Nông dân xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất) thu hoạch lúa Hè Thu.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay từ quý IV/2019, tỉnh đã triển khai kế hoạch chủ động các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô 2019 - 2020.
Chi cục Thủy lợi tỉnh quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương thuộc địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành, vùng U Minh Thượng, và dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020.
Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 70 tỷ đồng và bổ sung ngân sách gần 52 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp phòng chống hạn mặn, so với tổng nhu cầu khoảng 150 tỷ đồng.
Các đơn vị, địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn đã gia cố, đắp 180 đập ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, vườn cây ăn trái, vùng trồng hoa màu, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân và sản xuất vụ lúa Hè Thu.
Tỉnh cũng công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh, tuyên truyền cho nhân dân biết tình trạng hạn mặn và kêu gọi cộng đồng chung tay ứng phó, chủ động phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”.
Nhờ vậy, vụ Mùa và Đông Xuân 2019 - 2020, nông dân trong tỉnh Kiên Giang xuống giống 352.447 ha, đạt 100% kế hoạch gieo trồng, năng suất thu hoạch bình quân gần 7 tấn/ha. Tổng sản lượng lúa hơn 2,4 triệu tấn, đạt 57% kế hoạch năm, với diện tích lúa chất lượng cao chiếm 97,3% diện tích gieo trồng. Toàn tỉnh cũng xây dựng 34 cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm diện tích hơn 19.000 ha.
Thời điểm này, tỉnh đã thu hoạch hơn 130.000 ha lúa Hè Thu, đạt trên 46% diện tích xuống giống, năng suất bình quân 5,68 tấn/ha. Hiện, lúa thường (tươi) giá 5.500 - 5.700 đồng/kg và lúa khô giá 6.100 - 6.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao (tươi) giá 6.000 - 6.200 đồng/kg và lúa khô 7.200 - 7.400 đồng/kg.
Với giá lúa như hiện nay, nông dân rất phấn khởi, vừa sản xuất trúng mùa, vừa bán được giá khá cao, cải thiện kinh tế gia đình, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Bên diện tích lúa Hè Thu trúng mùa đang thu hoạch hơn 1,2ha, nông dân Nguyễn Văn Hùng ở xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất) phấn khởi cho biết: “Mặc dù đầu vụ, hạn hán xảy ra gây bất lợi cho sản xuất nhưng chính quyền địa phương cùng với nông dân chủ động phòng chống, làm đất, gieo sạ đúng theo lịch thời vụ, bón phân, chăm sóc lúa, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã.
Vụ Hè Thu năm nay, hầu hết nông dân trong xã Mỹ Hiệp Sơn đều trúng mùa, bán được giá cao hơn những vụ mùa trước đây. Cụ thể là 1,2 ha lúa Hè Thu của tôi thu hoạch khoảng 8 - 9 tấn lúa, bán tại ruộng 5.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất lợi nhuận vụ này trên 20 triệu đồng”.
Cùng với cây lúa, nông dân Kiên Giang ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Gò Quao… đã xuống giống hơn 8.500 ha rau màu, thực phẩm ở những nơi có điều kiện thích hợp như: bắp (ngô), rau đậu các loại, khổ qua, dưa hấu, dưa lê… tăng thêm thu nhập cho gia đình
Toàn tỉnh tái phát triển chăn nuôi lợn dần ổn định trở lại với tổng đàn hiện nay toàn tỉnh khoảng 178.867 con, đạt gần 90% kế hoạch. Tỉnh đã chi hơn 112 tỷ đồng hỗ trợ cho 3.812 hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy và phục vụ công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá lợn hơi tăng cao và không ổn định, thiếu nguồn giống và giá thành lợn giống khá cao, 2 - 3 triệu đồng/con nên hộ chăn nuôi còn thận trọng trong việc đầu tư nuôi lợn do đó việc tái đàn lợn còn chậm.
Tỉnh Kiên Giang đang phấn đấu sản lượng lúa Hè Thu và Thu Đông hơn 2 triệu tấn để cả năm 2020 đạt và vượt kế hoạch 4,3 triệu tấn, đặc biệt là tái đàn lợn đạt 195.000 con trở lên; khuyến cáo nông dân tiếp tục trồng rau màu, thực phẩm ở những nơi có điều kiện thích hợp để cung ứng cho thị trường lễ, tết vào những tháng cuối năm và chào đón năm mới 2021, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân bảo vệ chăm sóc lúa Hè Thu và Thu Đông đang đứng trên đồng đảm bảo đạt năng suất, sản lượng và chất lượng phục vụ tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tập trung sản xuất đạt hiệu quả vụ Mùa và Đông Xuân 2020 - 2021.
Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đẩy nhanh quy mô tái đàn, nhất là khôi phục đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, hạn chế nguy cơ dịch bệnh gắn với triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình mưa lũ, quản lý vận hành hệ thống cống kiểm soát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để hỗ trợ và giúp nông dân chủ động sản xuất đạt hiệu quả.