Kiên Giang: Phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2017
(15:21 | 25/01/2018)

Ngày 24/4/2017, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến về phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2017. Ông Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì Hội nghị; đại diện các sở, ngành có liên quan, các công ty giống và 15 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố cùng tham dự.

Trong những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Kiên Giang liên tục tăng từ: 159.175 ha năm 2014 lên: 221.580 ha năm 2016, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2014-2016 là: 18,3%/năm. Nuôi tôm nước lợ chiếm tỷ trọng lớn ở loại hình nuôi tôm luân canh với trồng lúa (tôm - lúa) và tôm quản canh cải tiến (QCCT). Diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh (TC - BTC), có tỷ lệ rất thấp (1,78% tổng diện tích nuôi tôm). Nuôi cua phát triển mạnh trong những năm gần đây với mô hình luân canh với lúa và xen canh với nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao. Tổng sản lượng NTTS của tỉnh tăng từ: 136.626 tấn năm 2014, lên: 196.049 tấn năm 2016 (tăng: 1,4 lần) và đạt tốc độ tăng bình quân 20,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng diện tích, điều này cho thấy năng suất bình quân được cải thiện. Các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là tôm nước lợ, cá lồng bè đều có tốc độ tăng trưởng khá cao về sản lượng trong giai đoạn 2014-2016. Trong đó, sản lượng tôm tăng hàng năm: 10,4%, cá lồng bè tăng: 40,6%, và nhuyễn thể: 22,4%.

Bên cạnh việc liên tục tăng diện tích, năng suất và sản lượng thì các loại hình nuôi ngày càng đa dạng. Trong đó, các mô hình nuôi ghép ngày càng phong phú, kể cả nuôi nước lợ và nuôi nước ngọt (tôm sú - lúa; tôm sú - cua - lúa; tôm sú - sò; tôm sú - sò - rừng; tôm càng xanh - lúa; lúa - cá,…) tận dụng khai thác tiềm năng của đất và mặt nước, tạo vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong nước và quốc tế.

Kế hoạch nuôi thủy sản 2017, sản xuất giống thủy sản:

Nhu cầu tôm giống thả nuôi năm 2017, ước khoảng: 8 tỷ Postlarvae (PL). Trong đó: Sản xuất giống trong tỉnh: 3,5 tỷ PL, bao gồm: Cơ sở của Công ty BIM (tại Phú Quốc) sản xuất: 1,3 tỷ PL tôm chân trắng, Công ty CP Chăn nuôi CP (tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương) sản xuất 1,7 tỷ PL và các cơ sở khác sản xuất khoảng: 0,5 tỷ PL. Nhu cầu cua biển giống khoảng: 285 triệu con/năm, sản xuất tại chỗ: 95 triệu cua giống, đáp ứng: 33,3% nhu cầu, số giống còn lại nhập từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Giống cá nước ngọt (cá lóc, cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép,…) thả nuôi trong tỉnh hầu hết được người nuôi mua từ tỉnh khác hoặc được các cơ sở ương, dưỡng mua cá bột về ương thành cá giống cung cấp lại cho người nuôi. Giống các loài nhuyễn thể thả nuôi như: Nghêu được mua từ Bến Tre, sò huyết chủ yếu là khai thác từ tự nhiên. 100% giống cá biển được nhập tỉnh từ nhiều nguồn khác nhau.

Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh: Kế hoạch năm 2017 là: 232.150 ha, sản lượng: 224.725 tấn. Một số đối tượng nuôi chính: Nuôi tôm nước lợ: Diện tích nuôi tôm: 113.000 ha, sản lượng: 63.000 tấn. Trong đó: Nuôi tôm TC - BTC: Diện tích: 2.600 ha, sản lượng: 17.000 tấn, năng suất từ 6 - 8 tấn/ha/vụ.

Các đối tượng khác, cua biển: Diện tích nuôi cua kết hợp: 62.000 ha, sản lượng: 18.750 tấn; nhuyễn thể: Diện tích nuôi: 19.850 ha, sản lượng 79.455 tấn; cá lồng bè trên biển: 3.000 lồng, sản lượng: 2.300 tấn, năng suất: 0,7 - 0,9 tấn/lồng; cá nước ngọt các loại: Diện tích là: 37.000 ha, sản lượng: 59.000 tấn. Phát triển các hình thức: TC - BTC, kết hợp (cá - lúa), mương vườn; nuôi thủy đặc sản (lươn, ếch, ba ba, cá sấu, cá chạch lấu,…): Diện tích: 300 ha, sản lượng: 2.220 tấn; nuôi tôm - lúa: Diện tích: 89.000 ha, sản lượng: 40.000 tấn, năng suất bình quân: 0,4 - 0,45 tấn/ha/năm; nuôi tôm QCCT: Diện tích: 21.400 ha, sản lượng: 6.000 tấn, năng suất từ: 0,25 - 0,3 tấn/ha/năm…

Tình hình dịch bệnh trên tôm: Tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại đến ngày 18/4/2017 là: 285,6 ha (107 ổ dịch xảy ra tại 40 ấp thuộc 24 xã của 07 huyện). Trong đó, thiệt hại do biến động bất lợi của các yếu tố môi trường là: 47,7 ha, bệnh đốm trắng là: 115 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính là: 117,9 ha, bệnh còi: 5,0 ha (mức độ thiệt hại từ: 50-100%). Ngoài ra, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Minh, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương trong Quí I và nửa đầu tháng 4/2017 có: 1.220 ha diện tích tôm nuôi, bị thiệt hại do biến động bất lợi của các yếu tố môi trường. Tuy nhiên, số diện tích này không khai báo với ngành Thú y địa phương và thiếu thông tin cụ thể về thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mức độ thiệt hại. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu xảy ra ở huyện U Minh thượng và An Minh trong mô hình tôm - lúa. Nguyên nhân chủ yếu là do mực nước trên ruộng nuôi thấp, các hộ nuôi không có ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ruộng nuôi, con giống không đạt chất lượng,... Các ổ dịch đến nay được phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, không để lây lan, trong tầm kiểm soát. Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của ngành Thú y. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ hóa chất sát trùng chlorine 21.065 kg cho 73 hộ dân để dập dịch, tránh lây lan diện rộng.

Hiện nay, diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng và thường xuyên xuất hiện những cơn mưa trái mùa với lượng lớn gây biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường trong ao nuôi làm tôm bị sốc, giảm sức đề kháng và mẫn cảm với tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, kết quả quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Vibrio parahaemolyticus) trong hầu hết các điểm đầu nguồn kênh cấp nước với mật độ cao, có xu hướng tăng dần từ đầu vụ nuôi đến nay. Vì vậy, diễn biến dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian tới được dự đoán là rất khó lường, khả năng bùng phát dịch bệnh là rất cao...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những thành quả, nỗ lực của các cấp, sở, ngành và chính quyền địa phương trong việc chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Cần quan tâm những việc sau đây: Lấy thị trường làm căn cứ để quy hoạch, điều chỉnh cho phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng, môi trường, mục đích cuối cùng phải là hiệu quả về NTTS; thủy sản là ngành phát triển chủ lực, phải giữ vững mục tiêu và thế mạnh của tỉnh là biển, phải biết tận dụng tiềm năng để đạt được mục tiêu; các giải pháp trọng tâm để phát triển NTTS: Thị trường tiêu thụ, đây là giải pháp quan trọng. Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Môi trường nước (quan trắc) phải dự cảnh báo, dự báo thường xuyên và kịp thời. Tăng cường kiểm dịch giống thủy sản và công tác quản lý nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt là tái cơ cấu ngành Thủy sản; xây dựng cho được ngành Thủy sản là ngành sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh theo hướng hiện đại, hiệu quả cao,... Đặc biệt là các huyện nuôi trên đảo phải gắn với an ninh quốc phòng; tập trung, rà soát lại các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, xây dựng kế hoạch nuôi phù hợp, tránh chồng chéo giữa nông dân. Tạo sự đồng thuận trong NTTS và trồng lúa; thị trường giống chưa nhiều, tiếp tục kêu gọi đầu tư các loại giống thủy sản trong đó có tôm; giao Sở Nông nghiệp khẩn trương xây dựng các phòng thí nghiệm kiểm dịch giống thủy sản kết hợp với quảng bá sản phẩm và không thu phí kiểm dịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp giống phải đảm bảo chất lượng; công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ cho NTTS; tuyên truyền cho người nuôi sử dụng các sản phẩm an toàn, đặc biệt là quy trình nuôi không còn dư lượng kháng sinh và các tạp chất khác trong sản phẩm. Nghiêm cấm các hình thức bơm, tiêm tạp chất; lưu ý các mô hình để nâng cao hiệu quả NTTS phải được chọn lọc những mô hình tiêu biểu phổ biến cho người dân nắm; giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu về quan trắc môi trường; nghiên cứu đề tài, dự án nuôi tôm tiết kiệm nước (nuôi tôm tuần hoàn); giao ngành ngân hàng tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp và các hộ nuôi; giao Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực NTTS, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho nông dân; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao về kỹ năng sản xuất và đào tạo lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu để tập trung phát triển nguồn lực cho thủy sản; giao cho ngành Nông nghiệp chỉ đạo việc nạo vét kênh, mương.../.

Báo Kiên Giang