Giữ nghề truyền thống bằng tổ hợp tác
(10:36 | 08/10/2018)

Xã Vĩnh Thuận là một xã thuần nông thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có 09 ấp với 3.325 hộ và 14.697 khẩu, kinh tế chủ lực của xã là nuôi tôm – lúa và một phần diện tích lúa 02 vụ. Bên cạnh đó, nghề đan đát cũng là một nghề đã góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2017 nghề đan đát ấp Vĩnh Trinh chính thức được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là nghề truyền thống sau hơn mấy chục năm thăng trầm tưởng chừng như bị may một.

 

 

20171027_091332(1).jpg

Nghề đan đát ấp Vĩnh Trinh được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là nghề truyền thống

 

 

Nghề này tập trung chủ yếu ở ấp Vĩnh Trinh với 39/505 hộ, chiếm 7,72 dân cư trong ấp. Nét đặc trưng của nghề đan đát là việc người dân tận dụng thời gian nhàn rỗi cộng với một phần nguồn nguyên liệu sẳn có tại địa phương như: tre, trúc và kết hợp với kỹ thuật của mình mà tạo nên các sản phẩm thủ công độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

 

 

Thành viên tổ hợp tác tạo ra sản phẩm theo hợp đồng với doanh nghiệp

 

 

Theo các cụ cao niên trong nghề kể lại thì nghề đan đát xuất hiện ở ấp Vĩnh Trinh từ rất lâu, khoảng trên 70 năm. Nghề này hình thành từ năm 1945 đến nay và lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ ông bà, cha mẹ truyền lại cho thế hệ con cháu. Từ đó đã hình thành nên một nghề truyền thống với những sản phẩm đan từ tre trúc, mặc dù chưa tinh xảo nhưng nó đã đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống của nhân dân tại địa phương và góp phần tạo ra mặt hàng giao thương tại các chợ từ đô thị đến nông thôn. Nghề đan đát đã tạo ra công an việc làm ổn định cho các hộ dân trong ấp tham gia bình quân khoảng 2,5 triệu đồng /tháng, giúp cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế hộ, đảm bào một phần an sinh xã hội tại địa phương.

 

Các sản phẩm của nghề truyền thống đan đát nơi đây khá đa dạng và phong phú như: cần xé, mê bồ, bội gà, rổ, thúng…Ngoài ra còn có thể tạo ra sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng và làm hoàn toàn bằng thủ công nên rất chắc chắn. Trong đó đã có sản phẩm cần xé được bình chọn công nhận là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh năm 2013.

 

 

Đan cần xé

Sản phẩm cần xé được bình chọn công nhận là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh

 

 

Điều đáng nói là các hộ làm nghề này đa phần đều không có đất sản xuất và những hộ tranh thủ thời gian nhàn rỗi để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Trước kia các hộ dân làm nghề này chỉ sản xuất một số sản phẩm nhất định đủ để phục vụ gia đình và bán nhỏ lẻ. Càng ngày nhu cầu thị trường càng nhiều, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, người dân trong nghề đã sáng tạo nhiều sản phẩm đa dạng hơn đưa vươn xa hơn nữa trên thị trường tiêu thụ, không chỉ phục vụ cho người dân địa phương mà còn cho các huyện, các tỉnh trong khu vực lân cận. Sản phẩm được thị trường yêu thích lựa chọn do người dân sản xuất theo cách thủ công truyền thống một trăm phần trăm từ khâu chọn nguyên liệu đến làm vành, nứt, đan, đảm bảo độ bền, đẹp và chắc hơn các sản phẩm công nghiệp.

 

 

Có thể nói, nghề truyền thống đan đát đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống của người dân ấp Vĩnh Trinh vì đã tạo ra công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định hơn mấy chục năm qua. Mới đây, để duy trì và phát triển tốt hơn, địa phương đã vận động các hộ dân trong nghề tham gia và thành lập Tổ hợp tác, một mặt để phát triển ngày một đa dạng các sản phẩm của thành viên, mặt khác liên kết tập trung ký kết hợp đồng tiêu thụ giúp thành viên có đầu ra ổn định và kinh tế ngày một phát triển hơn, làm giàu từ nghề ông cha để lại.

 

 

Lễ ra mắt tổ hợp tác

 

 

 

Đồng Chí Nguyễn Quốc Nam, Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận dự lễ ra mắt tổ hợp tác

 

 

Các thành viên tổ hợp tác

 

 

Ngoài những sản phẩm sử dụng trong gia đình, tổ hợp tác còn tạo ra những sản phẩm nhỏ dùng để trang trí

 

 

Các sản phẩm hiện tại đã được một doanh nghiệp ở Bạc Liêu ký hợp đồng bao tiêu

 

 

Thành Trăm