Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Thâm canh lúa bền vững bằng kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm

(10:27 | 28/05/2020)

Tham gia dự án VnSAT, hàng ngàn nông dân các tỉnh ĐBSCL được tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giúp canh tác lúa bền vững, năng cao thu nhập.

Thành viên HTX Phú Hòa (Kiên Giang) áp dụng biện pháp sạ hàng để giảm lượng giống gieo sạ. Ảnh: Trung Chánh.

Hàng chục ngàn nông dân được đào tạo

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đến nay đã đi được đoạn đường khá dài, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà nông.

Tại ĐBSCL, có 8 tỉnh được lựa chọn tham gia dự án (Hợp phần lúa, gạo), gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang.

Tại Kiên Giang, dự án VnSAT được triển khai, mở rộng trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Mặc dù bà con nông dân đã có thâm niên về sản xuất lúa, thâm canh đạt năng suất cao, tuy nhiên chủ yếu vẫn làm theo kinh nghiệm truyền thống. Nhiều nơi vẫn có thói quen gieo sạ rất dày, phát sinh sâu bệnh, làm tăng chi phí sản xuất. Vì vậy rất cần được đào tạo, đào tạo lại kỹ thuật sản xuất lúa.

Ông Từ Thanh Long, Phó Giám đốc VnSAT Kiên Giang cho biết, thông qua dự án VnSAT, tính đết hết tháng 4/2020, đã có hàng ngàn hộ nông dân được đào tạo về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (3 giảm trong sản xuất lúa là: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; 3 tăng là: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế); “1 phải, 5 giảm” (1 phải: Phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; 5 giảm: Giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV; giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch); đào tạo FFS 6 ngày (đào tạo thực tế trên đồng ruộng).

Cụ thể, đối với kỹ thuật 3G3T, đã mở được 203 lớp về khóa đào tạo FFS 6 ngày cho nông dân mới thực hiện, có 9.780 nông dân tham dự, với diện tích canh tác là 17.905 ha.

Đồng thời, còn xây dựng 75 điểm trình diễn, diện tích 75 ha, để nông dân thực nghiệm thực tế cũng như so sánh kết quả về hiệu quả của mô hình. Đào tạo lại về lý thuyết 3 ngày cho những nông dân đã học lớp FFS 6 ngày trong dự án, lũy kế đến nay được 32 lớp, với 1.531 nông dân tham dự, diện tích canh tác 2.860 ha.

Đào tạo FFS 6 ngày về kỹ thuật (1P5G) cho nông dân trong dự án đến nay đã thực hiện được 55 lớp, với 2.622 nông dân tham dự, diện tích canh tác 3.757 ha. Xây dựng được 55 điểm trình diễn, diện tích 55 ha. Các địa phương đã mở nhiều lớp là huyện Tân Hiệp 25 lớp, có 1.257 nông dân tham gia, diện tích canh tác 1.526 ha; Hòn Đất 9 lớp, có 421 nông dân tham gia, diện tích canh tác 659 ha.

Ngoài ra, Kiên Giang còn tổ chức đào tạo nâng cao khác cho các tổ chức nông dân. Cụ thể đã tổ chức đào tạo 4 lớp về quản lý và phát triển HTX cho 158 người tham dự. Lũy kế đã thực hiện 10 lớp nhân giống lúa cáp xác nhận cho 500 nông dân tham dự. Thực hiện 2 điểm trình diễn mô hình trồng nấm rơm trong nhà tại Giồng Riềng và Giang Thành. Đồng thời tổ chức 4 lớp tấp huấn 3 ngày, có 200 nông dân tham dự. Mở 2 lớp tập huấn trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho 100 nông dân.

Thành viên HTX Phú Hòa (Kiên Giang) áp dụng biện pháp sạ thưa bằng máy phun hạt. Ảnh: Trung Chánh.

Tại tỉnh Long An, bà Nguyễn Thị Mười, công tác tại Ban quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Long An cho biết: Dự án bước đầu đã có những kết quả tích cực trong thay đổi nhận thức của nông dân. Nhất là khâu giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc BVTV.

Trong công tác tập huấn cho nông dân sản xuất theo quy trình 3G3T, dự án đã tập huấn cho 10.045 hộ, đạt 77,3% so với mục tiêu ban đầu là 13.000 hộ. Diện tích thực hiện quy trình 3G3T trong vùng dự án đến nay đạt 25.554 ha, tỷ lệ thực hiện 97,1%.

Về tập huấn theo quy trình chăm sóc 1P5G, dự án đã tập huấn tổng cộng 8.058 hộ, đạt 124% so với mục tiêu ban đầu là 6.500 hộ. Diện tích sản xuất trong vùng dự án được tập huấn là 22.554 ha, chiếm tỷ lệ 173,5%, đạt rất cao so mục tiêu ban đầu là 13.000 ha.

Dự án cũng đã tập trung đào tạo, tấp huấn quy trình sản xuất 3G3T, 1P5G cho 28 HTX hiện có của vùng dự án. Kết quả, dự án đã tập huấn về 3G3T cho 4.425 hộ (đạt 88,2% số hộ của 28 HTX), trong đó, diện tích áp dụng là 12.934 ha. Về tập huấn 1P5G cho nông hộ, đã có 3.409 hộ (đạt 69,5% số nông hộ của 28 HTX), diện tích áp dụng kỹ thuật quy trình 1P5G là 9.612 ha.

Áp dụng hiệu quả kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”

Chúng tôi có mặt tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) vào thời điểm bà con nông dân đang xuống giống vụ lúa hè thu 2020.

Từ khi tham gia dự án VnSAT, bà con xã viên nơi đây đã thay đổi hẳn phương thức canh tác, từ bỏ tập quán canh tác truyền thống, nhất là đã từ bỏ tập quán sạ lan, mật độ gieo sạ rất dày (khoảng 200 kg lúa giống/ha).

Anh Phạm Văn Trọng, xã viên HTX Phú Hòa có 12 ha đất chuyên sản xuất lúa cho biết: “Nhờ tham gia làm ăn hợp tác và được dự án VnSAT hỗ trợ, tôi cũng như nhiều nông dân ở đây đã được tập huấn rất kỹ về các biện pháp “3G3T”, “1P5G”…

Đây là những tiến bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế nên chúng tôi mạnh dạn áp dụng”.

Với 12 ha đất, vụ này anh Trọng quyết định sản xuất 5 ha giống lúa ST 24, còn lại làm giống OM 18. “Để đảm bảo chất lượng đầu vào, tôi liên hệ mua lúa giống cấp xác nhận thông qua Phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp. Với diện tích ST 24 thì gieo sạ theo phương thức kéo hàng, còn OM 18 thì sạ thưa bằng máy phun hạt. Nhờ vậy, mà lượng giống cần chỉ từ 80-120 kg/ha, tiết kiệm được rất nhiều so với cách làm trước đây”, anh Trọng chia sẻ.

Ruộng cấy bằng máy tại HTX Phú Hòa (Kiên Giang) giúp giảm lượng giống gieo cấy chỉ còn 50 kg/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Phú Hòa cho biết, HTX có diện tích canh tác 615 ha, với 325 xã viên. Năm 2019, HTX được Ban quản lý dự án VnSAT tập huấn “3G3T”, “1P5G” cho 2 lớp với 100 thành viên tham dự.

Thực hiện mô hình thí nghiệm giảm lượng giống gieo sạ 80kg/ha, 100kg/ha/, 120 kg/ha và 50 kg/ha, áp dụng lúa cấy máy với diện tích 4 ha với 4 hộ dân vụ Đông Xuân 2018- 2019. Vụ Hè Thu 2019, mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận với diện tích 150 ha bằng máy cấy với 60 nông dân tham gia.

Qua những các lớp tập huấn, cũng như thực tế canh tác, nông dân đã thấy được lợi ích thiết thực của việc sạ thưa nên ngày càng có nhiều người mạnh dạn áp dụng. Đồng thời, chuyển 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm. Nhờ đó, đất không bị khai thác quá mức dẫn đến thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng.

Ông Ngân Văn Phi, Giám đốc HTX Hưng Tân (Long An) thăm ruộng lúa trong dự án VnSAT làm theo quy trình VietGAP. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Phú Hòa cho biết, HTX có diện tích canh tác 615 ha, với 325 xã viên. Năm 2019, HTX được Ban quản lý dự án VnSAT tập huấn “3G3T”, “1P5G” cho 2 lớp với 100 thành viên tham dự.

Thực hiện mô hình thí nghiệm giảm lượng giống gieo sạ 80kg/ha, 100kg/ha/, 120 kg/ha và 50 kg/ha, áp dụng lúa cấy máy với diện tích 4 ha với 4 hộ dân vụ Đông Xuân 2018- 2019. Vụ Hè Thu 2019, mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận với diện tích 150 ha bằng máy cấy với 60 nông dân tham gia.

Qua những các lớp tập huấn, cũng như thực tế canh tác, nông dân đã thấy được lợi ích thiết thực của việc sạ thưa nên ngày càng có nhiều người mạnh dạn áp dụng. Đồng thời, chuyển 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm. Nhờ đó, đất không bị khai thác quá mức dẫn đến thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng.

Tại tỉnh Long An, các HTX tham gia dự án VnSAT cũng đã thay đổi hẳn phương thức canh tác cũ. Ông Ngân Văn Phi, Giám đốc HTX Hưng Tân, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng cho biết: “Cách đây hai năm, dự án VnSAT đã hỗ trợ cho thành viên của HTX thực hiện cánh đồng lớn với diện tích sản xuất là 50 ha theo chương trình “1P5G”. Dựa trên những kiến thức đã được tập huấn, HTX tiếp tục thực hiện sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ là 6 ha. Chúng tôi sạ giống Jasmine 85. Lúa thu hoạch bán được giá cao”.

“Mô hình được nhân rộng, toàn bộ thành viên của HTX Hưng Tân được tập huấn kiến thức sản xuất lúa theo quy trình “1P5G”, diện tích được tập huấn là 510 ha. Đến nay, đa số bà con đều làm theo quy trình chuẩn. Từ đó kết quả đó, đã có 300 ha thực hiện liên kết trong sản xuất. Còn 200 ha chúng tôi đang tiếp tục vận động bà con vào chuỗi liên kết” – ông Phi cho hay.

 “Thực hiện quy trình “1P5G”, tôi thấy tăng chất lượng sản phẩm lúa gạo và tăng lợi nhuận vì giảm được lượng giống đáng kể, giảm được phân, thuốc BVTV nữa. Chất lượng hạt gạo đồng đều hơn. Giá bán được cao hơn. Từ đó thành viên của HTX có thu nhập cao hơn” - ông Ngân Văn Phi chia sẻ. 

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Long An, tính đến nay, thống kê sơ bộ số người được hưởng lợi từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Long An là 72.412 người, vượt 6.412 người so với mục tiêu ban đầu là 66.000 người, đạt tỷ lệ 109,7%. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt hơn 17.655 ha, đạt tỷ lệ 88,3%.

Nhân rộng ra các địa bàn lân cận

“Thông qua dự án VnSAT, cán bộ kỹ thuật đã triển khai mở được nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân về kỹ thuật “3G3T”, “1P5G”.

Đồng thời, xây dựng những mô hình áp dụng thực tế trên đồng ruộng, giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc trừ sâu, giảm đổ ngã và giảm hao hụt sau thu hoạch. 

Tỉnh Kiên Giang hiện đã áp dụng được 2/3 tổng diện tích, tương đương 20.000/30.000 ha mục tiêu đề ra. Trong đó, có 10.000 ha áp dụng kỹ thuật “1P5G” và 10.000 ha áp dụng theo “3G3T”.

Hiện nay, BQL dự án VnSAT đang cố gắng nhân rộng mô hình ra các địa bàn lân cận, đồng thời gắn sản xuất với tiêu thụ lúa hàng hóa cho bà con nông dân”, ThS Lương Thanh Hải, Chuyên gia Tư vấn Truyền thông BQL Dự án VnSAT Kiên Giang.

 

Nguyễn Chương (theo hoinongdan.org.vn)