Ngày sau khi Luật hợp tác xã (HTX) năm 2012 có hiệu lực, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi, song có nhiều địa phương HTX nông nghiệp đã từng bước khẳng định tính ưu việt của mình. HTX không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho các thành viên mà còn thể hiện rõ vai trò là đòn bẩy thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chia sẻ về tính ưu việt của mô hình này, nhiều HTX cho biết: Khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX sẽ hoạt động tự chủ, hạch toán như một doanh nghiệp. Ở đó, lợi ích của thành viên như nhau, mọi quyết định, mọi thay đổi đều có sự bàn bạc, thông qua tất cả thanh viên…So với trước đây, phạm vi hoạt động của các HTX kiểu mới không bị bó hẹp mà hoạt động đa ngành, vừa làm dịch vụ, vừa kinh doanh, có khả năng mở rộng sản xuất và dịch chuyển cơ cấu kinh tế cũng như chủ động liên kết, vận hành theo cơ chế thị trường. Đặc biệt mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 đã giải quyết được những khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, đầu tư máy móc, giảm chi phí sản xuất, tập trung được lượng hàng hóa lớn và có điều kiện xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giải quyết được bài toán tìm đầu ra sau thu hoạch, từ đó mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên.
HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã giải quyết được những khó khăn trong việc
tiếp cận tín dụng, đầu tư máy móc, giảm chi phí sản xuất,
HTX nông nghiệp Thạnh Hòa; HTX nông nghiệp Tân Hưng, huyện Châu Thành là một minh chứng điển hình cho hiệu quả hoạt động của mô hình HTX kiểu mới. Từ khi tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, Ban giám đốc đã tiến hành sắp xếp lại hoạt động theo hướng tập trung, đưa tiến bộ khoa học vào đồng ruộng; vận động các thành viên thực hiện quy trình sản xuất thống nhất. HTX đứng ra chịu trách nhiệm về cung ứng giống, phân bón và các dịch vụ nông nghiệp; đồng thời liên kết với các công ty doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân, thành viên của mình. Theo Ông Đoàn Văn Bấu – Giám đốc HTX: “Việc sản xuất theo hình thức tập trung, phù hợp với thực tiễn của vùng đã giúp HTX khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Do vậy, so với trước chuyển đổi, HTX đã làm ăn hiệu quả hơn, trở thành chỗ dựa của thành viên trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp làm ăn hiệu quả, tăng thu nhập”.
Còn theo ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng “Việc thực hiện mô hình HTX kiểu mới là gắn các dịch vụ theo chuỗi liên kết từ đầu vào cho đến đầu ra và hiện nay HTX đang làm tốt vấn đề này; giúp thành viên giảm được nhiều chi phí, tăng lợi nhuận; hơn nữa là tạo thời gian nhàn rỗi để thành viên tăng gia sản xuất, tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội ở địa phương”.
Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng
phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018
Kiên Giang là một tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, đối với các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung thực hiện như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo…thì HTX có vai trò rất quan trọng bởi nguyên tắc chung của Luật HTX năm 2012 là cái gì HTX làm sẽ có lợi hơn là từng hộ tự làm, hoặc cái gì từng hộ không thể làm được thì HTX làm, qua đó làm cho sản xuất của các hộ thành viên hiệu quả cao hơn. Bản thân các hộ thành viên vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm mà họ làm ra thuộc sở hữu của họ, không phải của HTX. HTX không phủ định, thay thế kinh tế hộ, mà làm cho kinh tế hộ hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập cao hơn. Vì vậy mô hình này sẽ là cơ sở để hướng tới mục tiêu liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây được gọi là giải pháp để nâng cao thu nhập bền vững cho bà con nông dân trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Nhìn nhận vấn đề này, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua, ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa dạng hơn, một số HTX tiếp tục tăng vốn điều lệ và từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo hướng kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, phát triển các ngành nghề nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên và các hộ nông dân. Nhiều HTX đã thể hiện vai trò là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu triển khai liên kết sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo nhiều khâu dịch vụ đầu vào mà từng hộ dân không làm được hoặc làm mà không hiệu quả. Đặc biệt, một số HTX đã chủ động dồn những mảnh đất nhỏ lại thành cánh đồng liên kết, để tăng quy mô, hướng đến mua chung, bán chung và dùng chung dịch vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chi phí cao”.
Theo Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhiều HTX đã thể hiện vai trò là cầu nối trong tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Từ thực tế việc thành lập và vận hành các HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 ở nhiều địa phương trong tỉnh đã chứng minh hoạt động của các HTX này. Tuy còn khá mới mẻ nhưng từng bước đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đây là mô hình cần nhân rộng và phát triển, góp phần tạo đà cho hành trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giàm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.