Thương mại điện tử cho khu vực KTHT, HTX
(10:12 | 29/08/2018)

Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những giải pháp hiệu quả, bền vững để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dưng nền kinh tế số, chuyển đổi và hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.

 

Ảnh minh họa, nguồn internet

 

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 triệu thành viên tham gia gần 20.000 HTX đang hoạt động, trong đó có 11.756 HTX nông nghiệp, 1.661 HTX thương mại – dịch vụ, 828 HTX xây dựng, 1.906 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; 1.163 HTX vận tải, 1.176 quỹ tín dụng nhân dân, 997 HTX dịch vụ môi trường và lĩnh vực khác. Các HTX đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GDP, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.

 

Khu vực KTHT, HTX phát triển tại hầu hết các nước và đã chứng minh được sức mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên tham gia. HTX là phương thức tổ chức hoạt động kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế bao trùm và kinh tế chia sẻ để các thành viên không ai bị bỏ lại phía sau.

 

Theo khảo sát, đánh giá của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Coste) - Liên minh HTX Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX nhận thấy, 100% các HTX Vận tải, HTX chợ, HTX Tiểu thủ công nghiệp, TM và DV có trang bị thiết bị máy tính và đều sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên chỉ có khoảng chưa đến 10% số HTX có website giới thiệu quảng bả sản phẩm, dịch vụ.

 

Ngoài ra việc sử dụng các ứng dụng TMĐT phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 30% trong số các HTX loại hình này. Đối với các HTX nông nghiệp thì chỉ có khoảng 14% có trang bị hệ thống máy tính chủ yếu để quản lý công tác kế toán và lưu trữ dữ liệu, hầu hết các HTX hiện chưa có website, chỉ có duy nhất bộ máy vi tính nhưng không kết nối Internet.

 

Có thể nói, việc áp dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại các HTX ở Việt Nam hiện nay hầu như không được áp dụng. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự  quản lý HTX nói chung và nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động TMĐT ở các HTX chưa có.

 

 

Hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX năm 2018 của Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại CV Thống Nhất, Hà Nội vào tháng 5/2018.

 

Theo dự báo, TMĐT sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng internet, con số này sẽ tăng lên 59,48 triệu người vào năm 2022 (nguồn statista.com). Dự kiến doanh thu bán lẻ từ thị trường TMĐT Việt Nam tăng 20% mỗi năm và sẽ đạt 10 tỷ đô vào năm 2020. Đến năm 2020, cũng có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người.  

 

Ứng dụng TMĐT trong khu vực KTHT, HTX tại Việt Nam hiện nay còn bỏ ngỏ, vì vậy để thành công cần tập trung rất nhiều giải pháp, từ chính sách của Chính phủ đến nền tảng công nghệ, kỹ thuật, các giá trị gia tăng như vận chuyển và thanh toán cũng cần phải được phát triển đồng bộ.

 

Khu vực KTHT, HTX cần hỗ trợ giải quyết một số vấn đề khi tham gia TMĐT: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ chưa tốt; Năng lực tài chính của các HTX rất yếu; Trình độ năng lực về khoa học kỹ thuật và TMĐT nói riêng chưa cao; Khả năng tư duy và sự am hiểu về marketing trong các HTX còn hạn chế...

 

Bên cạnh đó, cần thiết hoàn thiện môi trường pháp lý; Tăng cường đầu tư trực tiếp và có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội; Ngân hàng Nhà nước tích cực triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử; Ban hành các quy định, cơ chế đảm bảo an toàn cho các giao dịch TMĐT...

 

Liên minh HTX Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển khu vực KTHT, HTX đã triển khai xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động TMĐT và đã đạt được những kết quả ban đầu. Các HTX đã từng bước nhận thấy những lợi ích to lớn mà TMĐT đem lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Thành Trăm (Theo Coste)