Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Giám đốc hợp tác xã trẻ, dám nghĩ - dám làm

(10:23 | 18/03/2020)

Hứa Trường Giang, sinh năm 1996 sinh sống tại ấp Thạnh Hòa 2, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, có thể nói là một trong những giám đốc hợp tác xã (HTX) trẻ nhất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay. Khác với vẻ bề ngoài trắng trẻo, thư sinh, ngược lại Giang còn là người mạnh mẽ, có nhiệt huyết. Khởi nghiệp từ con số không, nhưng hiện nay Giang đã có một mô hình khép kín nuôi trùng quế và trồng nấm rơm, mỗi tháng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Mới đây, Giang mạnh dạng cùng các thanh niên ở địa phương thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX.

 

Description: D:\BAI VIET WEB CQ\ANH\Thanh nien go quao\z1774027129313_21210ead86105dd189489b19d81b32c4.jpg

Hứa Trường Giang (thứ 2 từ phải qua), chàng giám đốc HTX  trẻ dám nghĩ, dám làm

 

Nói ra ai cũng không khỏi bất ngờ khi biết Hứa Trường Giang có trong tay bằng Đại học lại về quê lập nghiệp mà còn làm giám đốc HTX. Nhưng với Giang, làm ở đâu không quan trọng, miễn sao minh phát huy được hiệu quả của công việc và có thu nhập ổn định. Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Bảo vệ thực vật, Giang xin được việc tại một công ty nước ngoài với mức lương mơ ước. Trong thời gian này, vừa đi làm ở công ty Giang thử nghiệm nuôi trùn quế trên phần đất tại gia đình. Tuy nhiên, do việc nuôi trùng quế đòi hỏi khá nhiều thời gian, làm ở công ty được 4 tháng Giang quyết định nghỉ việc và chuyên tâm thực hiên mô hình của mình.

 

Mặc dù còn trẻ, nhưng với niềm đam mê và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm đã giúp Giang thành công trong con đường khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình. Hiện tại, là chủ một cơ sở nuôi trùn quế khá quy mô và có cả thương hiệu riêng được nhiều người biết đến. Ngoài ra, Giang còn là một đoàn viên tiêu biểu về lĩnh vực thanh niên lập thân lập nghiệp của Chi đoàn ấp Thạnh Hòa 2, xã Thủy Liễu.

 

Vào thăm trực tiếp mô hình nuôi trùn quế của Giang mới thấy được sự sáng tạo của chàng kỹ sư trẻ tuổi thực hiện hơn 2 năm nay và đã có sản phẩm bán hơn 1 năm. Giang cho biết nuôi trùn quế cũng đơn giản, hơn nữa vốn có chuyên môn về bảo vệ thực vật nên Giang gặp nhiều thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý, kỹ thuật nuôi trùn quế.

 

Hứa Trường Giang, Giám đốc HTX giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, nuôi trùng quế

 

Hiện tại Giang đã xây dựng 3 địa điểm nuôi trùn quế với tổng diện tích mỗi nhà nuôi khoảng 1.000 m2. Thức ăn chủ yếu của trùn quế là bùn bã hữu cơ như rơm mục, lục bình, phân trâu, bò…đây là những thứ dễ tìm kiếm ở địa phương. Mặt khác, sau khi thu hoạch nấm rơm, lượng rơm bỏ ra không ít nên không mấy khó khăn trong việc tìm kiếm. Qua quá trình trùn quế phân hủy sẽ cho ra nguồn phân hữu cơ tự nhiên giàu đạm bón cho cây trồng rất tốt. Nguồn phân hữu cơ này được cung cấp cho các cơ sở trồng hoa kiểng, rau sạch, chủ yếu là các cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy Giang còn bán con giống trùn quế cho những ai có nhu cầu nuôi với giá 20 ngàn đồng/ký. Hiện tại, đã có hàng chục thanh niên ở địa phương đang liên kết và làm theo mô hình của Giang.

 

Nói về mơ ước của mình Hứa Trường Giang bộc bạch: “Mơ ước của em lúc đầu là thi vào ngành công an, chứ không phải công việc như bây giờ, nhưng do lúc đó thi không đủ điểm mà lại đủ điều kiện vào ngành Bảo vệ thực vật của Trường Đại học Cần Thơ nên em theo học luôn. Tuy nhiên, học được một năm tự nhiên em thấy có nhiều cái thú vị với ngành này, riếc rồi trở thành niềm đam mê, càng nghiên cứu càng thích. Hơn nữa, e thấy có thể về áp dụng và phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương mình, nên sự quyết tâm trong em càng trổi dậy”.

 

Giang nói thêm “Cái duyên đến với nghề này cũng từ việc đi làm thêm để trang trãi cuộc sống lúc học ở Cần Thơ. Thấy nghề này có tiềm năng từ đó em đã ấp ủ ý định thực hiện mô hình tại quê nhà của mình. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường em quyết định mua con giống về nuôi thử nghiệm với số lượng tới 200 ký. Thật sự ban đầu cũng hết sức khó khăn, nhất là việc quyết định bỏ việc công ty về nhà nuôi trùn quế, phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Nhưng cuối cùng vì niềm đam mê khởi nghiệp, muốn tự mình làm chủ nên em quyết định về nhà làm kinh tế. Khó khăn hơn nữa là lúc đầu ba mẹ em cũng không đồng ý, phải thuyết phục lâu lắm. Thấy em đam mê và quyết tâm thực hiện mô hình, bên cạnh đó sản phẩm phát triển tốt, đầu ra ổn định, có thu nhập cũng khá nên dần dần ba mẹ cũng ủng hộ...”.

 

Để quảng bá thương hiệu các sản phẩm hữu cơ của mình, Giang đã lập riêng một trang website có tên “www.trunquekiengiang.comvới mong muốn phát triển thương hiệu trùn quế của mình trên khắp cả nước. Ngoài ra, Giang cũng đã đăng ký thương hiệu độc quyền với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang.

 

Chỉ sau hơn 1 năm bán sản phẩm phân trùn quế và trùn quế giống Giang đã lấy lại được vốn đầu tư ban đầu. Chiến lược kinh doanh của Giang thực hiện giảm giá cho khách hàng mua phân trùn quế tùy vào số lượng đơn đặt hàng, mua càng nhiều giá càng rẻ.

 

 

Mô hinh nuôi trùng quế của chàng Giám đốc HTX trẻ hiện tại

 

Trước khi thành lập HTX, Giang đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình bằng cách tự thiết kế logo in trên bao bì với tên “Trùn Quế Kiên Giang”. Cũng chính vì thế mà thương hiệu trùn quế của Giang được nhiều người và thường liên hệ đến tham quan học tập kinh nghiệm. Hiện tại mô hình cho ra khoảng 5 dạng phân hữu cơ từ trùn quế, thích hợp bón cho các loại cây trồng khác nhau.  

 

Phân hữu cơ được đóng thành bao bán ra thị trường

 

Mục đích việc thành lập HTX của Giang là muốn tập trung tất cả sản phẩm của thành viên, xây dựng thương hiệu và làm nhiều dịch vụ tạo thành sức mạnh tập thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường, mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên và thanh niên địa phương. Sắp tới, hướng HTX sẽ tổ chức các hội thảo giới thiệu về mô hình, kinh nghiệm nuôi trùn quế đến bà con nông dân trên toàn huyện và cả một số địa bàn lân cận khác.

 

Mơ ước của Giang là muốn làm sao để HTX phát triển mạnh và dịch vụ không chỉ dừng lại ở việc nuôi trùn quế và cung cấp nguồn phân hữu cơ cho thị trường mà còn mở rộng thêm các dịch vụ nông nghiệp sạch khác nữa. Giang còn dự định sẽ viết sách về kỹ thuật nuôi trùn quế và kỹ thuật bón phân cơ bản cho một số loại cây trồng.

 

Mong rằng, với quyết tâm sức trẻ, HTX nông nghiệp hữu cơ thanh niên Gò Quao nói chung và Hứa Trường Giang nói riêng sẽ mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp địa phương. Tạo thu nhập ổn định cho thành viên, khẳng định tính hiệu quả của mô hình HTX trong thời kỳ đổi mới. Phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, góp phần giảm thiểu sản xuất hóa học trong tương lại.

 

T.T