Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ phục vụ cho lĩnh vực kinh tế tập thể, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 340 nhằm cụ thể hóa việc triển khai tại các địa phương theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261. Theo đó, từ nay tới năm 2020, sẽ hỗ trợ từ 3 - 5 HTXNN tại mỗi tỉnh, thành phố; mỗi hợp tác xã có 3 lao động trình độ cao đẳng trở lên.
Cần cán bộ trẻ có trình độ, năng lực
Đối với Kiên Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành Chỉ thị 1557/CT-UBND ngày 13-7-2018, giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh tuyển dụng, quản lý, trả lương và bồi dưỡng kiến thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã cho cán bộ trẻ tốt nghiệp từ cao đẳng, đại hội về làm việc có thời hạn tại các HTXNN. Việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTXNN nhằm kỳ vọng hỗ trợ các HTXNN trong quản trị sản xuất, quản trị tài chính và kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTXNN.
Hiện Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang dự toán kinh phí để đến năm 2019 sẽ tổ chức tuyển cán bộ trẻ có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh về làm việc tại hợp tác xã, lương sẽ trả trong 3 năm, mức lương bằng mức tối thiểu vùng, số lượng tuyển là 1-3 người làm việc tại 1 hợp tác xã. Trước mắt Liên minh Hợp tác xã sẽ tham mưu UBND tỉnh chọn một số HTXNN thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng.
Theo tiêu chí mà Trung ương quy định, các hợp tác xã thuộc diện ưu tiên hỗ trợ phải là hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể. Đồng thời, có phương án sử dụng lao động phù hợp, hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc cho hợp tác xã.
Qua thực tiễn hoạt động của HTXNN trong thời gian qua có thể khẳng định, trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại hay sống còn của hợp tác xã nói chung và HTXNN nói riêng.

Rất cần những cán bộ trẻ, có trình độ về công tác tại các hợp tác xã
Việc đưa những cán bộ trẻ, có trình độ về công tác tại các hợp tác xã sẽ góp phần thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức nông nghiệp, tạo động lực để các HTXNN hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề này khi đưa vào thực hiện phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và mục tiêu sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.
Ví dụ điển hình như HTXNN Tân Hưng, xã Giục Tượng (huyện Châu Thành). Anh Lê Minh Hải, được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTXNN Tân Hưng khi mới 38 tuổi. Có thể nói đây là quản lý hợp tác xã trẻ nhát nhì lúc bấy giờ (năm 2011). Chính vì trẻ, anh Hải luôn thể hiện được sự nhanh nhạy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, giúp hợp tác xã ngày càng phát triển, mang lại lợi nhuận cao cho thành viên.
Cụ thể là khi thực hiện các dịch vụ cho thành viên, anh đều đưa ra đấu thầu, lúc này sẽ mời các doanh nghiệp, thương lái để đấu thầu dưới sự chứng kiến của thành viên hợp tác xã, đối tác nào cho giá cao hơn thì chọn đối tác đó. Việc trả lương cho Hội đồng quản trị, trích quỹ và chia lợi nhuận cho thành viên được HTXNN Tân Hưng thực hiện đầy đủ, đúng Luật Hợp tác xã năm 2012.
Nhưng vẫn cần người có kinh nghiệm
Trong khi việc thu hút trí thức trẻ về hợp tác xã chưa phát huy hiệu quả thì những cán bộ lâu năm có kinh nghiệm trở thành lực lượng không thể thiếu của các hợp tác xã. Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh thì việc trí thức trẻ về làm việc cho hợp tác xã hiện nay có thể nói là rất hiếm. Nguyên nhân do thu nhập thấp và cơ sở vật chất hợp tác xã thiếu thốn nên những cán bộ trẻ mới ra trường không đủ kiên trì để “bám trụ”. Những giám đốc hợp tác xã hiện nay đều là những người gắn bó với phong trào kinh tế tập thể, sản xuất hộ gia đình giỏi nên được tín nhiệm bầu lên.
Trao đổi với nhiều lãnh đạo kì cựu của các hợp tác xã đều cho rằng: “Với xu hướng hiện nay, hợp tác xã rất cần người trẻ, có trình độ nhưng cần hơn hết là người dám nghĩ dám làm, tự lực vươn lên, biết cống hiến vì tập thể. Nếu chọn giữa người chưa có bằng cấp mà có kinh nghiệm và người có bằng cấp nhưng toàn kiến thức lý thuyết thì vẫn cần người có kinh nghiệm hơn; vì trình độ có thể được bồi dưỡng qua các lớp tập huấn kiến thức hàng năm còn kinh nghiệm thì phải kiên trì trải qua thăng trầm thực tế mới có được”.

Nhưng vẫn cần cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn
Toàn tỉnh có 421 hợp tác xã đang hoạt động với tổng số cán bộ trên 2000 người, trong khi đó trình độ đại học, cao đẳng chiếm chưa đến 10 %. So với các thành phần kinh tế khác, thì kinh tế tập thể có số lượng cán bộ có bằng cấp cao ít hơn hẳn. Tuy vậy, nhiều hợp tác xã đã và đang hoạt động hiệu quả, cho doanh thu tương đối, góp phần tích cực vào sản xuất kinh tế hộ, vào xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp.
Thực tế rất cần những người trẻ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm về hợp tác xã để kế thừa lực lượng cán bộ cũ đã lớn tuổi. Đó không chỉ là kì vọng của Đảng và Nhà nước mà còn là kì vọng của những người nông dân đang mong muốn vươn lên từ kinh tế tập thể.