lược NN-PTNT, nhận định: “Chúng ta không chỉ nhìn ở góc độ sản xuất, ứng dụng nhà màng, nhà lưới, mà còn cả ở thị trường nữa. Phải nhìn tất cả ứng dụng CNC là một hệ thống”. Theo TS Khôi, các nước khác trên thế giới hiện đã đưa ứng dụng CNC vào việc dự báo thị trường. Nếu Việt Nam áp dụng được CNC vào dự báo thị trường để kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu, từ trung ương đến địa phương thì sẽ tạo được hệ thống thông tin minh bạch và nó sẽ tạo được sự yên tâm, đồng thuận trong việc ra quyết định như quy hoạch vùng hay tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ giúp phát huy được sức mạnh của CNC.Canh tác lúa đang tiếp cận theo hướng mới. Song còn lại, muốn ứng dụng CNC cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi hay đưa vào hệ thống phân phối DN, HTX không thể nhanh chóng triển khai nhân rộng, do hiện còn nhiều khó khăn như đòi hỏi nông dân và các đơn vị sản xuất phải biết cách sử dụng chuỗi khối, cài đặt ứng dụng và muốn tháo gỡ cản ngại trên cần thêm nhiều thời gian và phát triển thêm nhiều phần mềm ứng dụng.

Đến nay, cả nước có 11 khu nông nghiệp CNC (trong đó, 5 khu được Thủ tướng phê duyệt và 6 khu được các tỉnh phê duyệt) và nhiều vùng sản xuất ứng dụng CNC như: Cà phê, chè, thanh long, rau, quả, bò sữa, thịt heo, tôm…; 28 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC, chiếm chưa tới 1% tổng số DN  nông nghiệp.

Thành Trăm (Theo Nông nghiệp )