Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Công nghệ sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

(08:32 | 28/08/2020)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học với các giải pháp đột phá về giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cơ giới hóa, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Công nghệ sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh tập trung đầu tư chọn tạo giống lúa mới bằng phương pháp nuôi cấy túi phấn, ứng dụng công nghệ tế bào như phát triển kỹ thuật nuôi cấy hạt phấn để rút ngắn quá trình tạo dòng thuần, kết hợp thanh lọc mặn các dòng lúa ở giai đoạn mô sẹo để chọn ra các dòng tái sinh có khả năng chống chịu mặn. Tỉnh nghiên cứu và tối ưu hóa quy trình kỹ thuật nuôi cấy các đối tượng cây trồng như: Chuối, hoa lan, hoa kiểng các loại…

Tỉnh nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh đối với các cây trồng chủ lực theo định hướng xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ tạo giống bố mẹ và kỹ thuật nhân giống một số giống nông nghiệp chủ lực sạch bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy trình thâm canh tổng hợp, quản lý sâu bệnh phục vụ sản xuất các đối tượng cây trồng chủ lực.

Tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ nhằm tìm kiếm, chọn lọc các công nghệ, sản phẩm công nghệ có khả năng thương mại hóa, giới thiệu, kết nối các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Kết nối cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp, nhà đầu tư, kết nối thực hiện các dự án nghiên cứu chung giữa khu vực công lập và tư nhân, phát triển các cơ sở dữ liệu công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ. Tỉnh ưu tiên kinh phí, điều kiện cho thực hiện các dự án, đề tài liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, kho học công nghệ vào sản xuất giống các loài thủy sản trọng tâm như: Tôm càng xanh toàn đực, giống các loại cá biển có giá trị kinh tế cao.

Qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, đến nay tỉnh Kiên Giang đã đưa ra được bộ giống lúa tác giả GKG khoảng 30 giống lúa có triển vọng, có thời gia sinh trưởng ngắn, năng suất cao, dạng hình đẹp, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, một số giống có phẩm chất gạo rất tốt, mùi thơm đậm, có khả năng chống chịu mặn tốt.

Tỉnh đã ứng dụng thành công nhiều sản phẩm của công nghệ sinh học như vi khuẩn, nấm, nấm rễ cộng sinh, vi khuẩn cố định đạm, các dòng vi khuẩn khác… có khả năng hòa ta các hợp chất lân vô cơ, vi khuẩn phân giải nhằm cải thiện đặc tính đất, đối kháng sinh học một số bệnh và tăng năng suất cây trồng.

Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi với các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học và men vi sinh hoạt tính trong chăn nuôi lợn thịt, nuôi gà lai thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. Mô hình ứng dụng công trình khí sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi tiết kiệm 80% lượng nước, giảm 60% nhân lực, giảm dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nhấn mạnh: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tạo ra các giống mới có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản hàng hóa, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế dịch bệnh gây hại. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nhằm tạo ra sản lượng nông sản lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, xây dựng cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị, giúp nông dân áp dụng tốt quy trình canh tác, năng suất cao, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

 

Nguyễn Chương (theo kiengiang.gov.vn)