Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp luôn là vấn đề được huyện chú trọng và tập trung đẩy mạnh trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại địa phương đặc biệt là trong sản xuất lúa của các HTX. Những năm gần đây, việc sản xuất lúa gắn liền với sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học được nông dân trên địa bàn huyện quan tâm đặc biệt là các HTX, vì đây là hướng đi mới để mang lại giá trị kinh tế bền vững cho sản xuất chuyên canh cây lúa ở địa phương, là tiền đề cho việc đẩy nhanh tiến độ phát triển sản xuất chuỗi hàng hóa cho các HTX, là vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Trình diễn mô hình sử dụng máy cấy tại huyện Tân Hiệp
Xuất phát từ mục tiêu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với số lượng lớn, chất lượng cao, gắn với tiêu thụ nông sản. Năm 2020, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện triển khai kế hoạch thực hiện sản xuất lúa hữu cơ an toàn nhân rộng cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vụ Đông xuân 2019 - 2020 và Hè Thu 2020 với tổng điện tích sản xuất 2 vụ được 305,2 ha tại các HTX ở các xã như Thạnh Đông, Thạnh Đông B, Tân An, Thạnh Đông A, Tân Hội, Tân Hiệp A và Thị trấn Tân Hiệp với nội dung hỗ trợ đầu tư cho các hộ tham gia là: Tập huấn kỹ thuật quy trình sản xuất lúa hữu cơ an toàn cho các hộ sản xuất, giống lúa; công làm cỏ, 30% vật tư phân bón với tổng mức hỗ trợ 2.600.000 đồng/1ha. Kết quả sản xuất lúa hữu cơ mang lại khá khả quan chỉ tính riêng vụ hè thu 2020 lợi nhuận trên 17 triệu đồng/1ha.
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai quy trình sản xuất lúa hữu cơ
Từ hiệu quả bước đầu mang lại, Phòng Nông nghiệp –PTNT huyện tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất lúa hữu cơ an toàn năm 2021 trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng diện tích thực hiện 02 vụ Đông Xuân và Hè Thu với quy mô 500ha, mỗi xã, thị trấn 50 ha, số lượng từ 20 - 35 hộ sản xuất với tổng mức đầu tư 3.240.000 đồng/ha (bao gồm hỗ trợ tiền lúa giống, phân hữu cơ vi sinh, công làm cỏ). Vụ Đông xuân 2020 - 2021 triển khai 78 ha tại HTX Dịch vụ thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội. Lợi nhuận thu được của các hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ vụ Đông Xuân 2020 - 2021đạt trên 43 triệu đồng /01 ha cao hơn khoảng 3 triệu đồng so với các hộ sản xuất lúa ngoài mô hình. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện sản xuất lúa hữu cơ nhân rộng trên địa bàn huyện.
Vụ Hè thu 2021, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tại các HTX trên địa bàn các xã Tân Hoà, Tân Hiệp A, Thạnh Đông A, Tân Thành, Tân Hội, …
Qua đó có thể thấy, sản xuất lúa hữu cơ an toàn đã tạo ra nhiều hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nhất là ở các HTX thực hiện thí điểm, nông dân rất phấn khởi và tích cực đăng ký tham gia sản xuất, đây là tín hiệu khả quan trong việc tìm hướng đi mới cho phát triển chuyên canh cây lúa trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, để sản xuất lúa hữu cơ an toàn nhân rộng và trở thành xu thế phát triển trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương nhất là ở các HTX thì ngoài việc thực hiện các chế độ chính sách được hỗ trợ đầu tư của ngành chuyên môn đòi hỏi người nông dân phải thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, phương thức sản xuất như giảm lượng lúa giống, phân hóa học, kỹ thuật canh tác, sản xuất các giống lúa chất lượng cao, sản xuất tập trung quy mô lớn… Thì yêu cầu đặt ra là cần tìm được các doanh nghiệp uy tín thực hiện bao tiêu sản cho nông dân khi sản xuất quy mô lớn. Đây là những vấn đề mà các HTX, các địa phương, ngành chuyên môn và doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết để mô hình sản xuất lúa hữu cơ an toàn thực sự là hướng đi mới của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới.