Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, LKSX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (2013-2017), tổng diện tích các cánh đồng lớn toàn tỉnh thực hiện từ năm 2014-2017 là 105.089ha, với 100.292 hộ tham gia, có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản. Hầu hết cánh đồng lớn được đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, các cánh đồng lớn bước đầu cho hiệu quả khá tốt, năng suất lẫn giá thành sản phẩm cho mỗi ha lúa trong cánh đồng được cải thiện rõ rệt, như: Năng suất tăng khoảng 200kg/ha, lợi nhuận cũng tăng từ 3 - 4 triệu đồng/ha… Tình hình thực hiện hợp đồng LKSX, tiêu thụ nông sản chuyển biến tích cực: Năm 2016, toàn tỉnh có 5.060,5ha lúa được doanh nghiệp và hợp tác xã thực hiện 14 hợp đồng LKSX, tiêu thụ lúa; năm 2017, có 19 doanh nghiệp xuất khẩu gạo (kết hợp doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp) ký kết với nông dân hợp đồng LKSX, tiêu thụ lúa cho 40.033ha lúa vụ đông xuân 2016-2017 và 44.930ha lúa vụ hè thu. Hiện tổng diện tích hợp đồng LKSX, tiêu thụ lúa vụ đông xuân năm 2017-2018 là 56.517ha, đã có 10 hợp tác xã được doanh nghiệp tham gia góp vốn điều lệ làm thành viên và tham gia quản lý hợp tác xã.
Thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn, tỉnh ta chọn 14 hợp tác xã nông nghiệp tham gia đề án và tổng kinh phí hỗ trợ theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020 trên 65 tỷ đồng. Thực hiện việc LKSX, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016 -2017, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh và các địa phương làm cầu nối giới thiệu doanh nghiệp ký kết hợp đồng LKSX, tiêu thụ nông sản với 147 hợp tác xã sản xuất lúa, tổng diện tích 32.220ha. Để giúp các hợp tác xã thực hiện được chuỗi liên kết, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã tổ chức khối thi đua và phát động phong trào thi đua chuyên đề để tạo động lực cho các hợp tác xã phấn đấu; tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý hợp tác xã về chuyên ngành quản trị; đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ hợp tác xã về quản lý-điều hành; tư vấn kỹ năng tổ chức các dịch vụ trong khâu cung ứng đầu vào, khâu sản xuất, nhất là trực tiếp hỗ trợ hợp tác xã trong khâu tiêu thụ bằng việc làm trung gian - cầu nối mời doanh nghiệp xuống hợp tác xã gặp gỡ, đối thoại với thành viên để thỏa thuận hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Vũ Hồng đề nghị các sở, ngành, địa phương: Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, hình thành, nhân rộng các hình thức LKSX gắn với tiêu thụ nông sản; củng cố phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng vùng điểm về LKSX gắn với tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp; tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao chất lượng xúc tiến xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong tiêu chí đánh giá xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, từng sở, ngành phụ trách từng tiêu chí có trách nhiệm rà soát lại các chủ trương, chính sách đã ban hành xem nội dung nào không phù hợp, nghiên cứu hướng dẫn địa phương điều chỉnh, bổ sung; từng thành viên ban chỉ đạo được phân công phụ trách địa bàn phải tập trung và tăng cường đi cơ sở nắm tình hình chỉ đạo kịp thời lĩnh vực mình phụ trách; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, trực tiếp bàn bạc các dự án, công trình; tập trung chỉ đạo các xã thực hiện các nguồn vốn hiệu quả, không để phát sinh nợ mới; tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì, nâng cấp các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung ưu tiên đầu tư các nguồn vốn vào các công trình trọng điểm, cấp thiết, gắn với sinh kế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch 2018-2020 và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới. Các ngành được phân công thực hiện các nội dung chương trình, tiêu chí nông thôn mới chịu trách nhiệm xác định rõ nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của ngành và lồng ghép các chương trình mục tiêu vào xây dựng nông thôn mới. Mức độ đạt tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 và nhu cầu vốn, cơ cấu nguồn vốn, trong đó làm rõ nhu cầu vốn ngân sách nhà nước các cấp để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định. Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu của ngành. Thành viên ban chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc các địa phương được phân công thực hiện chương trình; thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và thực hiện tốt tiêu chí, chỉ tiêu của ngành trên địa bàn.
Đồng chí Phạm Vũ Hồng lưu ý các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí về nông thôn mới theo hướng giữ chuẩn quốc gia, không chạy đua theo thành tích, hình thức mà hạ thấp tiêu chí. Đối với xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục vươn lên bởi mục tiêu xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài, là sự phát triển bền vững nông thôn, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mục tiêu là tăng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân đô thị và nông thôn. Đặc biệt nghiêm túc nghiên cứu, cập nhật thông tin, chia sẻ trao đổi, ý kiến tại hội nghị để có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp cho giải pháp của sở, ngành, địa phương trong việc cụ thể hóa thành kế hoạch của đơn vị mình, phù hợp nhiệm vụ được giao, có báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo thông qua Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tổng hợp theo định kỳ báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.../.