Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Tiểu thủ công nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Hợp tác xã Trúc Xinh nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống nghề đan cần xé

(10:08 | 17/12/2021)

Hợp tác xã Trúc Xinh xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp thành lập năm 2009 với 64 thành viên và 183 lao động, với mục tiêu lưu giữ và phát triển hơn nữa nghề truyền thống đan cần xé ở địa phương, thắt chặt sự gắn bó giữa các thành viên, giữa các hộ làm nghề đan cần xé.

Cần xé ở ấp Chí Thành, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp

Theo lời kể của người dân nơi đây, cụ Trà Văn Tám, năm nay đã 78 tuổi là người đã đem nghề đan cần xé về địa phương và nhân rộng, duy trì đến nay. Khoảng năm 1968, ông và gia đình từ xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp về xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp sinh sống. Thấy nghề đan cần xé vừa dễ học, có thể tận dụng tre trúc có sẵn tại địa phương, cái này lúc nào có thời gian cũng làm được, không quá phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên quyết chí học nghề rồi truyền đạt lại cho con cháu, bà con trong vùng.

Cụ Hai một trong những cao niên giữ lửa cho nghề đan cần xé xã Tân Thành

Ngày nay trên thị trường hàng mỹ nghệ bằng nhựa không thiếu, thế nhưng không có gì có thể thay được cần xé của người Việt Nam làm ra. Do sản phẩm được làm bằng tre, trúc nên có sự bền bỉ theo thời gian. Để giữ gìn truyền thống của ông cha ta để lại, làng nghề đan cần xé ở Tân Thành vẫn còn tồn tại là do lòng yêu nghề của các thế hệ. Có gia đình đã trải qua ba thế hệ từ đời ông sang đời cha, rồi tới đời con nhưng họ vẫn miệt mài làm. Những đứa trẻ ngày nay ở làng nghề này chỉ mới 12 tuổi cũng tập tành vót nan, chẻ tre, phụ cha mẹ đan cần xé, cho dù trên thực tại hiện nay số hộ dân làm nghề đan cần xé ở đây không còn nhiều như những năm về trước, phần lớn thanh niên trong độ tuổi lao động di chuyển đến các khu công nghiệp để làm công nhân, nên số lượng lao động trong lĩnh vực này càng giảm. 

Nhiều thế hệ gia đình gắn bó với nghề đan cần xé

Xã hội đang trên đà phát triển, nhiều thiết bị máy móc có thể thay thế sức lao động của người. Vậy mà tại vùng đất Tân Thành vẫn còn tồn tại nghề truyền thống, đan cần xé thủ công. Nhờ có nghề đan cần xé mà nhiều hộ dân có công ăn việc làm, có thể tận dụng thời gian nông nhàn. Hiện vẫn còn nhiều khâu lao động vẫn cần cần xé như: làm ruộng cũng phải cần có cần xé để đựng lúa, đựng phân, người làm vườn hay mua bán trái cây cũng cần có cần xé để đựng trái cam, trái xoài…; người tát mương, tát đìa cũng phải có cần xé để đựng cá tôm, hay người mua bán vật liệu công trình xây dựng thì cần xé dùng vác cát, đá; các bến tàu cũng cần để khiêng vác cá từ tàu lên…

Chính vì thị hiếu người tiêu dùng, người thợ đan cần xé phải nghĩ ra cách thiết kế nhiều kích cỡ cần xé to, nhỏ khác nhau, cái nhỏ nhất cũng đựng từ 1 táo lúa, tương đương 10 ký lô. Cái to hơn thì từ 1-3 giạ, hoặc lớn hơn nữa tùy theo nhu cầu người đặt để đựng vật dụng cố định. Mỗi cái cần xé được làm ra, người thợ phải mất nhiều thời gian và phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên phải có vật liệu là tre, trúc, mây, dây chì… Muốn có được cái cần xé thật bền, xài lâu, người đan phải chọn vật liệu tre, trúc già để làm nan đan, nan trụ, nan léo miệng, nan mê phần đít cần xé. Khi mới lên nan phải đan lông hai, rồi lông tư, bẻ miệng, léo vành, làm quai, nẹp hông, trong đó quai và nẹp hông của cần xé phải làm bằng tre. Trong các công đoạn thì chỉ có công đoạn lên nan, làm nan gốc là khó nhất, vì quyết định độ to, nhỏ của cần xé. Người lành nghề có thể một ngày đan 5-7 cần xé, nhưng đối với người mới vào nghề thì đây không phải là việc dễ làm. Khi mới vào nghề, người đan cần xé thường bị nan tre, trúc cắt chi chít cả tay, có khi không thể lấy dấu vân tay.

Người thợ lành nghề có thể làm 30 cần xé ở công đoạn chưa làm quai như trên

Nhiều người chia sẽ, đã có ý định bỏ nghề theo các con lên thành phố tìm việc khác để làm, nhưng khi đi rồi lại về tiếp tục với công việc đan cần xé vì nhớ nghề, hoặc do hoàn cảnh quay lại với nghề, họ bảo rằng chưa dứt duyên với nghề, không theo nghề không được, nghĩ chừng đôi ba ngày là thấy bứt rứt, bồn chồn khó chịu. Mặc dù công việc này vất vả, nhưng mỗi khi làm ra được cái cần xé chỉn chu, đẹp mắt là niềm vui của người đan cần xé. Giá cả bán ra cho mỗi cái cần xé tùy theo kích cỡ lớn nhỏ, giao sản phẩm ở giai đoạn nào mà giá cả giao động từ 25.000-150.000 đồng/cái. Sau khi trừ các khoản chi phí vật liệu, ngày công công thợ thì người làm nghề còn lời khoảng nửa số tiền của mỗi cần xé bán ra.

Người thợ tỉ mỹ từng thao tác nên sản phẩm làm ra rất chất lượng

Do số lượng hộ còn làm nghề đan cần xé còn ít, nên 2009 mọi người quyết định thành lập hợp tác xã để có thể hợp tác, đoàn kết lại cùng nhau phát triển nghề truyền thống. Thời gian đầu, do chưa quen với hình thức làm ăn tập thể, từng hộ gia đình làm ăn riêng lẽ, hợp tác xã manh mún và không đúng tinh thần của mô hình kinh tế tập thể; nhưng từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, phòng Kinh tế và phòng Công Thương thành phố Rạch Giá, hợp tác xã Trúc Xinh đã tiến hành chuyển đổi và bước đầu thu lại khả quan. Những năm trước hợp tác xã không góp vốn điều lệ, không có lãi, không trích quỹ, vẫn làm ăn kiểu cá thể; những năm gần đây nhờ thay đổi cách làm hợp tác xã đạt được một số kết quả quả với 12 hợp đồng sản phẩm, với số lượng 10.000 cái/năm.

Nguyên liệu vừa thu mua về tại bến

Vùng nguyên liệu tre, trúc ngày càng bị thu hẹp, trước đây chỉ cần đi vào các kênh, gạch lân cận trên địa bàn huyện Tân Hiệp đã có nguyên liệu, nay phải đi tận các huyện Cờ Đỏ, Thốt Nốt của thành phố Cần Thơ để mua nên hợp tác xã sẽ cử vài thành viên đứng ra thu mua về phân phát lại cho bà con. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân duy trì nghề truyền thống địa phương, Ban Giám đốc Hợp tác xã Trúc Xinh đã trải qua những ngày tháng vất vả, chở cần xé bằng xe máy sang tận An Minh, Châu Thành và các tỉnh lân cận để bán lẻ cho ghe đánh bắt hải sản. Nhưng bây giờ, bà con chỉ cần ngồi tại nhà cũng có xe tải đến tận nhà để đem cần xé đi khắp nơi tiêu thụ. Thương lái thu mua là người địa phương, các doanh nghiệp, các vựa trong và ngoài huyện. Nhờ vậy, đầu ra sản phẩm của làng nghề đan cần xé ổn định, người làm nghề cũng an tâm hơn.

Ban quản lý hợp tác xã đến thăm hỏi tình hình thành viên

Về quy mô và lợi nhuận hợp tác xã Trúc Xinh có được còn ít so với các hợp tác xã khác, nhưng đây là sự nỗ lực của cả tập thể và ban quản lý hợp tác xã, vừa phát triển thế mạnh của địa phương là sản xuất lúa, vừa giữ nghề truyền thống. Để tận dụng thời gian nông nhàn và nguồn lao động có sẵn tại địa phương, Ban quản lý hợp tác xã đã cố gắng trong việc tìm vùng nguyên liệu và nhận các đơn hàng lớn phân bổ lại chỉ tiêu theo nhu cầu của thành viên; liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã đan đác Thanh Trúc của thành phố Rạch Giá cung cấp sản phẩm khi số lượng đơn hàng lớn. Sở Công Thương đầu tư cho hợp tác xã máy vót nang năng suất gấp 8 lần so với vót tay thủ công vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và tăng hiệu suất làm việc. Từ đó, mức thu nhập từ nghề này của từng hộ dân cũng được ổn định, cuộc sống ngày một khấm khá hơn, nhất là những hộ không có ruộng đất thì đây là nghề chính có thể nuôi sống được cả gia đình.

Nhờ sự tỉ mĩ trong từng khâu và giữ chữ tín trong làm ăn nên sản phẩm của hợp tác xã Trúc Xinh được lòng khách hàng, có những mối làm ăn lâu năm vẫn tin tưởng đặt hàng. Các thành viên trong tổ đều thực hiện đúng thời gian hợp đồng và bảo đảm chất lượng.

Qua nhiều công đoạn tỉ mỹ, chiếc cần xé thành phẩm được ra đời

Được nghe những gì người đan cần xé chia sẽ, chúng tôi mới thấu hiểu được những vất vả của người làm nghề này, hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của nghề đan cần xé nơi đây. Mặc dù hợp tác xã có quy mô nhỏ, tình hình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người thợ nơi đây vẫn hoạt động, vẫn cố bám giữ nghề đã gắn bó và nuôi sống họ trong những năm tháng đã qua.

Yến Ngọc