Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay, HTX đã góp phần không nhỏ trong việc sản xuất, tạo ra nguồn nông sản dồi dào cho địa phương. Tuy nhiên, cũng không ít HTX rơi vào tình trạng khi giá nông sản cao thì không có để bán nhưng khi giá xuống thấp thì lại dư thừa, hoặc thu hoạch, bán nông sản không đúng thời điểm nên chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Điều này hoàn toàn phụ thuộc việc nắm bắt, phân tích thông tin thị trường còn hạn chế.
Các HTX trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tạo ra nguồn nông sản dồi dào cho địa phương
Có thể thấy, các HTX hiện nay đa phần chỉ sản xuất theo kinh nghiệm hay mùa vụ mà không sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, có rất ít thông tin về giá cả nông sản để tham khảo, chỉ phụ thuộc vào thông tin do doanh nghiệp, thương lái cung cấp mà hoàn toàn không chủ động định giá của sản phẩm do chính mình làm ra. Chính vì vậy, mà cùng một vụ mùa nhưng hôm trước tiểu thương thu mua với giá này, hôm sau có thể thu mua với giá khác thấp hơn thì người dân hầu hết đều phải chấp nhận vì không có cơ sở nào để “kèo” giá cả.
Trong những năm qua, kinh tế thị trường có những biến động khó lường, cộng thêm việc HTX kém thông tin dự báo thị trường nên vẫn loay hoay không có định hướng trong sản xuất và tiêu thụ. Để cải thiện tình trạng trên, các HTX cần phải thay đổi tư duy, đẩy mạnh sản xuất nông sản, hàng hoá theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Các HTX tham gia hội chợ kết nối cung cầu tại Hà Nội
Một trong những hạn chế nữa là, chính sách hỗ trợ các HTX xây dựng chuỗi liên kết vẫn chưa mang tính thường xuyên để dẫn dắt HTX trong việc kết nối với doanh nghiệp tạo đầu ra có quy mô lớn cho các sản phẩm của HTX. Đa phần, các HTX đều xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ dựa theo kinh nghiệm. Thế nhưng, không ít trường hợp do những tác động khách quan lẫn chủ quan khiến sản phẩm của HTX bị thừa nguồn cung hoặc thiếu đầu ra.
Thực tế hiện nay cho thấy, người dân tự sản xuất, mở rộng diện tích và bán hàng theo kinh nghiệm rất phổ biến. Do đó, tình trạng sản phẩm tung ra thị trường dư thừa là điều không tránh khỏi, thậm chí nhiều sản phẩm phải kêu gọi hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Không phải HTX nào cũng có thể tự nghiên cứu thị trường để tránh những rủi ro đáng tiếc, bởi vì đa phần HTX trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay thiếu năng lực hoặc không có điều kiện về cơ sở vật chất.
Nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm của HTX, nhất là HTX nông nghiệp cần có định hướng cách thức bảo quản, xây dựng hệ thống chế biến sản phẩm sau sản xuất. Hơn nữa, các HTX cần nâng cao nhận thức cho thành viên xây dựng quy trình từ trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm một cách khoa học để nâng cao giá trị sản phẩm, chứng minh được thương hiệu riêng cho sản phẩm của HTX.
HTX DVNN Hiểu Phát, huyện Vĩnh Thuận tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm tại các tỉnh, thành trogn cả nước
Trước những khó khăn, biến động khôn lường của nền kinh tế thị trường hiện nay, các HTX muốn sản xuất kinh doanh hiệu quả thì yếu tố đầu tiên cần phải quan tâm chính là yếu tố về thị trường. Thay vì phụ thuộc vào doanh nghiệp, thì HTX tự tìm hiểu thị trường theo cách riêng hoặc bám sát vào các cơ quan chức năng để sản xuất kinh doanh đúng hướng, mang lại hiệu quả.
Có thể nói, dự báo thị trường là cơ sở giúp các HTX quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa dựa trên thế mạnh, tiềm năng của mình, sau đó tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng như bảo vệ được lợi ích chính đáng của thành viên, thúc đẩy đầu ra, giúp thành viên an tâm sản xuất.