Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

54,9 tỷ đồng hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

(10:13 | 31/05/2021)

Nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phát triển bền vững, tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò của hợp tác xã nông nghiệp đối với sự phát triền kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 337/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo kế hoạch, các chính sáchhỗ trợ sẽ được áp dụng đối với các hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tập trung 03 nội dung chủ yếu: Chính sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; Chính sách hỗ trợ thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách HTX nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ, hỗ trợ tín dụng cho HTX. Cụ thể như sau:

1. Chính sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lựcđối tượng áp dụng là các chức danh trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát, kế toán, cán bộ chuyên môn của HTX. Đối tượng trên sẽ được hỗ trợ học phí, tài liệu, ăn, ở và đi lại khi tham gia các lớp học. Đối tượng đi học được hỗ trợ phải có chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu của HTX; đủ điều kiện tuyển sinh theo yêu cầu của cơ sở đào tạo; có văn bản của HTX đề nghị hỗ trợ đào tạo; từ 45 tuổi trở xuống và cam kết bằng văn bản trở về làm việc trong HTX bằng 02 lần thời gian khỏa đào tạo. Mức hỗ trợ theo quy định nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng/người/năm. Dự kiến sẽ hỗ trợ đào tạo 60 cán bộ cho 60 HTX có nhu cầu trong giai đoạn 2021-2025.

2. Chính sách hỗ trợ thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách HTX nông nghiệp: áp dụng với các đối tượng là tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách HTX hoặc tham gia HTX. Hỗ trợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị văn phòng và thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động của HTX. Điều kiện hỗ trợ là các HTX thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách phải có quy mô từ 50 thành viên trở lên; riêng HTX thủy sản phải có quy mô từ 30 thành viên trở lên. Dự kiến sẽ hỗ trợ 300 HTX thành lập mới; hỗ trợ 30 HTX sáp nhập, hợp nhất, chia, tách trong giai đoạn 2021-2025. Về mức hỗ trợ, đối với HTX thành lập mới hỗ trợ 20.000.000 đồng/HTX; HTX sáp nhập, hợp nhất, chia tách: 10.000.000 đồng/HTX.

3. Chính sách hỗ trợ, hỗ trợ tín dụng cho HTX: đối tượng áp dụng đối với 15 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Các đối tượng nêu trên sẽ được hỗ trợ vay tín chấp để thực hiện dự án mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của HTX nông nghiệp.

Mức cho vay đối với mỗi HTX nông nghiệp tùy thuộc vào nhu cầu vốn của dự án, nhưng không quá 02 tỷ đồng/HTX/dự án; trong đó vốn đối ứng của HTX nông nghiệp vay vốn phải có tối thiểu là 20%. Thời gian vay tối đa là 5 năm và hỗ trợ lãi suất vay trong 03 năm (hỗ trợ 100% lãi suất cho 02 năm đầu, hỗ trợ 50% lãi suất cho năm thứ 3). Lãi suất cho vay áp dụng theo Chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Chính phủ theo từng thời kỳ tương ứng với từng thời điểm vay vốn.

Các HTX được hỗ trợ tín dụng phải đáp ứng cái điều kiện sau: Có trình độ năng lực quản trị sản xuất kinh doanh tốt; hoạt động có hiệu quả; Có dự án vay vốn khả thi, hiệu quả được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định đủ điều kiện vay vốn, có điều kiện về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay theo mục đích vay vốn; Các loại máy, thiết bị phải nằm trong danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BNPTNT ngày 22/02/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời phải là máy, thiết bị mới chưa qua sử dụng, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rõ ràng.

Các chính sách hỗ trợ đã nêu sẽ ưu tiên các HTX sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp hoặc tham gia trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao hoặc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hoặc xuất khẩu; HTX áp dụng công nghệ tiên tiến, hoặc các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông sản an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

Ngoài các chính sách được quy định tại Nghị quyết số 337/2020/NQ- HĐND, các HTX còn được hỗ trợ từ các chính sách khác theo quy định hiện hành.

Yến Ngọc

Tệp đính kèm
Tệp đính kèm ; 93_KH-UBND.signed.pdf