Nghề đan cần xé đã gắn bó và mang lại thu nhập tương đối ổn định cho rất nhiều hộ dân trong ấp Chí Thành, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang gần 40 năm nay, mặc dù chưa được tổ chức nào công nhận nhưng đối với người dân nơi đây nó không khác một làng nghề thực thụ. Đối với nghề này không kén đối tượng, bởi ai cũng có thể làm được, từ trẻ em đến người già, tùy sức và kỹ thuật mà làm theo khâu sao cho phù hợp, tuy nhiên đòi hỏi người trực tiếp tạo ra một sản phẩm đẹp và có chất lượng cần có tính cần mẫn, chịu khó và hết sức cẩn thận trong từng công đoạn như vót nan, đan, làm vành, kết quay...Do đây là nghề truyền thống và là thu nhập chính của đa số các hộ dân trong ấp, việc tạo ra những chiếc cần xé thường xuyên nên nguồn nguyên liệu tại địa phương cũng dần dần bị cạn kiệt không đủ đáp ứng, đôi khi họ phải tìm sang các huyện hoặc tỉnh lân cận để mua nguyên liệu. Sản phẩm làm ra bán rất hút, bởi các chợ cá hay chợ trái cây đều sử dụng rất nhiều sản phẩm này, giá cả thị trường hiện nay rẻ nhất cũng 15.000 đồng/cái đối với cần xé đựng trái cây làm bằng ruột trúc, 20.000 đồng/cái đối với cần xé làm bằng da trúc dùng để đựng cá, hoặc có khi cao hơn.
Điều đáng nói là tuy sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường nhưng nhiều hộ dân lại không có vốn đầu tư, mua nguyên liệu, phải vay mượn trước của chủ thu mua sau đó phải bán rẻ lại cho họ để trừ nợ. Mặt khác, đa số hộ dân sống bằng nghề này đều không có đất canh tác sản xuất, tất cả mọi chí phí sinh hoạt hàng ngày đều phụ thuộc vào tiền lãi từ những sản phẩm cần xé bán được.
![](/PublishingImages/TinTuc/image001.png)
Thành viên HTX Trúc Xinh đang tạo ra sản phẩm cần xé
Trước tình hình khó khăn chung của làng nghề ấp Chí Thành và nhu cầu liên kết hợp tác làm ăn tập thể của bà con. Được sự giúp đỡ hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp và Liên minh hợp tác xã tỉnh, HTX (hợp tác xã) Trúc Xinh đã chính thức ra đời năm 2009 với 64 xã viên, nhằm hỗ trợ nhau về vốn và kỹ thuật giúp người dân làm ăn hiệu quả , tạo cuộc sống ngày càng ổn định hơn, quan trọng hơn nữa là duy trì được nghề đan cần xé truyền thống có từ xưa đến nay ở địa bàn này. Theo thông tin từ HTX cho biết "việc thành lập HTX là muốn tạo thuận lợi cho bà con xã viên trong phương thức làm ăn tập thể, ngoài việc để bà con hiểu nhau, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, bên cạnh còn tập trung đầu ra cho sản phẩm về một chổ, vừa không bị thương lái ép giá như bán riêng lẻ trước đây, vừa bán được giá cao hơn so với bán cá thể"
HTX Trúc Xinh ra đời, có thể nói là điểm tựa vững chắc cho bà con nông dân làm nghề truyền thống đan cần xé ở ấp Chí Thành nói chung và thành viên HTX nói riêng, vì tại đây sẽ phân ra từng khâu từng công đoạn sản xuất, giúp giảm được thời gian, công lao động và tăng số lượng sản phẩm lên, có như vậy mới có thể tăng thêm thu nhập và tạo động lực phát huy nghề truyền thống này.
Mới đây, tại ấp Chí Thành các thành viên HTX Trúc Xinh vui mừng vì được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Có thể nói, đây là bước ngoặt cho sự phát triển làng nghề truyền thống nói chung, HTX nói riêng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của địa phương và nâng cao đời sống của nhân dân lên một bước đáng kể.