Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Kiên Giang sau 5 năm cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh
(15:59 | 08/09/2020)

Chào mừng đại hội Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

 

Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã (HTX) do người dân tự nguyện góp vốn, cùng sản xuất kinh doanh, tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng, cùng có lợi. Những năm qua, KTTT, HTX của tỉnh Kiên Giang có những đổi mới quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho thành viên, người lao động, nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn và người dân mà còn mang tính chính trị, xã hội, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới đồng hành, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, trong đó có vai trò quan trọng của KTTT, HTX. Qua 5 năm cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, KTTT, HTX đã khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Sau 5 năm cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, KTTT, HTX không ngừng phát triển, số lượng HTX từ 262 HTX cuối năm 2015 đã tăng lên 462 HTX năm 2020, trong đó có 410 HTX nông nghiệp, chiếm 88,7% trên tổng số HTX; 05 HTX thương mại dịch vụ; 14 HTX giao thông vận tải; 03 HTX xây dựng; 08 HTX tiểu thủ công nghiệp và 22 quỹ tín dụng nhân dân. Cùng với đó đã thu hút 52.891 hộ vào HTX, chiếm 15,56% số hộ của tỉnh; với số vốn góp gần 300 tỷ đồng và đưa 59.517 ha vào làm ăn tập thể, chiếm 12,86% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh; tạo việc làm cho 8.947 lao động theo thời vụ. Trong đó có không ít HTX do người dân tự thành lập khi thấy được lợi ích thiết thực của mô hình HTX kiểu mới mang lại.

Biểu đồ tình hình phát triển HTX qua 5 năm

Đối với tổ hợp tác (THT), tỉnh có 2.728 tổ, tăng 14,54% so với cuối năm 2015. Riêng thành lập mới 605 tổ và trên 500 tổ hợp nhất thành THT lớn và nâng qui mô thành HTX; thu hút 46.541 hộ vào THT, chiếm 13,69% số hộ của tỉnh; số vốn góp gần 20 tỷ đồng và 71.923 ha canh tác, chiếm 15,53% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh; tạo việc làm cho 7.237 lao động theo thời vụ. Các THT phi nông nghiệp hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho tổ viên; THT nông nghiệp hỗ trợ trong sản xuất về thủy lợi, cây, con giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật làm giảm chi phí từ 500.000 đồng đến 900.000 đồng/ha/vụ, đây là tiền đề tốt để các THT dần phát triển lên thành HTX.

Biểu đồ tình hình phát triển THT qua 5 năm

Đối với các HTX phi nông nghiệp sau chuyển đổi và thành lập mới đã tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả: Lĩnh vực giao thông vận tải đang phát triển khá nhanh về quy mô phương tiện và số lượng thành viên, chất lượng hoạt động được nâng lên; lĩnh vực xây dựng hỗ trợ tạo việc làm; lĩnh vực thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp đã hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, một số HTX có cách làm hay, khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, phát huy nghề truyền thống sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đan đệm bàng, lục bình, mây tre, sản xuất chế biến các loại đặc sản truyền thống của địa phương.., góp phần khôi phục và hình thành các làng nghề của tỉnh. Từ đó hiệu quả hoạt động của HTX đều tăng so với cuối năm 2015: Doanh thu bình quân đạt 3 tỷ 409 triệu đồng/HTX, tăng 2,9 lần; thu nhập bình quân của thành viên đạt 53,1 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,5 lần và cao hơn thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; thu nhập bình quân của lao động đạt 42,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần.

 

HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 88,7% trên tổng số HTX, đã phát triển rộng khắp trong tỉnh. Nhất là từ khi có Luật HTX năm 2012, việc xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển sản phẩm bền vững, đã hỗ trợ HTX hoạt động đúng bản chất, giá trị của HTX kiểu mới, giúp tăng cường năng lực, hoạt động hỗ trợ có hiệu quả các dịch vụ đầu vào, đầu ra làm cho thành viên có nhiều lợi ích hơn. Nếu như cuối năm 2015, các HTX chỉ thực hiện được khâu bơm tưới, thì nay khi thực hiện xây dựng HTX kiểu mới, toàn tỉnh có 264 HTX, chiếm 64,4%, với quy mô diện tích 44.931 ha thực hiện được chuỗi giá trị, có khả năng sản xuất sản lượng đủ lớn, đồng nhất, chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhiều HTX định hướng phát triển cho thành viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đảm nhiệm tốt các khâu dịch vụ cung ứng đầu vào: lúa giống, thủy lợi, làm đất, vật tư nông nghiệp, thu hoạch và đầu ra hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đã giúp thành viên giảm chi phí tăng thu nhập từ 700.000 đồng đến 2.500.000 đồng/ha/vụ, từ đó đã củng cố lòng tin của người dân khi tham gia HTX và bước đầu xác lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến, xuất khẩu. Một số HTX đã có sáng tạo trong thực hiện chuỗi giá trị như thuê chung – mua chung – bán chung thông qua hình thức đấu thầu để thành viên có nhiều lợi ích hơn, mô hình này Liên minh HTX tỉnh đang nhân rộng trong toàn tỉnh. Đáng chú ý có 03 doanh nghiệp tham gia làm thành viên và làm phó giám đốc phụ trách kinh doanh của 09 HTX, mô hình này đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp.

HTX nông nghiệp Tân Hưng, một trong những HTX thành công với hoạt động mua chung bán chung

KTTT, HTX luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và khuyến khích phát triển, trong đó đặc biệt là HTX, coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành các chính sách phù hợp phát triển KTTT, HTX của tỉnh. Đặc biệt là Chương trình số 23-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 87/KH-UBND của UBND tỉnh về việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020, bằng chính sách hỗ trợ điện phục vụ nông nghiệp đã khuyến khích người dân tham gia và thành lập mới HTX nông nghiệp rộng khắp trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi năm phát triển 45,4 HTX, tăng 81,6% số HTX so với thời điểm chưa có chính sách hỗ trợ điện phục vụ nông nghiệp.

Công tác triển khai cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND về phát triển KTTT, HTX thời gian qua tương đối đồng bộ; nhận thức của các ngành, các cấp về KTTT, HTX được nâng lên. Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX đã tích cực chủ động, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các giải pháp phát triển KTTT, HTX; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ cho HTX. Các huyện, thành phố quan tâm đến công tác phát triển KTTT, HTX; tích cực thực hiện cụ thể hóa chính sách bằng sự quan tâm ưu tiên lồng ghép các chương trình, mục tiêu để khuyến khích người dân tham gia vào HTX.

Sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp đáng kể của khu vực KTTT, HTX, hàng năm bình quân đóng góp khoảng gần 2% vào GRDP của tỉnh. Làm nòng cốt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; trong 19 tiêu chí, HTX đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp 9 tiêu chí, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; với các loại hình dịch vụ đa dạng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy vai trò tập hợp, vận động, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an ninh, chính trị ở địa phương.

Hoạt động xúc tiến thương mại giúp HTX tiến cận các thị trường tiềm năng

Tuy KTTT, HTX đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn như: các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc do thiếu nguồn lực thực hiện, hoặc do nguồn lực phân tán ở nhiều kênh, hoặc không thể thực hiện được do vướng mắc về các thủ tục, quy định; mặt khác các chính sách đã có nhưng tính khả thi không cao hoặc việc ban hành chính sách hỗ trợ chưa kịp thời, hoặc chưa hỗ trợ thiết thực cho KTTT, HTX. Một số địa phương chưa coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX; chưa thấy rõ vai trò và sự đóng góp của KTTT, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội, nên mức độ quan tâm, hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở chủ trương. Một số HTX hoạt động còn đơn điệu, năng lực nội tại còn yếu và thiếu chiến lược trong sản xuất, kinh doanh; mối liên kết giữa HTX với nhau và giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế; quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu vốn nghiêm trọng, các dịch vụ hỗ trợ chưa đa dạng, phong phú; chất lượng sản phẩm, dịch vụ kém sức cạnh tranh; cán bộ quản lý, nhất là lĩnh vực nông nghiệp hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Để phát triển KTTT, HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị, mà nòng cốt là HTX, trong thời gian tới cần có các giải pháp thiết thực hỗ trợ để KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững:

Một là, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ KTTT, HTX theo hướng rà soát chính sách hiện đang được ban hành phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, còn thiếu tính khả thi để sửa đổi, bổ sung, đồng bộ hóa và cụ thể hóa trong Luật HTX, nhằm cải thiện hiệu lực của Luật và các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX khi sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012.

Hai là, Liên minh HTX tỉnh cùng với các sở, ngành liên quan chủ động triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 215-KH/TU ngày 03/7/2020 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 215-KH/TU ngày 03/7/2020 của Tỉnh ủy và các quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh về phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh.

Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quán triệt để thống nhất nhận thức về bản chất, nguyên tắc, pháp luật, vị trí, vai trò KTTT, HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, phát triển KTTT, HTX từ tỉnh đến huyện, thành phố và cơ sở. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX; tăng cường giám sát thực thi pháp luật về HTX. Tăng cường trách nhiệm và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tăng cường và phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh trong việc phát triển KTTT, HTX.

Ba là, sớm tổ chức thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vai trò và các mô hình KTTT, HTX hoạt động có hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho các tầng lớn nhân dân, thành viên hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, nguyên tắc và pháp luật về HTX, cơ chế quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của HTX.

Năm là, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của HTX; thực hiện tốt công tác tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ HTX./.

Nguyễn Văn Thế