Định hướng, hỗ trợ tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất mô hình tôm – lúa bền vững theo hương liên kết, hợp tác là hướng đi vững chắc nhằm tạo ra nông sản an toàn, giảm ô nhiễm môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đây được xem là mô hình canh tác ổn định nhất trong môi trường phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại lợi nhuận, giá trị kinh tế cao.
Sản xuất mô hình tôm – lúa bền vững theo hương liên kết, hợp tác là hướng đi vững chắc tổ hợp tác, hợp tác xã
Hiện nay, sản xuất tôm - lúa là loại hình nuôi trồng có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, đóng góp sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh khá lớn. Trong những năm gần đây, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất này đạt hơn 61.000 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh và hàng trăm ngàn tấn lúa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Theo nhận định của các HTX, THT thì mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả hơn rất nhiều so với sản xuất độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống. Vừa đem lại hai nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp. Sản phẩm tôm và lúa thu hoạch từ mô hình kết hợp này cũng là sản phẩm sạch, chất lượng cao, do đó được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu. Có nhiều hộ thành viên THT, HTX trung bình một ha thu hoạch tôm 400 - 500 kg và 5 - 6 tấn lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, đã giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu.
Có thể nhận định một cách chính xác từ thực tế hiện nay, mô hình canh tác tôm – lúa theo hướng liên kết, hợp tác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không ngừng phát huy hiệu quả và góp phần quan trọng làm giảm nghèo, tăng thu nhập cho thành viên THT, HTX. Bên cạnh đó, khi liên kết các THT, HTX phải thoả các điều kiện của doanh nghiệp để có sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường như: Hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng hợp lý tài nguyên nước theo từng thời điểm và mùa trong năm.... Từ đó, giúp nâng cao giá trị hàng hóa cho con tôm và hạt lúa, ước lợi nhuận cao hơn từ 20 - 30% so với sản xuất độc canh cây lúa.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như giới thiệu các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm THT, HTX
Như đã đánh giá, điểm nổi bật của mô hình là tạo ra sản phẩm sạch và có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là cơ sở cho việc tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ cho thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho thành viên THT, HTX và các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài sản phẩm chính là tôm và lúa, mô hình này còn có thể tận dụng xen canh các loại thủy sản khác mang tính bền vững hơn như: cua, cá …
Tuy đạt được nhiều lợi thế là vậy, nhưng mô hình sản xuất lúa – tôm theo hướng liên kết vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như quy mô sản xuất của nhiều mô hình tham gia còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và sản lượng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mô hình. Cùng với đó, tình trạng nông dân sử dụng con giống rẻ tiền, trôi nổi, kém chất lượng vẫn khá phổ biến. Đặc biệt là chưa có nhiều liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho cả tôm và cây lúa. Việc áp dụng các hệ thống chứng nhận bền vững, hữu cơ cũng còn gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người dân chưa được cải thiện và cả việc thiếu vốn đầu tư về hạ tầng, ứng dụng các công nghệ sản xuất mới…
Chính vì vậy, để hỗ trợ nông dân, THT, HTX sản xuất mô hình tôm –lúa bền vững cần có giải pháp nhất định:
- Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân, đặc biệt là hội viên nông dân tham gia, xây dựng các mô hình THT, HTX sản xuất theo mô hình tôm – lúa những vùng quy hoạch theo định hướng của ngành chức năng để đảm bảo thực hiện có hiệu quả cao.
- Thông qua mô hình THT, HTX đã hình thành, mời gọi các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc tư vấn định hướng cho THT, HTX thực hiện các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm đặc trưng để nâng cao giá trị.
- Xây dựng mô hình điểm để nhân rộng; tranh thủ cơ chế hỗ trợ chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ các THT, HTX tháo gỡ khó khăn như: trụ sở, kho, bãi; vốn góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nhất là đào tạo đội ngũ lãnh đạo THT, HTX nắm vững chuyên môn, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
- Xây dựng khu trưng bày, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các mô hình THT, HTX. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như giới thiệu các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm, hỗ trợ các THT, HTX tham gia các hội chợ trong nước, cử đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức đa dạng.