Kiên Lương: Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể
(09:47 | 09/05/2022)

Năm 2021, mặc dù kinh tế tập thể huyện Kiên Lương còn những hạn chế nhất định nhưng mặt nào đó vẫn thể hiện được vị trí vai trò quan trọng trong góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 

Description: D:\PERSONAL\BAI VIET TRANG WEB CQ\HINH\NÚI MAY\z3045962761833_f6496bb98add7e62212bf7c014c473f1.jpg

Nhiều HTX trên địa bàn huyện làm ăn có hiểu quả

 

Đã tổ chức tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) với 8 cuộc có hơn 210 lượt người tham dự, cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình có nguyện vọng tham gia thành lập mới HTX, THT. Hiện toàn huyện có tổng số 23 HTX, diện tích 3.196 ha với 1.778 thành viên; trong đó có 12 HTX nông nghiệp; 06 HTX NTTS; 01 HTX hồ tiêu Bãi Ớt; 02 HTX đồng quản lý bãi giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ; 01 HTX GTVT Kiên Tân; 01 Quỹ tín dụng nhân dân Bình An. Có 45 THT, diện tích 1.232 ha với 657 thành viên, gồm 22 THT nông nghiệp, 06 chăn nuôi, 15 THT NTTS, 01 THT khai thác, 01 THT dịch vụ du lịch. Các tổ hợp tác phát triển hoạt động hiệu quả trong khâu cày ải trong sản xuất lúa, thả giống và lấy nước vào ao nuôi, gieo sạ đúng lịch thời vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong sản xuất, có một số THT trồng tiêu có lợi nhuận từ các khâu dịch vụ, giúp cho người sản xuất giảm bớt một phần chi phí.

 

Các HTX hoạt động có hiệu quả về tổ chức bộ máy quản lý điều hành và dịch vụ như Quỹ tín dụng nhân dân Bình An và HTX GTVT Kiên Tân. Một số HTX nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp hoạt động ở một số khâu đơn giản như xuống giống, cày ải, thu hoạch lúa, trạm bơm điện, cải tạo ao nuôi, dịch vụ cung ứng con giống đã đem lại lợi nhuận cho thành viên như HTX NTTS Núi Mây, giảm bớt chi phí sản xuất, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện cánh đồng lớn, liên kết sản xuất với các Doanh nghiệp thu mua lúa với diện tích khoảng 1.000 ha.

 

  Các HTX đều thực hiện được các tiêu chí như góp đúng vốn điều lệ để thực hiện ít nhất một khâu dịch vụ đã đăng ký trong giấy chứng nhận; có điều lệ, quy chế hoạt động; có danh sách thành viên, hội đồng quản trị; tạo được việc làm tăng thu nhập cho các thành viên, giúp ổn định đời sống của thành viên; tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động ủng hộ ở địa phương; các thành viên trong HTX có tinh thần đoàn kết và hợp tác giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

 

Description: D:\PERSONAL\BAI VIET TRANG WEB CQ\HINH\NÚI MAY\z3045962775363_f8de2fbf2ba8cee62ce49814f35ea78f.jpg

Nhận được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Nhà nước

 

Để kích thích KTTT phát triển, trong năm 2021 huyện đã thực hiện 07 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 720ha tập trung ở xã Kiên Bình, xã Hòa Điền và Bình Trị. Từ nguồn vốn Nghị định 35/2015/NĐ-CP tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

 

Thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy lợi kiểm tra khảo sát, lập danh mục đầu tư, gia cố các đập, bờ bao thấp trũng để ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất lúa trên địa bàn huyện, cụ thể: Gia cố 08 đập ngăn mặn gồm: đập 327, đập 327 nhánh 1 và nhánh 2, đập kênh 5 Thước, đập kênh An Bình 1 và An Bình 2 xã Bình Trị; đập kênh Nhà Chung, đập kênh 1000 thuộc xã Hòa Điền.

 

Khảo sát và đầu tư hệ thống trạm bơm điện thêm 02 trạm ở xã Hòa Điền, nâng tổng số lên 07 trạm bơm với kinh phí 2,288 tỷ đồng; thêm 02 trạm điện hạ thế ở HTX Tiến Phương và HTX Thời Trang, nâng tổng số lên 10 trạm điện hạ thế để phục vụ cho trạm bơm điện với kinh phí 8.360 triệu đồng cho các HTX và THT. Rà soát nhu cầu hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh giới thiệu một số Công ty thu mua lúa gạo đến các HTX nông nghiệp cùng trao đổi liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Nhìn chung, tình hình xây dựng và phát triển KTTT đã từng bước nâng lên về chất lượng, đa dạng về loại hình hợp tác như quỹ tín dụng, giao thông vận tải, NTTS và nông nghiệp; hợp tác có hiệu quả ở một số khâu, đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm giảm một phần chi phí sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nâng cao đời sống của nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới. 

 

Đạt được những kết quả trên là nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp về xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác. UBND các xã, thị đã cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện theo tình hình thực tế của từng cơ sở. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đến người dân tạo được sự ủng hộ đồng tình của một bộ phận nông dân tự nguyện tham gia hợp tác ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp và sự nổ lực vươn lên của bà con thành viên. Tập thể lãnh đạo HTX, THT có nhiều nổ lực và tâm huyết trong tổ chức điều hành hoạt động nề nếp và đúng quy định.

 

Tuy nhiên, công tác xây dựng, đổi mới, phát triển và củng cố KTTT từng bước nâng lên nhưng vẫn còn chậm, số lượng HTX, THT tăng nhưng chất lượng hoạt động vẫn còn thấp, số lượng nông hộ tham gia KTTT còn ít. Bộ máy quản lý điều hành hoạt động còn yếu, chưa đi vào nề nếp. Đa số các tổ chức KTTT hoạt động quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và chưa được hỗ trợ chính sách ưu đãi, chuyển giao khoa học công nghệ. Công tác tuyên truyền chưa duy trì thường xuyên, chưa sâu rộng đến các đối tượng nông dân, từ đó một số người dân ngại và chưa tự nguyện tham gia tổ chức KTTT. Một số HTX, THT hoạt động ở một số khâu đơn giản, số vốn điều lệ đóng góp còn thấp không đủ để thực hiện một số dịch vụ lớn, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, công tác quản lý tài chính còn lỏng lẻo, chưa phát huy hết tính dân chủ trong tổ chức và hoạt động. Các HTX, THT thiếu tính chủ động, gắn bó, liên kết với các ngành chức năng và các doanh nghiệp. Một số thành viên vẫn còn tư tưởng tham gia vào để được vay vốn và hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 

Nguyên nhân của tồn tại trên là do việc xây dựng, phát triển KTTT thiếu sự kiểm tra, uốn nắn, chỉ đạo kịp thời; UBND cấp xã chưa quyết liệt quan tâm chỉ đạo theo dõi hướng dẫn các HTX, THT; chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện tham gia mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới; một số cán bộ quản lý ở cơ sở còn lung túng chưa nắm chặt chẽ tình hình hoạt động của các HTX, THT ở địa bàn. Ban chỉ đạo của huyện và xã hoạt động chưa đồng bộ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được phát huy đúng mức, đúng trách nhiệm. Cán bộ HTX nhất là HTX nông nghiệp trình độ năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu hoạt động của HTX. Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 nên hoạt động và sản xuất của một số HTX, THT không có lợi nhuận hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

 

Để đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển KTTT trong năm 2022, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện đề ra một số nội dung như sau:

 

Tăng cường công tác tham mưu của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX cho Huyện ủy và UBND huyện về công tác chỉ đạo điều hòa phối hợp hoạt động giữa các ban ngành trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển KTTT, HTX đã được phê duyệt. Từng thành viên của Ban Chỉ đạo phải thực hiện nghiêm quy chế làm việc và chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công, tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm, khả năng của mình trong việc phối hợp chỉ đạo điều hành.

 

Thành lập mới 02 HTX và 02 THT chủ yếu là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ cho HTX, THT tham gia Chương trình OCOP để xây dựng nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức 02 lớp tập huấn tuyên truyền về các quy định nhà nước cho cán bộ quản lý chuyên môn và các HTX, THT.

 

Tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động các HTX, THT hiện có, tạo mọi điều kiện để các HTX, THT hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục phát triển KTTT với nhiều loại hình khác nhau, đa dạng về ngành nghề sản xuất trong nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ thương mại, tín dụng.

 

Đưa các chương trình hỗ trợ từ các mô hình của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y vào các tổ chức kinh tế hợp tác; hỗ trợ trực tiếp vốn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây con mới có chất lượng cao để tạo nên đột phá, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng lớn và trạm bơm điện cho các HTX và THT, đồng thời hướng dẫn hỗ trợ cách thực hiện sản xuất để các HTX, THT hoạt động đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

 

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về KTTT để việc vận động thành lập mới các HTX, THT đạt theo kế hoạch.

 

Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường theo dõi và rà soát lại các HTX, THT trên địa bàn mình về nội dung hoạt động, số lượng, chất lượng, để tiến hành củng cố và thành lập mới ở những nơi có điều kiện. Hỗ trợ các HTX, THT tổ chức sơ kết và tổng kết hoạt động KTTT để rút kinh nghiệm và đề ra phương án hoạt động trong thời gian tới. Cuối năm, thành lập Đoàn kiểm tra thành phần gồm các thành viên Ban Chỉ đạo huyện nhằm đánh giá phân loại các HTX và THT theo bộ tiêu chí đánh giá phân loại HTX, THT.

T.T