Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được các ngành, các cấp biểu dương, khen thưởng. Tuy nhiên, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến thời gian qua còn hạn chế, thể hiện: Chưa có sự quan tâm đúng mức từ cơ sở trong việc phát hiện các nhân tố tích cực trong phong trào thi đua để có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện để nhân tố tích cực trở thành điển hình tiên tiến của cơ quan, địa phương, đơn vị; còn tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự hình thành nhân tố điển hình khi kết thúc phong trào thi đua, chính vì vậy chất lượng bình chọn, đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua chưa nâng lên chưa nhiều, tỷ lệ khen cá nhân không phải là lãnh đạo, quản lý có xu hướng giảm, nhất là khen thưởng từ cấp tỉnh trở lên, qua thống kê công tác xét khen thưởng năm 2013 cho thấy: Khen cấp Nhà nước, cá nhân không phải là lãnh đạo chiếm 10,1%, giảm 9,13% so năm trước (19,23%); Khen cấp tỉnh, cá nhân không phải là lãnh đạo chiếm 53,85%, so năm trước giảm 6,08% (59,93%); Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, trong đó cá nhân không phải là lãnh đạo chiếm 38,53%, so năm trước giảm 7,62% (46,15%). Công tác tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến của các tập thể và cá nhân còn hạn chế, mặc dù số lượng khen thưởng các năm gần đây có giảm do tiêu chuẩn khen thưởng ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn, chất lượng khen thưởng được nâng lên, tuy nhiên việc tổ chức tổng kết, biểu dương, giao lưu gặp gỡ các điển hình tiên tiến tại cơ quan, địa phương, đơn vị chưa được quan tâm, một số nơi làm hình thức, qua loa nên không có tác dụng nêu gương, tạo sự lan tỏa. Qua việc tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2013) cho thấy, ở cấp tỉnh tổ chức được 2 cuộc họp mặt biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Hội nghị biểu dương điển hình lao động sáng tạo 5 năm 2008 – 2013; 3 ngành cấp tỉnh, 3/20 khối thi đua cấp tỉnh, 2/3 cụm thi đua cấp huyện tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh đã có cố gắng trong công tác tuyên truyền phổ biến các điển hình tiên tiến, năm 2013 như: Báo Kiên Giang thực hiện được 24 chuyên mục “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (mỗi tháng 2 chuyên mục); Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang được 07 kỳ (có 03 cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp trên truyền hình) với chủ đề “Hoa đẹp cuộc sống” và 01 phóng sự nhân kỷ niệm Ngày truyền thống thi đua yêu nước 11/6, ngoài ra, Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và Sở Nội vụ chuyển tải được 30 tin, bài phản ánh về các phong trào thi đua và gương người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực; tuy nhiên việc tuyên truyền, phổ biến điển hình tiên tiến như trên chưa đáp ứng yêu cầu.
Năm 2014, năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, năm đầu thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, bổ sung, đồng thời là năm chuẩn bị Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vào năm 2015. Việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2014 mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra phải đi đôi với việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến. Thiết nghĩ cần làm tốt một số việc sau từ cơ sở:
Thứ nhất, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua (gồm phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ hàng năm, phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề) theo 5 bước: Bước 1, xác định mục tiêu, phạm vi và đối tượng thi đua; Bước 2, xác định chỉ tiêu, khẩu hiệu và thời gian thi đua; Bước 3, biện pháp tổ chức phong trào thi đua; Bước 4, tổ chức chỉ đạo điểm (nếu có); Bước 5, sơ, tổng kết, khen thưởng.
Thứ hai, trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua cần chủ động phát hiện các nhân tố tích cực của tập thể, cá nhân (các dấu hiệu của nhân tố tích cực: Có ý tưởng, biện pháp, cách làm sáng tạo; năng động, tích cực đi đầu trong phong trào thi đua; làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả, ...) để có kế hoạch bồi dưỡng (hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để tập thể, cá nhân vươn lên), tổ chức trao đổi kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình, điển hình; chú trọng các nhân tố tích cực là người trực tiếp lao động, công tác, học tập trong đơn vị.
Thứ ba, tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào, đúc rút kinh nghiệm, biểu dương các điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân đi đôi với công tác thông tin, tuyên truyền.
Thứ tư, tổ chức nhân rộng điển hình tiên tiến bằng nhiều hình thức như: Giao lưu, gặp gỡ các điển hình tiên tiến; học tập gương điển hình tiên tiến; phổ biến nhân rộng cách làm của các mô hình, điển hình tiên tiến để các tập thể, cá nhân học tập, vận dụng.
Thứ năm, việc thực hiện 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến có mối quan hệ biện chứng và phải được thực hiện đồng bộ trong quá trình tổ chức phong trào thi đua và thực hiện công tác xét khen thưởng ngay từ cấp cơ sở./.
Hà Chiến