Để nâng cao chất lượng, giá trị, mở rộng thị trường cho nông sản, các cấp, ngành từ huyện đến xã, ấp của huyện Hòn Đất đã phối hợp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất theo các mô hình liên kết, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất độc hại, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh như cây lúa, cây ăn quả, khoai lang…
Hướng đi hiệu quả, thiết thực
Đặc biệt, việc chủ động hình thành liên kết, phát triển theo chuỗi giá trị đang giúp nhiều mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòn Đất có bước tiến mạnh, mang lại lợi ích cao về kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Khoai lang của HTX Mỹ Thái đang cho hiệu quả cao nhờ sản xuất sạch (Ảnh TL).
Điển hình, HTX khoai lang Mỹ Thái, xã Mỹ Thái đang có được những thành công ấn tượng nhờ phương thức sản xuất sạch, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của các cấp, ban, ngành địa phương, HTX khoai lang Mỹ Thái ra đời với 14 thành viên và gần 200 ha đất canh tác.
Để khắc phục tình trạng bị thương lái ép giá, các thành viên HTX đã thay phiên nhau luân canh khoai - lúa, giúp giá khoai luôn cao và ổn định.
Đáng chú ý, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các thành viên HTX cũng được hướng dẫn sử dụng thiên địch để loại bỏ các loại vi sinh vật gây hại, cách ủ hoai, xử lý vi sinh các loại phân chuồng để bón cây, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạn chế chất thải chăn nuôi thải ra môi trường.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX khoai lang Mỹ Thái không chỉ trở thành điểm tựa làm giàu cho các hộ thành viên, mà còn giải quyết việc làm cho số lượng khá lớn lao động tại địa phương. Cụ thể, mỗi khi vào vụ thu hoạch, HTX thu hút từ 500 - 1.000 người lao động trong và ngoài xã với tiền công từ 150.000 – 250.000 đồng/ngày.
Đẩy mạnh hỗ trợ
Thực tế, để có được những thành công tích cực hiện tại, trong những năm qua huyện Hòn Đất đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân trong sản xuất.
Huyện sẽ tăng cường vai trò của các HTX, doanh nghiệp trong việc xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp (Ảnh TL).
Điển hình, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường chuyển giao khoa học – kỹ thuật, khuyến khích người dân chuyển đổi từ mô hình lúa 3 vụ sang sản xuất theo mô hình 2 lúa – 1 màu, lúa – cá, tôm – lúa, để vừa cải tạo đất, vừa đa dạng các mô hình canh tác, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú theo nhu cầu của thị trường.
Huyện cũng chú trọng phát triển HTX, tổ hợp tác sản xuất với quy mô, diện tích lớn, có sự tham gia đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh HTX Mỹ Thái đã kể trên, huyện còn có hàng loạt điển hình kinh tế hợp tác khác như HTX dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm, THT nuôi bò vỗ béo xã Mỹ Thái…
Đại diện UBND huyện cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục thường xuyên theo dõi, hỗ trợ và hướng dẫn các HTX trong việc xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh và hạch toán tài chính,… Đồng thời, chủ động hướng dẫn và hỗ trợ các xã, thị trấn về trình tự, thủ tục để thành lập và phát triển mới các HTX theo quy định.
Bên cạnh phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, huyện sẽ tăng cường công tác dự báo thời tiết, sâu bệnh, xâm nhập mặn, thị trường… để kịp thời thông báo, hướng dẫn và hỗ trợ người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh hiệu quả.
Huyện cũng chủ động thu hút các doanh nghiệp vào hỗ trợ người dân sản xuất theo nhu cầu (doanh nghiệp cần gạo, người dân cần giống), mua vật tư đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, chuyển giao kỹ thuật, tạm ứng vốn đầu vụ… qua đó hình thành chuỗi liên kết phát triển bền vững.