Sản xuất vụ lúa Hè - Thu năm 2019, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 280.000 ha, phấn đấu năng suất bình quân 5,61 tấn/ha, sản lượng hơn 1,57 triệu tấn. Diện tích gieo sạ Hè Thu sớm trên 38.455 ha, tập trung tại các huyện Giang Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất, Châu Thành.
Trong 2 tuần nay, bà con nông dân tại một số huyện trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè Thu sớm nhằm chuẩn bị cho vụ Thu - Đông (Vụ 3). Tuy nhiên, với lượng mưa đầu mùa đến sớm và lưu lượng lớn đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa của người dân. Lúa không thể thu hoạch được, ngã đổ, lên cây ngay tại ruộng, bà con không thể bán được. Còn bán được thì người nông dân lại chịu cảnh bán lúa tại ruộng với giá 3.900 - 4.000 đồng lúa IR50404; 4.300 - 4.400 đồng/kg lúa OM5451, giảm tới 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ thống thương lái truyền thống ít đặt cọc mua lúa tươi trong dân để tránh thua lỗ; nhiều diện tích lúa đã chín kéo dài ngày trên đồng chờ thương lái dẫn đến giảm chất lượng, giảm năng suất. Năm nay, số diện tích đã ký kết bao tiêu với doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang chỉ khoảng 27.273ha, giảm trên 21.000ha so với cùng kỳ.
Ông Lý Văn Hiệp, giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp số 1 Tân Hòa B, ấp Tân Hòa B, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp cho biết: “Lúa Hè Thu sớm của thành viên hợp tác xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa đầu mùa liên tục, lúa chín không thu hoạch được, đổ rục tại ruộng đến lên cây, năng suất chỉ đạt 4tấn/ha, thương lái lại không thu mua; thành viên phải đem lên tận các nhà máy sấy lúa ở tỉnh An Giang để sấy khô đảm bảo cho việc dự trữ, chi phí rất tốn kém, vụ này bà con nông dân lỗ vốn rồi”.

Người dân khóc ròng bên ruộng lúa đổ sập, lên cây tại ruộng (Ảnh Tuoitre.com)
Còn một số nông dân tại huyện Hòn Đất thì chia sẽ: với giá thành làm ra 1kg lúa dao động từ 3.500 - 3.700 đồng đối với ruộng đất nhà, còn thuê mướn thì khoảng 4.000 đồng/kg chi phí. Đối với những ruộng lúa bị sập, lúa lên cây tại ruộng thì bà con nông dân phải bấm bụng bán với giá 2.900 đồng/kg để trang trãi tiền phân bón, vật tư nông nghiệp. Nếu bán với với giá hiện nay và năng suất vụ Hè - Thu tương đối thấp như vậy, bà con bán thấp hơn giá thành sản xuất thì chỉ mong là hòa vốn.

Thời tiết xấu, lúa ngã đổ là nguyên nhân làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng lúa
Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty có trụ sở đặt tại Cần Thơ), cho hay giá thành sản xuất lúa vụ hè thu dao động ở mức 3.600-3.900 đồng/kg, trong khi giá bán ở mức 3.800 đồng/kg, người dân đang lỗ. Với tình hình trên, cần phải có giải pháp để mua hết lúa trong dân khi vụ Hè - Thu đến, việc đảm bảo người trồng lúa có lời tối thiểu 30% là khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng giá lúa giảm sâu như trên được cho là do xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019 và nhiều khó khăn trong nửa cuối năm nay. Trong 5 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2018, với trị giá đạt khoảng 1,18 tỉ USD, giảm 20,4%.
Giá xuất khẩu gạo cũng giảm rất mạnh, trung bình chỉ còn 427,5 USD/tấn, giảm tới gần 77 USD/tấn so với cùng kỳ 2018.
Mặc dù, UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đẩy mạnh thu mua lúa gạo dự trữ để giải quyết khó khăn; các đơn vị tín dụng có chính sách hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp mua lúa tạm trữ. Tuy nhiên, do trữ lượng lúa vụ trước còn tồn tại kho, diện tích lúa đang dần vào cao điểm thu hoạch, khả năng tài chính thu mua của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được việc thu mua số lượng lớn, thị trường tiêu thụ ảm đạm nên nhìn chung tình hình tiêu thụ lúa gạo vẫn chưa thật sự khả quan. Đây vẫn tiếp tục là nguyên nhân tạo ra áp lực tiêu thụ lúa Hè - Thu trong thời gian tới.