U Minh Thượng: Định hướng tạo ra sản phẩm từ dây chuối để phát triển làng nghề, nghề truyền thống
(15:45 | 22/11/2021)

Đã từ lâu, U Minh Thượng được biết đến như một “Vương quốc chuối” của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, người dân nơi đây chỉ khai thác trái chuối và bắp chuối, còn lại thân cây chuối thì chặt bỏ. Để tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi này nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng từ dây bẹ chuối. Chính quyền địa phương đã vận động xây dựng các mô hình kinh tế tập thể và định hướng phát triển thành làng nghề, nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân lao động tại chỗ. Đây được xem là một hướng đi sáng tạo và bền vững giúp cho cây chuối vùng U Minh Thượng ngày càng phát triển, nâng cao giá trị hơn nữa.

 

U Minh Thượng được biết đến như một “Vương quốc chuối” (Nguồn Internet)

 

Huyện U Minh Thượng là địa phương có diện tích trồng chuối xiêm lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Cây chuối được xem là cây trồng chủ lực ở nơi đây và được trồng nhiều nhất tại hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận, với tổng diện tích trên 3.500ha.

 

Trước đây, vùng đệm U Minh Thượng trồng lúa kém hiệu quả nên người dân chuyển sang trồng chuối cho lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần cây lúa, thu nhập ổn định, từ đó, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Trồng chuối không mất nhiều công chăm sóc, không cần nhiều phân bón, đem lại thu nhập quanh năm.

 

Sau nhiều năm “khởi nghiệp” với cây chuối, đến nay, diện tích chuối của bà con xã An Minh Bắc chẳng những ổn định mà còn từng bước cải thiện tình trạng nhiễm phèn nặng của đất. Nhờ đó, bà con có thể trồng xen canh, đa dạng hóa các loại cây ăn trái khác.

 

 Description: Từ đầu tháng 8 cho đến nay, các hộ dân ở huyện U Minh Thượng vô cùng vui mừng vì chuối trái bất ngờ hút hàng, có giá. Tuy nhiên, nỗi lo về giá bấp bênh lên xuống, đầu ra không ổn định vẫn khiến cho địa phương nơm nớp lo dù giá chuối xiêm đang tăng cao.

Trồng chuối cho lợi nhuận cao, nhiều hộ thoát nghèo bền vững (Nguồn Internet)

 

Hiện tại, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá chuối giảm nhưng các hộ dân vẫn duy trì diện tích trồng chuối xiêm nhất định. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp cơ quan chức năng xây dựng được nhãn hiệu tập thể giúp chuối xiêm U Minh Thượng được mở rộng thị trường, đầu ra ổn định góp phần phát triển kinh tế của người dân.

 

Có thể nói cây chuối xiêm đã gắn liền với người dân U Minh Thượng nhiều thập kỷ qua. Cũng có thời điểm giá chuối trái tăng, nhất là những lúc cận Tết, được thương lái thu mua tận vườn với giá từ 10.000-12.000 đồng/nải, nhiều hộ dân thu hàng trăm triệu mỗi đợt.

 

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ định hướng cho nông dân tiếp tục giữ vững diện tích trồng chuối, nuôi cá nước ngọt, trồng màu, cây ăn trái xen canh chuối.

 

Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân khai thác tiềm năng sẵn có để đa dạng sản phẩm từ chuối, như rượu chuối, chuối khô, chuối ngào đường, dưa chuối… để phục vụ du khách, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.


Với những lợi thế nêu trên và tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi từ cây chuối Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng vận động người dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể với mục đích phát triển làng nghề, nghề truyền thống tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ dây bẹ chuối. Lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm thước đo, phát triển mạnh ngành nghề tiềm năng; duy trì, tăng số hộ, số lao động trên cơ sở đó tăng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

 

Tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi từ cây chuối tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Nguồn Internet)

 

Phát triển ngành nghề này nhằm tạo thêm công việc mới, góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp trầm trọng ở nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống…

 

Đi đôi với nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế của các làng nghề, nghề truyền thống là quá trình không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động thông qua công tác đào tạo kỹ thuật, tay nghề cho người lao động, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm quản lý kinh tế, kiến thức thị trường cho đội ngũ những người quản lý. Chú trọng nâng cao trình độ dân trí văn hoá cho lao động và dân cư đặc biệt là lớp trẻ, của các hộ gia đình. Đó là lực lượng nòng cốt để duy trì và phát triển các ngành nghề trong tương lai. Phát triển các làng nghề, nghề truyền thống đi đôi với xây dựng và phát triển nông thôn mới, giữ gìn các thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Xây dựng phát triển các làng nghề truyền thồng, làng nghề mớỉ nông thôn chẳng những góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mà vấn đề quan trong hơn là làm thay đổi nếp nghĩ, cách nhìn của giai cấp nông dân trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. 

T.T