Kiên Giang tìm giải pháp phát triển nuôi biển đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 (st)
(07:32 | 01/07/2024)

Sáng ngày 28-6, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo "Giải pháp phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn, đại diện Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nuôi thủy sản và ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo.

 

Kiên Giang là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, thời gian qua, ngành thủy sản đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt trên 33.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu thuỷ sản hơn 233 triệu USD; sản lượng thủy sản 798.319 tấn; thủy sản đóng góp vào cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp tỉnh chiếm 50,52%.

 

Kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển hiệu quả và bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển.

 

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, kế hoạch nuôi biển của tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 dự kiến sẽ có 7.500 lồng nuôi, tương đương với sản lượng 29.890 tấn. Diện tích nuôi biển ven bờ 25.500 hecta, sản lượng 83.850 tấn tập trung tại các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Kiên Hải, TP. Phú Quốc và TP. Hà Tiên.

 

Đến năm 2030 số lượng lồng nuôi biển của tỉnh tăng lên 14.000 lồng, diện tích nuôi biển ven bờ đạt 26.900 hecta. So sánh với tình hình nuôi biển hiện tại, dư địa cho ngành nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 còn rất lớn. Để phục vụ phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu cho các vùng nuôi biển tập trung để thu hút đầu tư vào phát triển nuôi biển.

 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi các đại biểu về những kỹ thuật nuôi hiện đại, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất và các đề xuất, kiến nghị đối với công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh nhằm phát triển nuôi biển theo hướng bền vững của tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

 

Ông Trần Công Khôi, Cục Thủy sản đề xuất tỉnh Kiên Giang cần chú trọng kêu gọi đầu tư về giống, thức ăn và tổ chức dự án nuôi thí điểm để nhân rộng mô hình hiệu quả. Thực hiện liên kết trong chuỗi sản xuất nuôi biển, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, nghiên cứu về giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi và chọn đối tượng thủy sản nuôi phù hợp với điều kiện môi trường vùng biển Kiên Giang và gắn với phát triển du lịch.

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng đề xuất tỉnh Kiên Giang chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư vùng nuôi biển, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu, kỹ thuật và trang thiết bị, hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi… đồng thời, đầu tư sản xuất giống vùng nuôi biển.

 

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn đánh giá cao các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu tại hội thảo, đây là những tư liệu quý, thật sự hữu ích để tỉnh Kiên Giang tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng những giải pháp phù hợp phát triển nuôi biển ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

 

Sau hội thảo này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đã đề ra.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, để đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ nêu trên sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần được giải quyết. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ khó có thể thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra nếu không có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn thường xuyên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản; sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học; sự chung sức, đồng hành của các doanh nghiệp và bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản của tỉnh./.

Thùy Trang (theo kiengiang.gov.vn)