Triển vọng từ nghề nuôi cá trên biển theo công nghệ Na Uy
(09:48 | 19/09/2019)

Là doanh nghiệp đầu tiên thử nghiệm nuôi cá lồng bè trên biển bằng công nghệ Na Uy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Trấn Phú (Công ty Trấn Phú) đang mở ra hướng phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển quy mô lớn cho ngư dân Kiên Giang

Ông Thái Tổ Trấn - Giám đốc Công ty Trấn Phú cho biết, hiện công ty đang đầu tư nuôi 300 ngàn con giống cá chim trắng vây vàng và cá hồng Mỹ với 4 lồng cá thương phẩm tại vùng biển thuộc ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh (Phú Quốc). Ông Trấn cho biết: “Cá chim trắng vây vàng đạt trọng lượng trung bình 600 gram/con, sản lượng từ 25 - 30 tấn/lồng, sau thời gian 6 - 8 tháng nuôi; còn cá hồng Mỹ đạt 1,1 - 1,2 kg/con, sản lượng 30 - 35 tấn/lồng, thời gian nuôi từ 8 - 9 tháng. Do đây mới là lứa nuôi đầu tiên nên chỉ tiêu thụ nội địa. Giá cá chim trắng vây vàng bán sỉ 120.000-130.000 đồng/kg, cá hồng Mỹ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Bình quân công ty cung ứng cho thị trường 350 tấn cá thương phẩm/năm”.

Theo ông Trấn, với 30ha mặt nước biển được tỉnh cấp, giai đoạn 1, công ty triển khai 3ha. Toàn bộ lồng nuôi được nhập khẩu từ Na Uy, kinh phí đầu tư 750 triệu đồng/lồng, thích hợp cho mô hình nuôi cá ngoài khơi xa, tránh được rủi ro do các nguồn ô nhiễm gần bờ. Mỗi lồng có chu vi 75m, có thể chịu được bão cấp 10. Ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ Na Uy là được sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE có độ kín nước, kín hơi cao và có tuổi thọ lớn khi sử dụng. Ngoài ra, lồng này có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét. Theo ông Trấn, toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ của Na Uy có tác dụng cố định và giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, khi gặp sóng to toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập, sau đó hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước của sóng biển.

Ảnh: Mô hình nuôi cá trên biển bằng công nghệ Na Uy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Trấn Phú

Quy trình nuôi cá của Công ty Trấn Phú được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thức ăn cho cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, đồng thời lượng thức ăn cho từng lồng được tính toán điều chỉnh 2 tuần/lần. Ngoài ra, mỗi tháng công nhân phải thu mẫu kiểm tra trọng lượng thân cá một lần để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Hiện trang trại chỉ có 12 công nhân làm việc chủ yếu bảo vệ tài sản và cho cá ăn. Dự kiến sắp tới công ty sẽ mở rộng quy mô lắp đặt và vận hành thêm 4 lồng nhựa tròn HDPE để nuôi cá, nâng sản lượng thu hoạch lên 500 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo ông Trấn, yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công trong nuôi cá trên biển là con giống. Ông Trấn nói: “Ở Việt Nam chưa có trung tâm hay trại giống điều tiết cho đàn cá bố mẹ ương trứng. Nếu được tỉnh đồng ý, đầu năm 2020, công ty sẽ phối hợp các chuyên gia Na Uy triển khai quy trình sản xuất con giống trong hệ thống tuần hoàn nước để tạo môi trường cho một số loại cá đang được thị trường thế giới ưa chuộng như cá chim trắng vây vàng, cá mú trân châu, cá mú sao bố mẹ sinh sản”. 

 

Nguyễn Chương (theo hoinongdankiengiang.org.vn)