Đường ở xã Bàn Thạch đã được nhựa hóa, giúp cho con em đi lại, vui chơi dễ dàng
(Ảnh: Trần Bì)
Thành lập vào năm 2002, Bàn Thạch là xã khó khăn nhất của huyện Giồng Riềng. Song, từ khi chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc của Chính phủ triển khai phát huy tác dụng, đem lại sự tin tưởng, giúp đồng bào tự tin nỗ lực vươn lên đưa xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Các công trình xây dựng cơ bản đã dần hoàn thiện nối xã liền xã, ấp liền ấp, tạo điều kiện cho bà con đi lại và giao thương dễ dàng. Trong năm 2018, Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng đường trục chính tuyến KH3 ấp Láng Sơn, Láng Sen giáp xã Thạnh Hòa chiều dài 1.900 m, với tổng nguồn vốn 2.588.000.000 đồng, đã thi công xong; thi công hoàn thành tuyến KH3 ấp Cây Trôm dài 950 m, với tổng nguồn vốn 1.139.970.000 đồng. Đường ngõ xóm: Xây dựng 03 tuyến với chiều dài 1.620m, với tổng số tiền 1.378.238.000 đ; xây dựng mới 1 cây cầu; thi công 01 trạm bơm điện tại ấp Giồng Đá, hiện trên địa bàn xã có 08 trạm bơm điện đang hoạt động và 06 cống đập.
Từ hợp tác xã (HTX) đầu tiên được thành lập vào giữa tháng 6 năm 2011 đến nay toàn xã đã có 07 HTX và 18 tổ hợp tác, với diện tích 1.293,9 ha, chiếm 93,09% diện tích đất nông nghiệp toàn xã, có 1.339 hộ tham gia, các HTX đang dần hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và sự định hướng của địa phương. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh chia khối thi đua các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các HTX ở xã Bàn Thạch đã tham gia khối tích cực và gắn kết với nhau hơn trên tinh thần thi đua là yêu nước, cùng nhau phát triển; các HTX đã phát động rộng rãi đến mọi thành viên trong HTX và người dân địa phương. HTX tại xã Bàn Thạch đã chủ động cùng nhau xây dựng phương án, góp vốn điều lệ, xây dựng đê bao khép kín tất cả diện tích sản xuất của thành viên và hạ thế trạm điện, bơm tát tập thể nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận; HTX chủ động trong mọi khâu không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước Năm 2018, sản xuất kinh doanh của người dân đạt được những con số ấn tượng: Diện tích lúa đông xuân 2017 – 2018 thu hoạch được 1.390ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất đạt 7,7/7,4 tấn/ha, đạt 104,05% kế hoạch, sản lượng đạt 10.703 tấn, lúa đạt chất lượng xuất khẩu đạt trên 80%; Vụ hè thu gieo sạ được 1.390/1.390ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 5,4/5,4 tấn/ha, đạt 100% kế hoạch, sản lượng 7.506 tấn. Lúa thu đông thu hoạch được 530/530 ha, đạt 100%, năng suất đạt 4,7 tấn/ha, sản lượng 2.491 tấn. Rau, màu các loại trên đất ruộng, liếp vườn, bờ bao, thổ cư hộ gia đình đạt gần 300 ha.
Thành viên HTX sử dụng phương pháp sạ hàng nhằm giảm lượng giống (Ảnh: Lê Văn Trí)
Khi tiếp nhận các chương trình, chính sách của Chính phủ, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giám sát Chương trình và triển khai đến các đoàn thể xã, ấp và nhân dân, tạo được lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018, hiện còn 143 hộ, chiếm 5,01 giảm 2,72 % so với cùng kỳ năm trước; hộ cận nghèo còn 164 hộ chiếm 5,75 %.
Anh Danh Sơn, thành viên Hợp tác xã Thuận Phát, ấp Láng Sen, trồng khổ qua (mướp đắng) thu lãi 50 - 60 triệu đồng/năm (Ảnh: Lê Sen)
Đảng bộ và nhân dân địa phương đã có nhiều động thái tích cực để tự thân nỗ lực vươn lên như phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Ngoài những chính sách hỗ trợ của cấp trên, người dân đã tự phát huy nội lực để nâng mức sống lên. Thấy nhà này trồng được rau, nuôi heo, nuôi cá khá giả thì nhà khác sẽ học tập theo. Cứ thế nhiều năm qua, bà con dân tộc đã chí thú làm ăn và giảm dần các loại tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, việc hợp tác làm ăn chi phí đầu vào sản xuất giảm, bà con tăng lợi nhuận và có thời gian làm các công việc khác tăng thu nhập, tình làng nghĩa xóm từ đó thắt chặt hơn.
Đáng mừng hơn, đã có 7/7 ấp đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có 05 ấp đạt văn hóa 04 năm liền (ấp Láng Sơn, Láng Sen, Tà Yễm, Rạch Cũ và Trần Tác Chiến) và ấp Giồng Đá đạt 02 năm liền. 05 ấp đạt danh hiệu cộng đồng học tập.
Những con đường khang trang, những ngôi nhà kiên cố đã mọc lên khắp xã đã thấy sự thay da đổi thịt từng ngày. Bà con cố gắng vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Các chính sách của Nhà nước có thể giúp người dân cái bụng không đói, nhưng không thể giúp người dân có ăn ngon, mặc đẹp, nhà đẹp được. Ý thức được đều này, giờ đây người dân siêng năng, chịu khó làm ăn.