Hội Nông dân huyện Châu Thành: Xây dựng THT, HTX gắn với phát triển phong trào hội
(15:29 | 18/05/2021)

Trong những năm qua, Hội nông dân huyện Châu Thành luôn lấy mục tiêu xây dựng tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) gắn với phát triển phong trào Hội. Thông qua việc vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể trên để thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp nhằm định hướng phát triển bền vững.

 

Đa số thành viên HTX là hội viên nông dân

 

Huyện Châu Thành có vị trí giáp thành phố Rạch giá và các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, An Biên, Gò Quao. Dân số toàn huyện là 156.610 người, gồm các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… Trong đó, người Kinh chiếm tỷ lệ 61,86%, Khmer chiếm tỷ lệ 30,66%, Hoa chiếm tỷ lệ 7,08%, dân tộc khác chiếm tỷ lệ 0,39% và là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích tự nhiên là 25.857,24 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 19.809 ha; có 2 khu công nghiệp lớn là Cảng cá Tắc Cậu và khu công nghiệp Thạnh Lộc đang hoạt động cùng một số cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khác…. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản - hải sản…

 

Toàn huyện tổng số có 21 HTX với 1.966 thành viên, tổng vốn điều lệ 2 tỷ 715 triệu đồng, trong đó 02 HTX do Hội Nông dân vận động hướng dẫn thành lập. Có 143 THT với diện tích 12.451ha, trong đó Hội Nông dân hướng dẫn thành lập 03 THT, số hộ hội viên nông dân tham gia tỷ lệ là 100% so với hộ nông nghiệp. Lãnh đạo HTX đa số có trình độ từ cấp ba trở lên và có 42 cán bộ là đảng viên.

 

Thực hiện Kế hoạch số 69-HNDT, ngày 29/8/2011 của Hội Nông dân tỉnh về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch số 92-HNDT, 13/9/2016 của Hội Nông dân tỉnh về việc thực hiện Đề án “Thí điểm, hoàn thiện nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long”;  Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW ngày 27/7/2020  Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khoá VII) v “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025”; Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 29/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phát triển kinh tế tập thể tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 – 2025.  Hội Nông dân huyện Châu Thành chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thề từ huyện đến cơ sở tuyên truyền được 240 cuộc, có 14.029 lượt người tham dự. Phối hợp Phòng Nông nghiệp tập huấn được 4 cuộc, có trên 120 lượt người dự, nội dung tập huấn chuyển đổi luật HTX năm 2012 và các nội dung quy định trong Luật HTX. Qua công tác tuyên truyền và tập huấn cho thấy nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân có nâng lên. Mô hình HTX, THT được tập trung và chủ động hơn trong việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, áp dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế ngày càng nâng lên rõ rệt.

 

Để THT, HTX hoạt động nề nếp, qua đó phát triển có hiệu quả phong trào Hội từ mô hình này, Hội Nông dân Nông dân huyện và cơ sở định hướng các Chi hội, Tổ hội nông dân trong HTX, THT 3 tháng họp 01 lần. HTX, THT họp đều mời Hội Nông dân cấp trên tham dự, để nắm tình hình, tư vấn, hỗ trợ. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập tổ chức 11 lớp huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề cho hội viên có 350 người tham dự. Quỹ hỗ trợ nông dân xét cho 15 thành viên của 02 HTX vay vốn với số tiền 285 triệu đồng và 6 thành viên của 03 THT số tiền 173 triệu đồng. Có thể thấy, việc hình thành và sinh hoạt các Chi, Tổ Hội nông dân trong HTX, THT đã giúp việc quản lý công tác Hội được dễ dàng hơn, mô hình phát triển bền vững hơn.

 

Hội Nông dân tỉnh làm việc với Hội Nông dân huyện nắm tình hình hoạt động về THT, HTX do Hội vận động thành lập

 

Để có những kết quả trên, bước đầu cho thấy công tác tuyên truyền vận động của Hội đã đi vào chiều sâu; phương án sản xuất kinh doanh được Hội hỗ trợ xây dựng có tính khả thi, phù hợp với nhu cầu của hội viên. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Liên minh HTX tỉnh với ban, ngành huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ hơn. Việc hỗ trợ cho các THT, HTX được thực hiện tốt hơn qua việc đầu tư hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới… từ đó mang lại kết quả tích cực đối với việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của huyện nói chung và giúp Hội Nông dân phát triển phong trào Hội nói riêng.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nhất định đó là: Trình độ quản lý điều hành sản xuất của Ban Giám đốc HTX, Ban quản lý THT chưa thật sự hiệu quả, chưa năng động linh hoạt trong tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Phần lớn các THT, HTX thực hiện được ít khâu dịch vụ so với định hướng ban đầu, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Công tác thu chi tài chính có lúc chưa công khai, rõ ràng dẫn đến mất niềm tin của trong thành viên. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tăng cường vận động phát triển THT, HTX gắn với phát triển các chi tổ, hội nông đân ở cơ sở. Phối hợp các ngành chức năng mở lớp đào tạo nghiệp vụ quản lý HTX, THT gắn với bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

 

T.T