Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

(10:26 | 01/08/2019)

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ là nơi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nước nhà theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để phát huy được vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp,nông thôn, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số  236/2019/NQ-HĐND ngày 26/7/2019 Quy định chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Các doanh nghiệp là “trụ cột”, là “đầu tàu trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng

Theo đó, Nghị quyết quy định đối tượng được hưởng chính sách là: Doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và có dự án quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Nguyên tắc áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng được thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Nhà nước ưu đãi đầu tư thông qua miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và giảm một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

2. Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng hình thức hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hoặc cấp bù chênh lệch lãi suất cho doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Nghị định này.

4. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết với nông dân.

5. Trong cùng một thời gian, nếu dự án đầu tư được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có các mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.

6. Doanh nghiệp tự bỏ vốn, huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư theo định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành; trình tự, thủ tục hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.

Khi doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành bằng 100% chênh lệch lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại làm cơ sở để ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho vay thấp nhất của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có hoạt động cho vay các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ được ngân hàng thương mại niêm yết công khai tại các điểm giao dịch.

Mức lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư làm căn cứ cấp bù chênh lệch lãi suất là lãi suất cho vay tín dụng đầu tư do Ngân hàng Phát triển Việt Nam công bố áp dụng cho từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với từng khoản vay tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: Tối đa 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư; Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 08 năm; Dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.

Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất lãi suất cho 70% tổng mức đầu tư của dự án. Phương thức hỗ trợ sẽ tùy trường hợp và theo hồ sơ thanh toán thực tế giữa doanh nghiệp với ngân hàng thương mại trên cơ sở hợp đồng đã ký: ngân sách tỉnh cấp trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc cấp thông qua ngân hàng mức chênh lệch lãi suất vay mà doanh nghiệp được hỗ trợ.

Tuy nhiên, sẽ không thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay (gốc và lãi) quá hạn tính từ thời điểm quá hạn; Phần vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh không tính vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Số lượng dự án hỗ trợ tùy thuộc vào khả năng cân đối vốn của từng giai đoạn và hàng năm, nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp xây dựng tổng mức vốn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh hàng năm và 05 năm, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Để chính sách quy định tại Nghị Quyết số 236/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang đi vào cuộc sống, thực sự là một Chính sách chìa khóa trong chuỗi giá trị của tỉnh. Thiết nghĩ, việc cần làm trước mắt là tăng cường thông tin, tuyên truyền hơn nữa về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với các hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.

Yến Ngọc