Nghị định 98 về liên kết trong nông nghiệp sẽ giúp nông dân, DN hết chơi vơi?
(08:44 | 21/08/2018)

Một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn bấp bênh do khâu liên kết sản xuất rời rạc, thiếu nhân tố HTX, doanh nghiệp tham gia dẫn đến nông dân chơi vơi, doanh nghiệp cũng... chơi vơi.

 

Vườn rau tại  trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình huyện Thạch Thất, Hà Nội (Ảnh Đức Minh) 

 

HTX nông nghiệp đa dạng nhưng tham gia liên kết còn ít

 

Tính đến hết quý II/2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.696 HTX với khoảng 4,15 triệu thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các tỉnh, TP đã thành lập mới 1.143 HTX nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp kiểu mới phát triển khá đa dạng. Nhiều HTX hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng miền, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm.

 

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả dù có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Kết quả phân loại 9.266 HTX nông nghiệp năm 2017 của Bộ NN&PTNT cho thấy, số HTX hoạt động tốt chỉ chiếm 12%, 34,3% hoạt động khá, 41,3% hoạt động ở mức trung bình và 12,4% (tương ứng 1.143 HTX) hoạt động yếu. Liên kết chuỗi giá trị giúp tăng từ 17 - 25% thu nhập cho người sản xuất, nhưng quy mô liên kết còn nhiều hạn chế. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu diễn ra giữa người nông dân với hộ kinh doanh, DN; số HTX tham gia liên kết còn ít…

 

Đánh giá về thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, sức sản xuất nông nghiệp của nước ta rất lớn nhưng chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, còn lệ thuộc nhiều vào thị trường và tiêu thụ vẫn bấp bênh. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do khâu liên kết sản xuất rời rạc, thiếu nhân tố HTX, dẫn đến nông dân chơi vơi, DN cũng... chơi vơi.

 

Những người nông dân đang làm việc tại trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình huyện Thạch Thất, Hà Nội (Ảnh Đức Minh) 

 

“Hai năm qua, số lượng DN nông nghiệp đã tăng hơn 2,2 lần, nhưng con số này không thể “với” tới hết 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần có sự liên kết trong phát triển nguyên liệu, chế biến, mở rộng thị trường thông qua HTX. Các HTX phải là hạt nhân để liên kết với các DN nhằm tạo nên một chu trình sản xuất khép kín” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Dự án được hỗ trợ cao nhất lên tới 10 tỷ đồng

 

Nhằm đẩy mạnh củng cố các hợp tác xã nông nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ ngày 20/8/2018, Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành.

 

Như vậy, kể từ nay, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản...); tổng mức hỗ trợ cao nhất cho một dự án tới 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa đến 300 triệu đồng (bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết...).

 

 

Vườn hoa ở Mê Linh, Hà Nội (Ảnh Đức Minh) 

 

Tất nhiên, để hưởng những ưu đãi hỗ trợ đó, về phía bên liên kết sản xuất, các bên tham gia được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời điều kiện như: phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường...

 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Vương Đình Huệ từng khẳng định, liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Liên kết giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa…

 

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một số chính sách khuyến khích của Chính phủ và các địa phương trước đây còn bất cập, chưa đủ mạnh để kích cầu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ để triển khai các nhiệm vụ được giao trong đề án; chỉ đạo các cơ quan trực thuộc ngành dọc tại địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu và triển khai thực hiện.

 

Các địa phương xây dựng đề án và kế hoạch hành động cụ thể; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX tại địa phương cho phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thành lập mới và củng cố, phát triển HTX hoạt động có hiệu quả.

 

 

Thành Trăm (Theo Theo Công luận)