Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các hộ trồng hồ tiêu ở Giồng Riềng đã và đang từng bước áp dụng quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Giá trị của sản xuất sạch
HTX Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú, xã Ngọc Hòa đang là một trong những điển hình phát triển sản xuất hồ tiêu hữu cơ, mang lại lợi ích vượt trội về kinh tế, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Sản xuất sạch giúp hồ tiêu có giá trị cao hơn (Ảnh TL).
Được thành lập năm 2015, với 72 thành viên, đến nay HTX đã có trên 52 ha trồng tiêu sạch, trong đó có hơn 20 ha áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, VietGAP (đã được công nhận), thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thép, thành viên HTX, cho biết năm 2015, gia đình ông quyết định chuyển đổi hơn 1,4 ha trồng dưa sang trồng hồ tiêu sạch.
Được sự hỗ trợ của HTX, ông Thép áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, với những điều kiện khắt khe khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Theo đó, hóa chất độc hại được loại bỏ, các hoạt chất vi sinh được ưu tiên.
Ngoài sử dụng phân hữu cơ theo quy định, ông Thép còn đầu tư hệ thống tưới phun tự động, giúp giảm chi phí đầu tư, đồng thời góp phần tiết kiệm nước, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
“Nhờ sản xuất khoa học, thân thiện môi trường, sản phẩm hồ tiêu của gia đình tôi phát triển ổn định, luôn đạt chất lượng, năng suất ổn định 2,8 – 3,3 tấn/ha/năm, đầu ra cũng luôn được đảm bảo”, ông Thép phấn khởi nói.
Cũng đang có được nhiều thành công với hơn 1 ha trồng tiêu sạch, ông Nguyễn Quang Thông cho biết trồng tiêu VietGAP giúp giảm chi phí đầu vào hơn 40%, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ không còn.
“Năm 2020, giá bán tiêu bấp bênh, nhiều thời điểm chỉ còn hơn 60.000 đồng/kg, song nhờ sản xuất sạch, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, lại được hỗ trợ bao tiêu nên tôi vẫn thu về gần 100 triệu đồng lợi nhuận”, ông Thông chia sẻ.
Xúc tiến nhân rộng
Thực tế, để có được những thành công tích cực như hiện tại, ngành nông nghiệp huyện Giồng Riềng đã chủ động xúc tiến cho các hộ trồng hồ tiêu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Mô hình trồng tiêu theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhân rộng (Ảnh TL).
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Giồg Riềng, từ tiêu chuẩn VietGAP lên tiêu chuẩn GlobalGAP giá trị thương phẩm của hồ tiêu tăng khoảng 20 - 30%, qua đó lợi nhuận của người trồng tiêu cũng được đảm bảo.
Bên cạnh giá trị kinh tế, việc được cấp các chứng nhận sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao còn giúp thay đổi tư duy canh tác của người dân trên địa bàn huyện theo hướng hiện đại. Ngoài ra, các biện pháp canh tác bền vững theo hướng an toàn sinh thái được áp dụng cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Giồng Riềng dự kiến tiếp tục mở rộng vùng sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến dần lên GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Cùng với hoàn thiện sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, huyện cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động kết nối thị trường, nâng cao vai trò của HTX, tổ hợp tác trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hồ tiêu Giồng Riềng, từ đó chinh phục những thị trường khó tính, hướng đến xuất khẩu.
https://vnbusiness.vn/kinh-doanh-xanh/giong-rieng-nang-cao-gia-tri-ho-tieu-bang-san-xuat-sach-1077080.html