Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa thay da đổi thịt từ những dự án

(09:36 | 11/06/2020)

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đã góp phần thay đổi diện mạo của hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương và người dân trong vùng dự án. Với tổng số vốn lên đến 301 triệu USD, dự án VnSat có thể nói là “đại dự án” của ngành nông nghiệp, việc hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX 2012 và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của HTX và thành viên.

Cống kiên cố của HTX được hỗ trợ từ dự án đang được xây dựng

Xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp là một trong những địa phương có HTX được đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án. HTX Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa có diện tích nông nghiệp là 650ha, sau quá trình nỗ lực phấn đấu theo chỉ tiêu của dự án VnSat, hiện HTX đã được đầu tư 02 máy cấy lúa, 1 trạm biến áp, 1 đường dây trung thế 5 km, 02 trạm bơm kiên cố cùng 5 km đường giao thông nội đồng đúng theo mong mỏi của HTX thời gian qua.

Đường nông thôn của HTX trước khi được đầu tư:

và sau khi được đầu tư betông...

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, HTX đang thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ trồng lúa triển sang trồng cây ăn trái, trồng màu, chăn nuôi, dịch vụ làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn. Ngoài sản xuất lúa, thành viên đã mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng rau màu để đa dạng hóa mặt hàng và nâng cao thu nhập.

Cụ thể là nuôi gà an toàn sinh hoạch, nuôi ếch, cá lóc trong mùng, trồng rau trong nhà lưới, tiến tới xây dựng thương hiệu rau sạch cho HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa để cung cấp cho thị trường như chợ Tân Hội, chợ Phi thông, chợ Tân Thành và người dân ở địa phương có nhu cầu.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa cho biết thêm: HTX đã được dự án đầu tư 8,9 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Cụ thể là đầu tư 2 cống Kênh Út Oanh xáng Tân Hội, kênh Út Oanh Lung Lớn và 2 con đường bê tông kênh Ba Vàng, kênh ngang Ba Vàng. Nhờ đó, thuận lợi cho thành viên HTX phát triển kinh tế, chủ động điều tiết nước nhờ hệ thống bờ bao khép kín. Ngoài ra, còn được hỗ trợ hạ thế điện 3 pha phục vụ bơm tưới, giảm chi phí và công lao động; giờ đây người dân có thêm thời gian làm các công việc khác để tăng thu nhập.

Trong năm 2020, HTX đã bơm tưới tập trung với tổng diện tích gieo sạ 615ha. Chủ lực là lúa cấy với diện tích 30 ha giống GKG 35 hợp đồng với Trung Tâm giống Kiên Giang, giống ST24 diện tích 60 ha; sạ bằng phương pháp kéo hàng đạt 120ha; Sạ thưa mật độ 80 kg/ha với diện tích 300 ha giống OM5451, OM18; còn lại giống khác gieo sạ mật độ 120 kg/ha. Thành viên HTX và tất cả các hộ dân trong vùng dự án được đào tạo, tập huấn “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, đạt mức áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững trên 75%, giảm thiểu thấp nhất các tác động hóa học đến môi trường.

Lúa có hợp đồng bao tiêu của HTX đang được thu hoạch

Nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; Ban quản lý HTX đã rất tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, các mô hình hay, các mô hình mới đều về trao đổi với các thành viên quyết định triển khai hay không triển khai. Hội đồng quản trị với phần lớn là những thanh niên nhiệt huyết, nắm bắt nhanh tình hình thị trường, nên sau khi hoạt động nhận thấy có thể mở một số dịch vụ tiềm năng tại địa phương, HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa đã triển khai các mô hình, mang lại hiệu quả cao:

Mô hình dịch vụ thanh niên lao động nông thôn như bóc vác, bón phân, phun thuốc, sạ lúa khoảng 50 thanh niên, lực lượng này nhận làm tại các hộ trong HTX khi xong mùa vụ sẽ nhận làm công của các hộ lân cận. Mô hình này giúp đảm bảo được nhân công lao động cho thành viên trong HTX vừa có thể nhận các công việc tại các địa phương lân cận tăng thu nhập, do đặc thù ở địa phương vào mùa vụ rất khó tìm được nhân công để gieo sạ, bón phân và thu hoạch lúa.

Bên cạnh đó, 10 hộ tham gia sản xuất nhân giống lúa chất lượng cao 10 ha có lợi nhuận 40 - 45 triệu đồng/ha. HTX được địa phương đầu tư mô hình trồng dưa lưới: dưa leo, khổ qua, đu đủ, dưa gang, bầu, bí... 15 hộ tham gia bước đầu tuy lợi nhuận chưa cao nhưng dần thay đổi ý thức hạn chế dùng thuốc hóa học. HTX ký kết với Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu Kiên Giang với diện tích 650 ha với giống lúa Jasmines 85, Đài thơm 8…các thành viên trong HTX an tâm sản xuất vì đầu vào, đầu ra đã được bao tiêu ổn định, trong 3 năm qua mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên HTX.

Mô hình trồng rau nhà lưới của thhành viên HTX

Toàn thể thành viên HTX và người dân trong vùng dự án đều phấn khởi trước những thay đổi tích cực mà dự án mang lại,  nông dân được đào tạo về các kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào thực tế sản suất, giúp tăng lợi nhuận, giảm tác động tiêu cực đến môi trường; rồi đây những người dân chân chất sẽ có cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương và tiếp nhận những kỹ thuật mới một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Yến Ngọc