Bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp, với thế mạnh là độc canh cây lúa, hiện nay xã Định Hòa cũng có những cơ sở sản xuất kinh doanh góp phần thu nhập của địa phương, trong đó có nghề truyền thống lâu đời đó là nghề truyền thống nấu Rượu nếp đường xuồng, là đặc sản của huyện Gò Quao và Giồng Riềng. Đây là một trong những thương hiệu rượu được người sử dụng đánh giá cao, được quảng bá rộng rãi trên thị trường. Thấy được sự phát triển mạnh của ngành sản xuất rượu, thời gian qua lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh đã cùng huyện Gò Quao và các phòng, ban, Tổ hợp tác, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đã hết sức quan tâm, tập trung hỗ trợ quy trình sản xuất bài men rượu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để chiết tách độc tố trong rượu, tạo ra dòng rượu sạch, chất lượng, đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời nâng tầm thương hiệu rượu nếp Đường Xuồng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Qua đó giới thiệu về vùng đất, con người của huyện Gò Quao nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung đến với bạn bè gần xa, trong và ngoài tỉnh. Với những lý do trên, Hợp tác xã rượu Đường Xuồng có những cải tiến về công nghệ, đa dạng về mẫu mã và chất lượng, đã được Sở Công thương cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm xác nhận phù hợp quy định về an toàn thực phâm cho sản xuất rượu; cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền nhãn hiệu; Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận mã số, mã vạch. Nói chung, rượu đường xuồng đã được cơ quan chức năng cấp đầy đủ các chứng nhận cơ sở sản xuất đúng quy định của nhà nước. Hiện sản phẩm rượu đường xuồng là một trong những thương hiệu rượu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Rượu Đường Xuồng đã được trưng bày, tiêu thụ tại siêu thị
Ông Nguyễn Văn Kim, hiện đang sinh sống tại ấp Hòa Xuân, xã Định Hòa, ông là một trong những hộ nấu rượu lâu đời và nấu với số lượng nhiều của ấp Hòa Xuân. Ông là đời thứ 3 được truyền bí quyết nấu rượu truyền thống. Khi ông Kim được 10 tuổi đã được tiếp xúc và tham gia vào công việc làm men, tính đến nay nghề nấu rượu truyền thống của gia đình ông Kim cũng đã trên 60 năm.
Nhớ lại nghề này ở đường xuồng là một trong những làng rượu nổi tiếng từ lâu. Dưới thời pháp thuộc, (sau cách mạng tháng Tám năm 1945), ngày xưa hầu như nhà nào cũng có kháp rượu, nghe ông bà xưa kể rằng cũng có lúc nghề này bị cấm. Vì vậy, nghề nấu rượu này đôi lúc không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và vì muốn dùng thứ rượu dân tộc có nồng độ cao, cay và thơm hơn, người ta vẫn lén lút nấu rượu bằng gạo nếp rồi đem giấu trong những lùm tranh, lùm đế ở xa nhà, hoặc nghe động thì bê tất cả nồi rượu, bình rượu chạy vội giấu với đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế, một loại cây giống cỏ năng, cỏ lác, cỏ tranh hay lau sậy mọc cao vút đầu, tên gọi rượu đế trong Nam xuất xứ từ đó.
Cũng may người dân Đường Xuồng tâm huyết muốn giữ bí quyết của tổ tiên nên công thức mới không bị thất truyền. Từ cách chọn và ủ gạo nếp, chọn công thức làm men, đến việc trưng cất đều là một quá trình đòi hỏi sự tỷ mỹ, công phu, chặt chẽ. Muốn làm được men chuẩn thì trước mắt ta phải chọn gạo nếp, phải là nếp cũ thì men mới dẽo, đẹp; men rượu được chế từ nhiều loại dược thảo. Những công thức này cùng với kỹ thuật ủ men nhiều khi không truyền cho người ngoài nhằm giữ bí quyết và chất lượng rượu. Hiện nay ở xã Định Hòa chỉ có khoảng 50 hộ giữ được nghề nấu rượu truyền thống. Một số người không chú ý đến chất lượng men và quy trình làm ra men rượu, đồng thời chưng cất nhanh, quy mô lớn dẫn đến rượu không ngon, không giữ được vị đặc trưng của rượu đường xuồng truyền thống. Tuy nhiên, các hộ nấu rượu ở ấp Hòa Xuân vẫn trân trọng, lưu giữ phương thức nấu rượu truyền thống, để đảm bảo chất lượng, hương vị rượu mà ông cha đã truyền lại cho con cháu đời sau.
Nhằm duy trì và phát triển nghề sản xuất rượu đường xuồng truyền thống, đưa sản phẩm rượu Đường Xuồng trở thành sản phẩm thương hiệu của huyện Gò Quao, hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Thương mại rượu đường xuồng với phương thức sản xuất kết hợp với nấu rượu thủ công truyền thống, nay đổi mới thiết bị. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng rượu trên thị trường cũng như hiện đại hóa của máy móc, các cơ sở nấu rượu đã thay thế nồi nấu rượu bằng củi sang nồi nấu rượu bằng điện, phương pháp này giúp nâng cao năng suất, thu được nhiều rượu hơn từ cùng một lượng gạo. Hơn thế nữa, nồi nấu rượu tự động chỉ cần 01 người vận hành, cắt giảm công nhân đáng kể. Nhờ sử dụng nồi nấu rượu bằng điện, chi phí sản xuất rượu giảm đi rất nhiều so với cách nấu rượu truyền thống, cũng từ đó mà lợi nhuận tăng cao hơn, áp dụng công nghệ tinh chế rượu nhằm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất; từng bước tăng sản lượng và nâng dần giá bán sản phẩm, nâng cao mức sống của người dân nơi đây, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Chiến lược phát triển của hợp tác xã là đa dạng hóa, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và hợp tác cùng phát triển với mọi cá nhân, tổ chức, các loại hình doanh nghiệp khác nhằm thu hút đông đảo các hộ làng nghề tham gia, hướng tới mục tiêu chung của các thành viên là “khởi nghiệp-đoàn kết-phát triển”
Trước kia nghề nấu rượu chỉ sản xuất một sản phẩm nhất định đủ để phục vụ tại địa phương, nay nhu cầu thị trường càng cao, nhằm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, các hộ nấu rượu nếp đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm, nồng độ khác nhau, phong phú hơn nhằm đưa sản phẩm của nghề nấu rượu nếp Đường Xuồng vươn xa hơn nữa trên thị trường./.