Thiếu liên kết, HTX lênh đênh như tàu... mất neo
(13:37 | 04/09/2018)

Sự liên kết giữa các thành viên với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế tập thể khác còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến nhiều HTX hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Do đó nếu cứ thành lập HTX theo kiểu “cho có”, sẽ chẳng khác nào quay trở lại thời kỳ HTX kiểu cũ trước đây.

 

Đây là quan điểm chung được đại diện nhiều tỉnh thành nhận định khi bắt tay vào triển khai Đề án Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

 

Lênh đênh như... HTX

 

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho hay, huyện đảo Phú Quý có 39 HTX thuộc lĩnh vực thủy sản làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản. Các HTX này hoạt động trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, đem lại lợi ích kinh tế rất lớn đồng thời cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

“Tuy nhiên, mỗi HTX chẳng khác nào 1 con tàu lênh đênh trên biển, chưa có trụ sở hoạt động chính thức, ít có thời gian ở đất liền. Việc liên kết với các cơ quan chức năng, tổ chức hoạt động theo đúng luật HTX còn nhiều hạn chế” - ông Tấn nói.

 

thieu lien ket, htx lenh denh nhu tau... mat neo hinh anh 1

Chăm sóc rau sạch trồng theo quy trình VietGAP tại HTX rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh:  Hồng Phấn

 

Còn đại diện Sở NNPTNT Hà Tĩnh thì cho biết, tại địa phương, tỷ lệ chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 đạt khá cao (trên 97%) nhưng việc chuyển đổi chưa thực sự đi vào thực chất. Mối quan hệ giữa thành viên với HTX còn lỏng lẻo.

 

Nhiều HTX đã chuyển đổi nhưng hoạt động vẫn mang dáng dấp của HTX kiểu cũ như khó khăn trong việc huy động vốn góp từ thành viên; dịch vụ cung cấp mang tính chất đơn điệu, chỉ chú tâm bao tiêu đầu vào mà ít lo đầu ra.

 

Tại TP.HCM, sự liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế dẫn đến nhiều HTX hoạt động thiếu hiệu quả, phải giải thể hoặc dự kiến giải thể. Số lượng tổ hợp tác thành lập khá cao nhưng việc quản lý tình hình tổ chức và hoạt động chưa có sự thống nhất với các sở ngành.

 

Ông Võ Thành Dũng - Phó Giám đốc HTX Trường Thịnh (TP.HCM) cho rằng, ngoài nỗ lực tự thân, để mối liên kết trong kinh tế hợp tác bền chặt cần có sự  tháo gỡ khó khăn cụ thể hơn từ chính quyền địa phương, cấp bộ ngành đến Trung ương, đừng để mỗi HTX như 1 con tàu trôi lênh đênh trên biển.

 

Đồng tình, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng phần lớn HTX chưa liên kết được với các doanh nghiệp do tính liên kết trong nông dân chưa cao. Việc ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên đa số sản phẩm của thành viên phải tiêu thụ qua thương lái, giá cả bấp bênh, không ổn định và lợi nhuận không cao.

 

Tích cực liên kết, hỗ trợ

 

Theo Đề án thành lập 15.000 HTX đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ tiêu giao tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 có 219 HTX nông nghiệp, trong đó có 195/219 HTX hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có 136 HTX. Như vậy trong 3 năm 2018 - 2020, tỉnh này phải thành lập mới thêm 83 HTX (bình quân 28 HTX/năm). Số lượng này được cho là quá cao so với tình hình phát triển của địa phương.

 

Theo phân tích của lãnh đạo Sở NNPTNT Đồng Tháp, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập các HTX hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời giải thể các HTX ngưng hoặc không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã giải thể 90 HTX. Do đó, số lượng HTX trên địa bàn Đồng Tháp thời gian tới có thể sẽ giảm tiếp.

 

Để triển khai Đề án 15.000 HTX và khắc phục một số khó khăn hiện tại, trong năm 2018, tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ thành lập mới HTX với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.

 

Theo ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tỉnh khuyến khích thành lập các “Hội quán” nông dân nhằm tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề cùng tham gia chia sẻ cách làm ăn hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 51 hội quán. Đây là tiền đề để thành lập các HTX bền vững trong thời gian tới.

 

Còn theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, việc thành lập các HTX kiểu mới là một quá trình tự nguyện của các hộ nông dân, song sự vận động, hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên như Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và chính quyền các cấp là rất quan trọng.

 

Qua thực tế hoạt động và phong trào thi đua sản xuất giỏi của Hội Nông dân hàng chục năm qua, đã có hàng triệu nông dân sản xuất giỏi được bình chọn. Họ nắm vững các tiến bộ kỹ thuật mới, có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tiêu thụ và có uy tín trong nông dân.

 

“Đây là một lực lượng quan trọng, hiệu quả; cần được tập huấn và hỗ trợ để trở thành lực lượng đi đầu thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới trong giai đoạn hiện nay” - ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.

 

"Theo Bộ NNPTNT, năm 2017 cả nước có trên 29.734 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên 50% số tổ hợp tác có hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện tiêu thụ và chế biến nông sản; đa số duy trì tốt hoạt động phục vụ cho tổ viên. Đây là lực lượng quan trọng để phát triển thành lập HTX. Các địa phương lựa chọn các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả để tuyên truyền, vận động nâng cấp thành lập HTX".

 

Thành Trăm (Theo Dân Việt)