Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

(07:50 | 05/08/2019)

   Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp gây ra các hiện thời tiết cực đoan ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, điều này đã dẫn đến những bất lợi cho người nông dân, vì vậy đòi hỏi người nông dân phải có những biện pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; tuy nhiên với một cá nhân thì việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao mà cần có sự hợp tác phối hợp thực hiện của một tổ chức, một cộng đồng, vì vậy vai trò của hợp tác xã (HTX) là rất quan trọng cần được phát huy nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần thực hiện Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Hiệu quả từ HTX kiểu mới

Sau gần 3 năm triển khai Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”, Kiên Giang phát triển mạnh mẽ HTX với 164 HTX thành lập mới và 8.912 thành viên. Các mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, một mặt củng cố tổ chức và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết với doanh nghiệp đầu vào đầu ra, xây dựng chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản; mặt khác áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó BĐKH.

Tận dụng lợi thế tự nhiên, các HTX nông nghiệp tại Kiên Giang đã tổ chức nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng cho phù hợp với các điều kiện tự nhiên của địa phương. Các kết quả bước đầu về lợi nhuận ròng thu được mỗi ha rất khả quan và nhiều địa phương đã lựa chọn mô hình này cho kế hoạch thích ứng trong thời gian tới. Điều này cho thấy, chuyển biến trong tư duy và hành động của nông dân, ngành chức năng và các địa phương đã góp phần hình thành những HTX kiểu mới, hướng đến các mô hình sản xuất đáp ứng được những thay đổi của khí hậu cực đoan.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Thực tế cho thấy, Kiên Giang đang phải đối diện với 2 thách thức lớn là sự cạnh tranh nông sản khốc liệt trong hội nhập kinh tế quốc tế và những tác động xấu của BĐKH đe dọa đến sự phát triển bền vững. Những kết quả trên mới chỉ phản ánh hiệu quả bước đầu của việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới. Vẫn còn những HTX nông nghiệp còn yếu, quy mô sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, việc hình thành các mô hình HTX thích ứng với BĐKH còn tự phát, nhỏ lẻ và hầu hết chưa có cơ sở khoa học.

Trong thời gian tới để ứng phó với biến đổi khí hậu các HTX cần được hỗ trợ lập kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch ứng phó BĐKH; bố trí lại mùa vụ và tổ chức sản xuất tập trung, khoa học nhằm giảm thiểu các tác động xấu của BĐKH; cung ứng và chuyển giao các giải pháp công nghệ như sử dụng giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác mới; tổ chức quan trắc môi trường canh tác và các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tưới tiêu hiệu quả.

Cùng với đó, cần có các hoạt động hỗ trợ HTX và các thành viên tham gia chuỗi giá trị, thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm soát chất lượng và làm đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm.

HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BĐKH. Tuy vậy, nguồn nhân lực của HTX hiện thiếu cả về số lượng và năng lực nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng yếu, vốn hoạt động thiếu và khó tiếp cận.

Một số HTX kiến nghị cần tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp vay vốn đầu tư thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh đề án đưa cán bộ trẻ có trình độ về công tác tại các HTX nông nghiệp, nguồn nhân lực có trình độ này sẽ là nguồn tri thức mới sẽ giúp các HTX định hình hoạt động theo mô hình mới và thích ứng với BĐKH. Đây chính là những điểm nghẽn cần tháo gỡ nhanh nếu muốn phát huy vai trò của HTX nông nghiệp của tỉnh nhà.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp và phát huy vai trò ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới của các HTX, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ cho nông dân nhận thức đúng đắn về một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại trong cơ chế thị trường, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường công tác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ hai, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các HTX nông nghiệp vay vốn sản xuất, hiện nay hầu hết các HTX đều thiếu vốn sản xuất, nhưng không thể vay vốn do không có tài sản thế chấp.

Thứ ba, cần tập trung đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực; nhất là chính sách đưa cán bộ trẻ về công tác có thời hạn tại các HTX nông nghiệp để từ đó giúp HTX phát triển và làm ăn có hiệu quả, bên cạnh đó cần tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ chủ chốt của HTX trong việc tổ chức các dịch vụ, hoạt động kinh doanh.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới chất lượng, mẫu mã đẹp, có đặc điểm khác biệt và an toàn cao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các mô hình HTX nông nghiệp, tổ hợp tác hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị chất lượng cao, mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản  giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung.

Thứ sáu, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực liên kết và uy tín thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các HTX nông nghiệp trên địa bàn.

Thứ bảy, tập trung các nguồn lực để thực hiện thí điểm hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới sản xuất các nông sản có thế mạnh của tỉnh (lúa gạo, thủy sản, khóm và trái cây) để từng bước hoàn thiện, nhân rông và làm tiền đề để phát triển có hiệu quả mô hình kinh tế tập thể ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.

Thứ tám, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phát triển kinh tế hợp tác để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, nhất là việc hoạt động đúng theo luật quy định, các vấn đề xảy ra trong quá trình liên kết sản xuất.

Yến Ngọc