Những năm gần đây, kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh Kiên Giang được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là sau quá trình chuyển đổi mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ sang mới với nhiều thuận lợi. Lợi ích của người dân khi tham gia vào HTX được thể hiện rõ qua quá trình sản xuất canh tác cũng như đời sống được nâng lên. Có thể thấy rằng việc xác định và chọn KTTT để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn.
HTX kiểu mới phải đúng bản chất mới thu hút
Xác định vai trò quan trọng của KTTT trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, từ đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều quyết sách về “Xây dựng và phát triển KTTT tỉnh Kiên Giang”. Đây được xem là động lực mới để đẩy mạnh phát triển KTTT theo đúng “quỹ đạo”, phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả vững chắc.
Các hoạt động hỗ trợ HTX phát triển như tập trung xây dựng chặt chẽ mối liên kết “bốn nhà”; xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm mà HTX làm ra.

Cần xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh trên thị trường
Điển hình về sự quan tâm của hệ thống chính trị đối với hoạt động của HTX được thể hiện rõ nhất ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, U Minh Thượng… đang phát triển rất mạnh. Thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện, đoàn thể chính trị xã hội đã tạo điều kiện và hỗ trợ rất nhiều cho các HTX. Đặc biệt, khi mới thành lập, chính quyền cơ sở thường ng cho HTX mượn trụ sở ấp làm nơi sinh hoạt và giao dịch tạm, quá trình hoạt động, xã luôn sát cánh với HTX….
Nhân rộng các mô hình HTX làm ăn hiệu quả
Chia sẻ về những thành công các năm qua, ông Nguyễn Minh Hải, giám đốc HTX Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành nói: “Từ khi HTX thực hiên sản xuất theo chuỗi, thành viên vụ nào cũng có lời cao. Trước đó khi chưa tham gia vào HTX giá cả bấp bênh, trong khi chi phí cho sản xuất lại cao, giá cả thì bị thương lái ép. Hiện tai HTX hợp đồng cung cấp từ giống lúa, phân bón và đều được mua với giá rẻ, chất lượng, lại được hướng dẫn chăm sóc tận tình, đến khi thu hoạch HTX lo luôn cho dân về đầu ra, giá lúa lúc nào cũng cao hơn thị trường…”

Ông Nguyễn Minh Hải, giám đốc HTX Tân Hưng (Thứ 4 từ trái qua) nhận hỗ trợ máy cày tử Liên minh HTX Việt Nam
Mục tiêu của HTX là làm sao giúp nông dân có lời, chưa tính lời cho HTX, các thành viên trong HTX không những được đảm bảo đầu ra, còn được cung cấp giống lúa chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và được sử dụng các dịch vụ với giá cả hợp lý…
Có thể nói, thời gian qua các HTX trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là một tổ chức có hai tính chất, vừa là tổ chức kinh tế, vừa mang tính cộng đồng xã hội. Thành viên thực hiện vai trò làm chủ của mình bằng cách tham gia vào quá trình ra quyết định các nội dung quan trọng của HTX, mặt khác thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp nhiều hay ít.
Điều đáng chú ý là nhiều HTX làm ăn có hiệu quả đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo ở địa phương nói chung và giúp thành viên thoát nghèo bền vững, từ nghèo lên khá, từ khá làm giàu nói riêng. Bên cạnh đó, HTX còn đóng góp tích cực vào nhiều hoạt động công tác xã hội ở địa phương.
Mặc dù mới thành lập được vài tháng, nhưng HTX nông nghiệp hữu cơ Thanh Niên Gò Quao đã tích cực hỗ trợ thành viên và nông dân phá triển sản xuất. HTX không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên mà còn liên kết chặt chẽ với nông dân, giúp họ sản xuất bền vững, tăng thu nhập. Sản phẩm chính của HTX là Nấm Rơm và phân Trùng Quế, trong hoạt động HTX phân công nhiệm vụ và khuyến khích các thành viên bằng việc, phân công mỗi thành viên đảm nhận một khâu, chịu trách nhiệm toàn bộ khâu đó…ai tham gia trực tiếp vào khâu sản xuất hay kỹ thuật đều được tính công như thuê lao động. Với phương thức làm ăn năng động nên chỉ mới vụ đầu trồng Nấm HTX đã đảm bảo được mức lợi nhuận cơ bản.

Giám đốc HTX trẻ Hứa Trường Giang bên mô hình trồng Nấm Rơm
Chia sẻ vấn đề này, bạn Hứa Trường Giang, giám đốc HTX cho biết “Thời gian tới sẽ mở rộng thêm dịch vụ và cố gắng đảm bảo lợi nhuận cho thành viên một cách nhất định; Lợi thế của HTX là được địa phương quan tâm rất nhiều, đa số cán bộ HTX con trẻ, có chuyên môn nên việc thực hiện các dịch vụ cũng có nhiều thuận lợi hơn…”
Hiên nay chủ trương của Tỉnh là làm sao vận động, khuyến khích xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng lớn, để làm ăn lớn, đồng thời Tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cánh đồng lớn là nhằm phát triển KTTT, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…
Phải xác định, việc nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng và phát triển các HTX theo mô hình kiểu mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thông qua HTX để tiếp sức, hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, chứ không phải trách nhiệm cụ thể của một ngành hay một cấp nào. Thế cho nên, cần phải hiểu đúng và đủ các nội dung định hướng nâng cao KTTT thì mới có thể phát triển lâu dài và bền vững được trong tương lai.